Những gia đình cuối cùng ở Khe Nhè giữ nghề làm giấy dó của đồng bào Cao Lan

(PLVN) - Nghề làm giấy dó của đồng bào Cao Lan ở bản Khe Nghè(xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã có ngay từ những ngày đầu tiên khi họ tới vùng đất vải sinh sống. Dù nắm giữ trong tay những bí quyết riêng tạo nên thương hiệu giấy dó Cao Lan từng một thời được ưu chuộng nhưng giờ đây ở Khe Nhè chỉ còn một vài hộ gia đình còn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông bằng lòng đam mê. 
Công đoạn tráng bột giấy ra khuôn để làm giấy dó của người Cao Lan. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Sự khác biệt của dó Cao Lan

Nghề giấy dó của người Việt được một số thư tịch cổ nước ngoài nói rằng có từ thế kỷ 3 sau công nguyên. Khi đó, người Giao Chỉ đã biết dùng gỗ mật hương để chế tác thành một loại giấy bản tốt, có tên gọi là giấy mật hương.

Khi nhà nước Đại Việt ra đời và quyết định lựa chọn Thăng Long làm kinh đô thì nghề làm giấy càng phát triển. Bởi thời điểm này nhu cầu của xã hội bắt nguồn từ việc học tập, giao dịch, thi cử phát triển đã giúp nghề làm giấy dó phát triển mạnh mẽ. Ở nhiều địa phương như: làng Đống Cao (Kinh Bắc); làng An Thái, Yên Hòa (Thăng Long); làng An Phúc ở (Hà Tây) và một số đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nghề làm giấy dó như dân tộc Mông; Cao Lan; Dao;…

Họa sĩ Đào Ngọc Hân, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học ứng dụng từng khẳng định: “Nghề làm giấy dó không chỉ là “đặc sản” của người Kinh sinh sống ở miền Bắc Việt Nam mà một số dân tộc thiểu số nước ta cũng có nghề làm giấy dó từ các nguyên liệu giàu bột giấy như các loại cây dó, cây dướng, thân tre non và cuống rơm”. 

Trong số đó, kỹ thuật, chất lượng giấy dó của người Cao Lan sống ở bản Khe Nghè, sườn Tây Yên Tử được nhiều nơi biết tới bởi có nhiều khác biệt với cách làm của những nơi khác. 

Bản Khe Nghè có hơn 70 hộ, chủ yếu là người Cao Lan. Đồng bào nơi đây có nhiều nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm và làm giấy dó. Theo lời kể của nhiều bậc cao niên trong làng, từ ngày người Cao Lan tới vùng đất này sinh sống, nghề làm giấy dó đã rất thịnh hành, phần lớn các gia đình ở đây đều làm giấy. 

 Anh Dương Văn Quang giới thiệu công đoạn cuối cùng để làm giấy dó. 

Ở vùng cao, trong đời sống tâm linh, giấy dó được sử dụng trong nhiều nghi lễ truyền thống. Ví dụ như trong đám ma, họ đục hoa văn trên giấy để làm lễ cúng, giống như một loại tranh thờ. Về sau đóng thành quyển để làm sách, viết chữ. Nhiều khách từ các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đều tìm đến để mua cho kỳ được giấy dó, vì giấy dó của người Cao Lan nổi tiếng là chất lượng tốt nên thu hút được nhiều khách hàng.

Những ngày cả bản nhà nhà, người người làm giấy dó đó chỉ còn trong quá khứ. Ngày nay, ở bản Khe Nghè chỉ còn một vài ba hộ làm để giữ nghề truyền thống chứ không ai thực sự sống được với nghề. Bà Trạc Thị Ngọn (80 tuổi) cùng con trai là Dương Văn Quang là một trong số ít người ở Khe Nghè còn theo đuổi đam mê làm giấy dó. Bà Ngọn cho biết, xưa kia, giấy dó được sử dụng phổ biến để lưu giữ chữ viết, tranh vẽ, tranh thờ, in dập các văn tự cổ, ghi chép gia phả của các dòng họ, gia đình...

Giấy dó được ưa chuộng bởi nó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gẫy, ẩm nát. Tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, trong số những tài liệu giấy, thì tài liệu giấy dó có tuổi thọ cao nhất. Các tài liệu giấy dó là những loại tài liệu được sản sinh lâu đời nhất, từ khi các phương tiện bảo quản chưa được phát triển.

