Những đứa trẻ “không cha, vắng mẹ” ấm lòng nơi cửa Phật

(PLO) - “Các cháu đến với chùa tức là có duyên với cửa Phật. Mình cứ nuôi dạy, gieo mầm lành, để về sau các cháu còn giúp đời làm việc tốt. Khi các cháu lớn, cháu nào muốn hoàn tục thì nhà chùa vẫn ủng hộ. Con đường đời hay đạo do các cháu tự chọn. Chúng tôi chỉ làm tròn trách nhiệm nuôi nấng, hướng các cháu những điều tốt đẹp”, sư cô Diệu Lạc tâm sự.
Lớp học khang trang ở chùa Lộc Thọ
Lớp học khang trang ở chùa Lộc Thọ

Lớp học tình thương nơi của chùa

“Ai hỏi cháu: Cháu học trường nào đấy? Bé nào ngoan và múa hát thật hay, cô là mẹ và các cháu là con, trường của cháu đây là trường mầm non chùa Lộc Thọ”. Đó là một đoạn trong lời mà các nhỏ từ mẫu giáo đến lớp 5 đang theo học tại các lớp học tình thương chùa Lộc Thọ (xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đều thuộc lòng. 

Nếu không biết trước, người ta sẽ nghĩ đó là một trường nội trú dành cho bậc tiểu học thuộc hệ thống giáo dục chính quy. Phòng ốc tinh tươm, học trò mặc đồng phục và có cả sân chơi. Sau giờ học buổi sáng, các em ăn cơm trưa tại chùa, được chơi đùa, nghỉ ngơi để bắt đầu giờ học buổi chiều.

Theo sư cô Diệu Lạc - Trụ trì chùa Lộc Thọ, ngôi chùa này do sư cô Diệu Ý (viên tịch năm 2014) sáng lập. Năm 1992, thấy nhiều gia đình vì quá cơ cực mà không quan tâm đến việc giáo dục con cái, sư cô Diệu Ý bèn cất lên một mái nhà tranh trong khuôn viên chùa, đóng mười chiếc ghế nhỏ và tự mình đi vận động những gia đình nghèo cho con đi học chữ.

Ban đầu, học trò của sư cô Diệu Ý là trẻ em nghèo trong xóm, dần dần có cả những đứa trẻ bị bỏ rơi. Có em sinh ra ngoài ý muốn, người ta mang bỏ trước sân chùa. Có em mồ côi, không cha, không mẹ, nhưng cũng có những gia đình vì quá khó khăn nên mang con gửi vào nhà chùa, mong sao ở nơi ấy những đứa con mình sẽ học được con chữ, học được lẽ sống có ích cho đời.

Điều sư cô Diệu Ý trăn trở dạo ấy là lớp học càng ngày càng đông, mà không gian lớp lại nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu của các em. Năm 2006, khi đến thăm chùa, cảm động trước tấm lòng thiện nguyện, bao dung của các sư cô, trước sự hiếu học của các cháu nhỏ, gia đình Stephanie Lan Wong và bằng hữu từ Canada và Hoa Kỳ đã ủng hộ tiền để xây dựng lớp học tình thương với 4 phòng học mới. Hiện nay, chùa có hơn 130 theo học gồm một lớp mẫu giáo, một lớp 1, một lớp 2 và một lớp ghép từ lớp 3 đến lớp 5. 

“Sau khi học xong lớp ở chùa, các cháu sẽ nhận được giấy chứng nhận của Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp. Cháu nào muốn học cao lên, nhà chùa sẽ tạo điều kiện để các cháu học bên ngoài. Có rất nhiều cháu đã tiếp tục đi học ở lớp cao hơn, hòa nhập với cộng đồng”, sư cô Diệu Lạc cho biết.

Tấm lòng yêu thương dành cho trẻ em ở chùa đã làm rung động trái tim nhiều người. Nhiều người cùng đến với các cháu bằng cả tấm lòng, người góp gạo, người góp công nuôi dạy. Nhiều giáo viên như các cô Phan Thị Chinh, Phùng Thị Mỹ Hạnh, Bùi Thạch Ngọc Châu… đã thiện nguyện ở nơi cửa thiền để dạy cho các cháu từng nét bút, con chữ, dạy cách làm người. 

