Truyền kỳ đồi Mả Khách
“Sở dĩ, ngọn đồi trên có tên gọi là đồi Mả Khách là vì từ thời xưa, nơi đây thường xuyên có những ngôi mộ từ những người ở nơi xa về mai táng. Mà những người này chẳng phải dân thường bởi đi theo họ thường có những đoàn tùy tang hoặc những vật bồi táng. Ấy là chuyện xưa kể vậy, tôi là lớp người hậu bối sinh vào đầu thế kỷ 20, nghe ông bà kể lại khi chúng tôi thắc mắc về tên của đồi Mả Khách - nơi cảnh sắc tuy hoang vắng nhưng chẳng khác chốn bồng lai nên chúng tôi khắc ghi trong tâm trí”, cụ Văn (90 tuổi, người xã Trung Giáp - nơi có đồi Mả Khách) kể lại.
“Đó là chuyện xưa, tích cũ, nhưng không hẳn không có căn cứ vì hồi năm 2012, trong một lần có đoàn người về đào đất tại đồi Mả Khách, tôi có ra xem thì nhặt được trong đống đất bị đào bới những cổ vật như rìu, cốc chén và đồ thờ cúng. Tôi mang mấy vật dụng đó về nhà, có mấy tay buôn đồ cổ đến xem và đánh giá đây là đồ cổ thời Tiền Lê. Họ hẹn hò mua bán, tôi lừng khừng chưa chấp nhận thì mấy hôm sau, trong một lần quay lại đồi Mả Khách tôi bất ngờ bị ngã gãy mất mấy cái xương sườn phải đi viện. Từ đó cũng không gặp lại những tay buôn đồ cổ kia nữa, câu chuyện trên từ đó cũng không còn ai nhắc tới”, ông Hoàng Văn Huyền (Bí thư Chi bộ Khu 4, xã Trung Giáp) kể lại.
Một góc hồ Tay Phật |
Dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh khu đồi, ông Bùi Văn Cương (nguyên công an viên xã Trung Giáp) cho hay: “Ngay cạnh đồi Mả Khách là đồi Nhâm Thìn, đó là tên đồi đã có từ thuở xưa. Bao quanh đồi Mả khách là 8 ngọn đồi khác hợp thành một quần thể bao gồm 9 ngọn đồi. Giữa 9 quả đồi đó, có một hồ nước tự nhiên lớn rộng chừng 7 hecta. Hồ này luồn lách quanh những chân đồi theo hình một bàn tay, nước hồ quanh năm xanh biếc nên dân trong vùng gọi đó là hồ Tay Phật. Hôm 19/5 vừa rồi, Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Phú Thọ tổ chức Đại lễ phóng sinh với hơn 1.000 Phật tử tham gia có thả xuống hồ này các loài thủy sinh. Nghe nói, từ năm tới, hồ này sẽ thành nơi tổ tổ chức Đại lễ Phóng sinh thường niên”.
Nhìn từ góc độ phong thủy, nhiều chuyên gia phong thủy lý giải nguyên nhân đồi Mả Khách... “đắt khách” lạ từ tứ phương về mai táng từ ngàn xưa là bởi nơi đây phong thủy hữu tình, có thế “tựa sơn đạp thủy” với sông Lô, sông Hồng uốn lượn trước mặt; dãy Tản Lĩnh vững chắc sau lưng... Bởi vậy, theo giới phong thủy, nơi có đồi Mả Khách được mệnh danh là một trong “Tứ đại long mạch” của Việt Nam.
Du khách thăm quan Thiên đức Vĩnh hằng viên |
Đất vàng tâm linh
Như một định mệnh, khu đồi Mả Khách và 8 quả đồi vây quanh bây giờ đã “chính thức” trở thành nơi yên nghỉ của khách từ tứ phương sau khi giã biệt cõi trần. Nói là “chính thức” bởi khu đồi này đã được tỉnh Phú Thọ quy hoạch trở thành khu công viên nghĩa trang từ năm 2011 với tên gọi “Thiên đức Vĩnh hằng viên”.
Một góc Thiên đức Vĩnh hằng viên. |
“Từ ngày dự án đi vào hoạt động, khách tứ phương tìm đến Thiên đức Vĩnh hằng viên ngày một nhiều. Họ bất ngờ, rồi thích thú mà đùa với nhau rằng: “Sau này, có quy tiên, về với Thiên đức có khác chi về với chốn bồng lai!” Có lẽ khu đồi Mả Khách khi xưa giờ thêm “đắt khách” là vì thế”, vẫn lời ông Thông.
Dù khu công viên nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch nhưng vẫn tập trung tối đa vào lợi thế cảnh sắc tự nhiên với định hướng muốn biến nơi đây thành “chốn Bồng Lai” như người ta từng so sánh. Nào chim trĩ, nào bồ câu, rồi vịt trời, cây cảnh rồi những bữa ăn dưới nhà mái lá và cả không gian thanh bình mang lại cho những ai đặt chân đến đây cảm giác thư thái, yên bình.
“Gia đình tôi mỗi lần đến đây để thăm mồ mả của ông bà, tổ tiên đều cảm thấy thư thái và yên bình, mỗi lần đến đây con cháu lại được thăm mộ ông bà, tổ tiên để thể hiện lòng hiếu kính, lại vừa coi đó như chuyến dã ngoại để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, nghỉ ngơi sau những ngày vất vả”, ông Nguyễn Huân (67 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội), một du khách tại Thiên đức Vĩnh hằng viên cho biết.