Không tự bằng lòng với những gì mình đang có, Thái Nguyên đang ngày càng đầu tư, tập trung hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có trên 22.300 ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn nhất cả nước với năng suất chè búp tươi đạt trên 118 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hơn 240.000 tấn/năm.
Nâng cao giá trị theo hướng phát triển bền vững
Không ai nhớ rõ lịch sử trà Thái Nguyên như thế nào, nó có từ bao giờ, cũng chẳng ai nhớ từ khi nào chè Thái Nguyên đã phủ xanh từng mảnh đất trống trên địa bàn tỉnh. Ngay cả các cụ cao niên của các vùng trà lâu đời và danh tiếng như: Tân Cương, Trại Cài, Minh Lập, La Bằng, Khe Cốc, Tức Tranh cũng chẳng thể nhớ nổi cây chè, loại cây đã trở thành hình ảnh đặc trưng, là nguồn sống của cái vùng nửa đồi nửa núi này đã xuất hiện ở đây từ bao giờ.
Tuy vậy người ta vẫn truyền nhau câu chuyện rằng, cây chè đầu tiên của Thái Nguyên có nguồn gốc từ Phú Thọ, được một người dân của xã Tân Cương tên là Đội Năm – người sau này được tôn là ông tổ của làng trà Tân Cương mang về trồng. Cây chè trung du đã được lấy giống từ Phú Thọ để rồi giờ đây Thái Nguyên chứ không phải Phú Thọ được mệnh danh là xứ sở “Đệ nhất danh trà” của cả nước. Hiện nay cây chè tổ nhiều tuổi nhất đã gần 90 tuổi và được trồng ở vùng trà Tân Cương.
Cây chè Phú Thọ khi bén rễ trên mảnh đất Thái Nguyên trong điều kiện thiên nhiên, khí hậu thuận lợi nên phát triển tươi tốt vượt trội. Cây chè được nuôi dưỡng trên nền đất feralit màu vàng, chứa nhiều lớp phù sa cổ và được tắm mát bởi dòng sông Công và hồ Núi Cốc nên chất chè Thái Nguyên nơi đây không thể chê và lẫn với bất cứ vùng chè nào khác.
Lịch sử chè Thái Nguyên gắn liền với lịch sử phát triển của cây chè Việt Nam. Trước những năm 1882 người Việt Nam trồng chè dưới hai hình thức: trồng chè vườn hộ gia đình và trồng chè rừng. Từ năm 1882 tới năm 1945 bắt đầu xuất hiện những đồn trà lớn tư bản Pháp với những công nghệ và thiết bị hiện đại, lúc này người dân Thái Nguyên bắt đầu sản xuất trà tại hộ gia đình và doanh điền.
Chè Thái Nguyên luôn có chất riêng không lẫn với bất cứ vùng chè nào của Việt Nam. |
Từ khi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà lần thứ nhất và vùng đặc sản chè Tân Cương được trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2011 thì chè Thái Nguyên càng được sử dụng rộng rãi, góp phần thúc đẩy quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè. Đặc biệt, các doanh nghiệp chè Thái Nguyên đã tham gia nhiều cuộc thi chất lượng chè quốc tế, đạt được những giải rất cao, như: Giải Đặc biệt và giải Bạc năm 2016, 2017 cuộc thi chất lượng chè Bắc Mỹ.
Cùng với nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu giống, tỉnh Thái Nguyên ngày càng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng. Đứng trước thực tế hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với quy trình sản xuất thân thiện môi trường, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè hữu cơ song song với VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified... Đến nay, tỉnh đã có hàng nghìn ha chè được chứng nhận VietGAP và chứng nhận an toàn khác.
Điển hình như Hợp tác xã chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương hiện đang canh tác hơn 60 ha chè VietGAP và chè hữu cơ. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu mát mẻ, cây chè lại được chăm bón từ phân chuồng hoai mục, phân gà nhập khẩu từ Nhật Bản, phun chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng, sâu bệnh… để cho ra sản phẩm chè sạch, thơm, ngon, an toàn, chất lượng cao được thị trường ưa chuộng.
Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè Khe Cốc chia sẻ, hiện nay hợp tác xã đang thực hiện dự án 35 ha chè an toàn, hữu cơ và đã được Nhà nước hỗ trợ từ 25 đến 35 triệu đồng/ha/năm kéo dài từ 3 đến 5 năm. Đây là sự hỗ trợ kịp thời cho bà con nhân dân chuyển đổi từ chè VietGAP, chè sản xuất thông thường sang sản xuất an toàn, hữu cơ Organic.