Cô giáo Bùi Thạch Ngọc Châu chia sẻ: “Tôi gắn bó với chùa đã hơn 5 năm. Chúng tôi tình nguyện đến đây giúp đỡ để các cháu được đến trường như bao trẻ khác. Tôi là giáo viên nghỉ hưu muốn góp sức phần còn lại của đời mình mang chữ đến cho con trẻ mồ côi, cơ nhỡ”.

Các cháu ở chùa được lo ngày 3 bữa ăn đầy đủ
Các cháu ở chùa được lo ngày 3 bữa ăn đầy đủ

Nuôi dạy các cháu là niềm hạnh phúc lớn lao

Mỗi khi giờ học bắt đầu cũng là lúc các sư cô trong chùa lại tất bật lo bữa ăn cho các cháu. Hơn 130 cháu, lo đủ bữa ăn chẳng dễ dàng. Nhưng các sư cô ở chùa Lộc Thọ tin rằng cái Tâm đã giúp họ vượt qua bao vất vả.

Trưa, sau giờ tan học, các cháu lại được nhà chùa lo bữa ăn, là bữa ăn chay bình dị mà đầy ắp nghĩa tình. Chiều tới, các sư cô lại lặng lẽ chăm lo, bón từng bát cháo, ru giấc ngủ cho 30 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ thuở sơ sinh. Các sư cô thương yêu, đùm bọc, xem các cháu như là một phần máu thịt của mình.

Theo sư cô Diệu Lạc, việc nuôi trẻ mồ côi là một cơ duyên, các sư cô ở chùa có duyên để trong đời gặp nhau và còn trở thành người nuôi nấng các bé. Sư cô kể, nhiều lần, đang ngủ bỗng nghe tiếng khóc văng vẳng ngoài cổng chùa, chạy ra thì thấy một cháu bé nằm trong giỏ hoặc khăn, ai đó bỏ lại trước cổng chùa. Cũng có khi là lúc sáng sớm, hay giữa trưa vắng người. Đa số các cháu đều bị một bệnh lý hay dị tật và hầu như không biết gốc gác bố mẹ mình. Chính vì vậy, từ cái tên hoặc ngày sinh đều do các sư cô tự đặt. 

Bé Thiện Huệ được gói trong chiếc khăn để trước cổng chùa. Cháu rất bụ bẫm và dễ thương nhưng lại thiếu mất hai cánh tay, tất cả sinh hoạt của cháu đều làm bằng chân. Hiện nay, cháu đã 4 tuổi, chưa đủ nhận thức để biết những nỗi đau mà mình gánh phải. Dù không có tình thương từ bố mẹ nhưng được tất thảy mọi người yêu thương, che chở dưới mái ấm tình thương này.

Cách đây 1 năm, một trẻ sơ sinh bị bỏ trước cổng chùa ngay khi còn đỏ hỏn, chỉ nặng 1,4kg. Các sư cô hốt hoảng đưa cháu đến BVĐK tỉnh Khánh Hòa để nằm lồng kính. Hơn 1 tháng sau, cháu mới cứng cáp như trẻ bình thường. Tuy nhiên, các sư cô lại rất buồn khi nhận ra cháu bé có dị tật ở mắt. Lo cho cháu, sư cô Diệu Lạc ngược xuôi, đưa cháu vô BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) để chữa trị. Hiện nay, sức khỏe cháu dần ổn định. 

Hỏi có nản lòng không khi chăm sóc các cháu toàn đau ốm liên miên, sư cô Diệu Lạc cười nói: “Khi mình có tâm thiện, từ tấm lòng phát ý muốn cống hiến thì mọi việc khó khăn đều thấy đơn giản. Với lại, được chăm lo từng miếng ăn, dạy từng con chữ cho các cháu mỗi ngày là niềm hạnh phúc lớn lao đối với các sư cô trong chùa”. 

Đọc thêm