Ở Việt Nam có nhiều nơi làm giấy dó, nhưng mỗi nơi có những kỹ thuật, bí quyết riêng. Điểm khác biệt trong kỹ thuật làm giấy dó của người Cao Lan là họ không seo giấy trong bể seo mà đồ bột giấy lên khuôn tráng có căng lớp vải để thoát nước. Khuôn tráng giấy dó được dựng nghiêng để phơi cho đến khi tách được tờ giấy ra...

Anh Dương Văn Quang giới thiệu cho học sinh về các công đoạn làm giấy dó. 

Anh Dương Văn Quang cho biết: “Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm giấy dó của người Cao Lan gồm hai loại là cây vợt pạ và dây hau pau (cây dưỡng). Hai loại cây và dây này đều có trên những ngọn núi, khu rừng cao. Người Cao Lan khi làm giấy phải cất công lên rừng, lên núi, trèo đèo, lội suối để tìm kiếm hai loại cây này. Trong đó, hau pau được dùng để làm thành bột giấy, còn vạt pạ được ngâm để lấy nước, tạo thành chất hồ của giấy”. 

Cây hau pau sau khi lấy về sẽ được làm sạch vỏ, ngâm với nước vôi trong và ninh cùng nước hòa tro bếp. Vỏ cây hau pau dễ bóc vỏ, nhất là khoảng tháng 3 và tháng 7. Vỏ cây hau pau sẽ tiếp tục được làm sạch tro bám. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, không thể nóng vội để tạo được độ sáng trắng của giấy. Hau pau sau khi được ninh nhừ sẽ được đem đi giã hoặc đập dập. 

Đối với cây vợt pạ phải tách lấy vỏ, cạo sạch lớp vỏ lụa ngoài màu nâu, bó thành cuộn rồi ngâm vào chậu nước sạch một đêm. Sáng hôm sau, mớ vỏ được vớt ra, người làm sẽ thu được một chậu keo có màu trong vắt. Công đoạn cuối cùng là đem phần vỏ được đập nát xuống bể khuấy đều sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Trong quá trình khuấy trộn cùng nước ngâm vạt pạ để giấy khi vào khung sẽ không bị dính.

Cũng giống nhiều vùng khác, đồng bào Cao Lan cũng tự sáng chế khung làm giấy dó cho mình. Khung được ghép vuông bằng bốn thanh gỗ, ở giữa căng vải màn hay vải xô, độ dày mỏng của vải căng quyết định độ dày, mỏng của giấy dó.Ngoài ra, còn có một nồi nấu chất liệu giấy và một chậu đựng nước pha bột giấy...

“Khi trộn hồ với bột phải bằng cách cảm nhận, không thể đong đếm được. Tôi học làm giấy từ rất lâu rồi, lúc đầu làm cũng thử đong xem nhưng không được bởi vì khi cái cây hồ non thì tỷ lệ hồ kém hơn một chút, nếu mình cứ đong bằng một ca như mọi khi thì lại không đủ, còn cây già hơn một chút thì đong bằng một ca đó lại bị quá nhiều. Vậy nên chỉ bằng cách pha xuống khung, mình sờ tay xuống cảm nhận. Sau này khi mình sờ, cảm nhận bằng tay quen rồi thì đủ lượng là mình biết luôn, mình tráng lên tờ giấy lại phải tráng tay thật đều, thật phẳng không thì tờ giấy bị chỗ mỏng chỗ dầy”, anh Dương Văn Quang cho hay. 

Bộ tranh Tố Nữ của họa sĩ Lý Trực Sơn trên chất liệu giấy dó. 

Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng, tìm nơi sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều nắng gió để phơi giấy cho khô. Khi phơi cũng phải đặt khuôn phẳng mặt thì tờ giấy mới mịn đều. Lấy giấy khô cần gỡ mép trước, sau đó lột cả tờ giấy lên. Sản phẩm cuối cùng, giấy dó có màu trắng, giấy dày đều, phẳng và dai.

Ở trong bản Khe Nghè, những người còn nặng lòng với nghề làm giấy dó của đồng bào Cao Lan cùng chung nỗi lo bởi giờ đây còn rất ít người trong bản và những nơi khác biết làm giấy dó truyền thống.Được làm từ bàn tay khéo léo của người Cao Lan theo bí quyết riêng, sản phẩm giấy dó tuy mỏng nhưng dai và bền hơn giấy sản xuất công nghiệp. Nếu bảo quản cẩn thận có thể để vài chục năm vẫn sử dụng tốt. Giấy dó giờ không còn được nhiều ưu chuộng và mua như trước khi giấy công nghiệp đa dạng, rẻ và trở nên thông dụng. 