Sản xuất theo quy trình hữu cơ người dân thấy an toàn cho sức khỏe, sản phẩm được thị trường đón nhận, đây lại là xu hướng chung của nền nông nghiệp...Do vậy, đến nay tất cả các hộ dân trong xóm và vùng nguyên liệu của Hợp tác xã, bà con đã ký cam kết sản xuất trà an toàn, chuyển đổi dần từ chè VietGAP, chè thông thường sang chè hữu cơ.
Chè Thái Nguyên luôn có chất riêng không lẫn với bất cứ vùng chè nào của Việt Nam |
Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 22.000 ha chè. Đến nay, bình quân năng suất chè 12 tấn/ha, có nơi đạt 15 - 20 tấn/ha, chất lượng chè tỉnh Thái Nguyên không ngừng được nâng cao. Các sản phẩm chè đã dần chinh phục được các thị trường quốc tế khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Canada, và các nước châu Âu. Để khuyến khích người dân sản xuất chè sạch an toàn VietGap, chè an toàn hữu cơ… tỉnh Thái Nguyên xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ người dân như: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác.
Ngoài ra, hình thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè ở Thái Nguyên rất phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp, 209 hợp tác xã, tổ hợp tác, 230 làng nghề, làng nghề truyền thống với trên 91.000 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.
Bí quyết để giữ mãi hương trà Thái Nguyên
Trà Thái Nguyên là một loại đồ uống nổi tiếng trong ẩm thực của người Việt Nam có hương thơm cốm dịu dàng đặc trưng, màu nước xanh trong, sánh và bền, vị chát dịu, uống xong có hậu ngọt lắng sâu trong vị giác người thưởng thức.
Người dân vùng chè Thái Nguyên mê mải với công việc thường nhật, từ động tác hái chè những ngón tay như múa đến từ cách thức sao vò chè như thể làm ảo thuật. Cũng vì sự khéo léo đầy tính nghệ thuật đó mà nhiều người đã được tôn vinh là nghệ nhân. Những búp chè Thái Nguyên qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, cộng với quy trình chế biến thủ công cho ra những sợi trà xoăn như móc câu, trắng như sương tuyết.
Trà Thái Nguyên chủ yếu vẫn được chế biến theo phương pháp thủ công, truyền thống theo quy mô hộ gia đình. Những búp trà non được hái theo nguyên tắc 1 tôm, 2 lá hoặc 3 lá tùy theo loại trà thành phẩm. Búp trà non được hái nhẹ nhàng, tránh dập nát. Sau khi được hái, chè sẽ được bảo quản tốt và không để dập nát rồi được đưa ngay vào xưởng hay nhà máy để chế biến. Trong thời gian chờ đợi, búp chè sẽ được rũ tơi và rải đều trên các nong bằng tre, quá trình này được gọi là “quá trình héo lá chè”.
Trà Thái Nguyên tuyệt hảo được tạo nên từ những bàn tay của các nghệ nhân |
Sau đó chè sẽ được đưa đi diệt men, và trong quá trình này, phải có sự đồng đều giữa lượng nhiệt ở đáy chảo và lượng nguyên liệu, đảo đều và nhịp nhàng. Nếu thực hiện quá trình diệt men đúng quy trình, nước sẽ thoát ra khỏi lá chè đều và toàn bộ lá chè trở nên mềm dẻo và không bị quá khô hay quá ướt, lá chè vẫn giữ được màu xanh.
Tiếp đó, chè sẽ lại được rải ra nong thành lớp mỏng để làm nguội và sau đó lại tiếp tục đến công đoạn vò. Quá trình vò được thực hiện rất cẩn thận để lá chè xoăn chặt mà các tế bào ít bị dập. Sau khi vò xong, chè được đưa đi sao để làm khô, số lần sao và thời gian sao tùy thuộc yêu cầu của chất lượng chè sản phẩm.
Các sản phẩm trà Thái Nguyên luôn có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường |
Sau khi trà khô, người ta đổ trà ra mẹt, nong, nia, nhặt nhạnh phần cuống già, lá già sót lại, sẩy sạch cám. Rồi lại tiếp tục cho chè vào quay thêm chút thời gian nữa khi thấy hương thơm là được. Đây là công đoạn lên hương trà. Trà Thái Nguyên đã được người dân nơi đây chế biến thành nhiều loại cho giá trị kinh tế cao như chè xanh, chè đen, chè đinh, chè nõn, hồng trà, bạch trà...
Với sự nỗ lực trong việc sản xuất, trà Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha chè bình quân đạt 300-500 triệu đồng. Riêng nhiều vùng chè đặc sản có nơi đạt trên 500-800 triệu đồng/ha.