Ngành Văn hóa địa phương đã từng có một số chương trình hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm giấy dó ở Khe Nghè. Ông Nguyễn Văn Quế, Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết: Là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, tồn tại hàng trăm năm với tên tuổi, bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có nghề làm giấy dó ở xã Lục Sơn.

Tuy nhiên, bản thân anh Quang đã nhiều lần được mời tham gia trình diễn làm giấy dó tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, song vẫn chưa tìm được người trẻ tâm huyết để truyền nghề. Nguy cơ thất truyền nghề làm giấy dó chỉ là thời gian không xa.

Cơ hội cho giấy dó ở thời đại 4.0

Vào tháng 5/2019, Trung tâm Quản lý văn hoá phổ cổ Hà Nội đã tổ chức toạ đàm chủ đề: “Dó Việt xưa - nay” tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). 

Cũng như một số nghề truyền thống khác của người Việt xưa, nghề làm giấy dó đã có nhiều thế kỷ hưng thịnh trước khi bị dòng thời gian và sự biến đổi, phát triển của xã hội làm mai một. Được đánh giá là một trong những loại giấy bền nhất thế giới có niên đại lên đến 500 – 600 năm, giấy dó một thời huy hoàng trong đời sống người Việt.

Trước khi làm ra giấy, từ thời cổ, người Việt cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới đã dùng các loại vật liệu khác để ghi chép như khắc trên đồng, trên đá, trên mai rùa, xương thú, trên đất sét, đất nung, viết trên tre, nứa, trúc, trên lá cọ, trên lụa,... Những loại “sách vở” ấy đến nay còn lại khá nhiều ở nước ta. Các nhà khảo cổ, các nhà dân tộc học gần đây còn phát hiện được sách đồng ở Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam và sách đá ở Thanh Hoá…

Họa sĩ Đào Ngọc Hân cho biết, nghề làm giấy dó ở Việt Nam xuất hiện trong sử sách và các tư liệu vào thế kỷ thứ 3 cho đến khi nước Đại Việt ra đời, định đô ở Thăng Long. Vào thời xưa, giấy dó rất hưng thịnh, trong các khu chợ bán giấy như làng Yên Thái, Nghĩa Đô, Cầu Giấy… người mua kẻ bán rất tấp nập, cả làng trắng xóa bởi giấy dó đem phơi…

Theo họa sỹ Đào Ngọc Hân, câu chuyện về tổ nghề giấy ở Việt Nam có nhiều dị bản khác nhau nhưng nhìn chung, theo những ghi chép về giấy của ta thời thượng cổ do người Việt viết thì đến nay vẫn chưa tìm thấy trong vốn sách sử cổ còn sót lại của nước nhà. Sách “Thiên tự Văn” của Trung Quốc viết rằng: Thái Luân đã sáng chế ra giấy, bằng cách dùng vỏ cây có xơ, gọi là ma chỉ, dùng vải cũ, lưới đánh cá cũ giã ra làm giấy gọi là võng chỉ, dùng cây dó làm giấy gọi là cốc chỉ. Thái Luân làm quan và chế ra giấy vào đời vua Hoà Đế nhà Hán.

Trong quá trình lịch sử, trên lĩnh vực sản xuất giấy, thợ thủ công Việt Nam đã tỏ ra hết sức tài khéo. Họ làm ra nhiều loại giấy, trong đó có một số loại giấy quý, rất đẹp và qua thử thách của thời gian, khí hậu, đã tỏ ra vô cùng bền. Do đó, ngay từ thời vua Lý Cao Tông (1176-1210) một số loại giấy tốt của ta đã thuộc vào hàng đặc sản cống phẩm cho nhà Tống.

Khoảng cuối đời nhà Lý đến đầu đời nhà Trần mới thấy có tài liệu lịch sử ghi lại rằng: “Ở phía Tây của kinh đô Thăng Long, có một xóm thợ thủ công chuyên về làm giấy. Đó là phường giấy làng Dịch Vọng. Gần đấy có Cầu Giấy”. Đến thế kỷ thứ 15, một phường làm giấy khác nổi lên, phồn thịnh hơn cả phường giấy Dịch Vọng, đó là phường giấy Yên Thái (làng Bưởi - Hà Nội). Sách “Dư địa chí” trong “Nguyễn Trãi toàn tập” của Nguyễn Trãi có nói đến làng giấy này. Nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn, ở thế kỷ 18, trong bộ sách bách khoa “Vân đài loại ngữ” của ông đã có khảo cứu về nghề làm giấy ở nước ta…

Như vậy, nghề làm giấy ở nước ta có lịch sử lâu đời và đến đầu thế kỉ 18 thì đã phát triển khá rộng rãi ở nhiều địa phương. Sản lượng giấy lúc này đạt mức đủ đảm bảo để in được nhiều sách bằng “giấy nội hoá”.

Là một họa sĩ có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm “Dó Việt xưa-nay”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, chia sẻ: Trong đời sống xã hội ngày nay, giấy dó đã được sử dụng phổ biến hơn trong mỹ thuật, trở thành chất liệu để sáng tạo văn hóa mỹ thuật Việt. Tôi rất thích sử dụng giấy dó để vẽ, bởi nó có giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật rất đắc địa và có sự phóng túng, mộc mạc, dung dị hơn hẳn nguyên liệu vẽ tranh lụa.

“Các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao về giá trị của giấy dó Việt, họ khẳng định giấy dó Việt là tốt nhất. Điều đáng tiếc là, nguồn chất liệu quý giá siêu bền giờ mới chỉ phục hồi trong mỹ thuật, cung cấp một chất liệu sáng tạo văn hóa và phục vụ được nhóm đối tượng rất nhỏ. Chúng ta cần đưa giấy dó đi chinh phục để nhiều người biết đến và có thể ứng dụng rộng rãi vào đời sống đương đại”, ông Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, giấy Dó truyền thống đang bị lấn át bởi các loại giấy khác. Hiện nay, rất khó để có thể tìm được một cửa hàng bán tranh vẽ trên giấy dó.

Theo nghệ nhân Ngô Thu Huyền, một trong những người trẻ hiếm hoi của làng Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh còn tiếp tục theo nghiệp làm giấy dó, đối với một nghề truyền thống thì không chỉ để dành cho việc trưng bày mà nó cần phải có giá trị ứng dụng vào đời sống cao. Ngày nay, sự ra đời của công nghệ in ấn, giấy công nghiệp ngày càng chiếm ưu thế, được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội bởi sự tiện lợi phù hợp với nhu cầu sử dụng. Do đó, muốn giấy Dó được nhiều người sử dụng, cần làm tăng giá trị ứng dụng của nó.

Chị Ngô Thu Huyền chia sẻ: “Về giấy dó trên thị trường hiện nay thì nhu cầu sử dụng của mọi người cũng khác nhau. Ví dụ như dòng giấy để lưu trữ bảo quản thì phải có chất lượng rất tốt. Thứ hai là nếu muốn sử dụng dòng giấy thủ công thì cần phải có tính thẩm mỹ, ví dụ mình có thêm họa tiết khác nhau để tạo nên những tờ giấy có tính thẩm mỹ cao. Và mình cũng sản xuất thêm dòng giấy dành cho các bạn viết thư pháp phương Tây và vẽ màu nước. Vẫn là chất liệu giấy Dó nhưng phải có sự thay đổi để phù hợp với nhu cầu sử dụng”.

Do đó, Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng để giấy Dó không bị mai một, chúng ta cần hỗ trợ về công nghệ, tạo ra một thị trường rộng hơn cho những người sản xuất, thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu cho một vài đối tượng như hiện nay, có như vậy những nghệ nhân mới có thể sống được với nghề.

Cao Lan là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay (Cao Lan - Sán Chí). Trước đây các học giả người Pháp coi người Cao Lan là một bộ phận của dân tộc Dao. Người Cao Lan còn được gọi là người Trại. Cho đến nay, người Cao Lan ở Bắc Giang vẫn tự nhận mình là người dân tộc Cao Lan, có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.

Theo kết quả khảo sát, nguồn gốc của người Cao Lan ở Bắc Giang là từ Quảng Đông, Quảng Tây, Dương Châu, Quý Châu (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam đã được 300 năm. Đến Việt Nam, người Cao Lan cư trú ở tỉnh Quảng Ninh sau đó di cư đến các huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang.

Theo số liệu thống kê năm 2014, nhóm dân tộc Cao Lan - Sán Chí ở Bắc Giang có khoảng trên 25 nghìn người, sống tập trung ở 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. 

Đọc thêm