Những giá trị chân chính sẽ không bị lu mờ!

(PLO) - Phong Điệp là nữ nhà văn viết khỏe, dành nhiều tâm huyết cho đề tài đô thị hóa. Cuốn tiểu thuyết thứ 3 của chị đã phản ánh khá đậm nét về sự đổi thay của cuộc sống cùng những lo ngại về sự đổi thay trong lối sống người dân. 
PLVN có cuộc trao đổi với chị về cuốn tiểu thuyết này cũng như chuyện nghề, chuyện viết.
Chào nhà văn Phong Điệp. Đề tài của tiểu thuyết “Ga ký ức” là câu chuyện đang diễn ra của thời đại, nói về đô thị hóa và con người biến đổi trong xã hội đó. Điều này đã khiến không ít người cảm thấy lạc lõng, cô đơn và hoang mang. Đây là đề tài có nhiều người đã và đang viết. Vậy chị có  nghĩ là mình đang làm một việc liều lĩnh vì theo đuổi một đề tài mà  nhiều người đang đào sâu?
- Viết với tôi trước hết là một thúc giục, một nhu cầu tự thân. “Ga ký ức” là nỗi ám ảnh của tôi suốt nhiều năm qua. Những câu chuyện ở đó, những số phận ở đó, nó có sự khác biệt rõ rệt với những tác phẩm trước đây viết về cùng đề tài này. Hình thức thể hiện của cuốn tiểu thuyết cũng sẽ gợi nhiều tò mò cho độc giả. Ga ký ức ở đâu? Liệu có một nơi nào như thế không? Bởi vậy, nếu hỏi tôi có liều lĩnh không, thì tôi xin trà lời là có, vì tôi khai thác đề tài này theo cách chưa ai từng làm. Và tôi thích sự liều lĩnh này. 
Hơn nữa, đề tài với nhà văn không phải là cái quan trọng nhất. Theo tôi, quan trọng hơn cả, vẫn là nhà văn viết như thế nào, có hay, có độc đáo hay không. Có thể cũng vẫn là đề tài ấy, nhưng mỗi người viết lại có cách xử lý khác nhau. Điều đó tạo nên hấp dẫn và cũng là là yếu tố khiến cho văn chương luôn bất ngờ và quyến rũ.
“Ga ký ức” có ba nhân vật chính, có ba số phận riêng biệt; nhưng sự gắn kết của chúng là không thể tách rời. Đó là ba mảnh ghép của một bức tranh. Nếu không có nhân vật cô gái, làm sao chúng ta tìm được nhân vật Y? Nếu không có Phùng, ai sẽ đi tìm cô gái? Nếu không có cô gái, ai sẽ giải mã được tâm hồn cho Phùng?… Rất nhiều những mối ràng buộc khăng khít như vậy, giữa các nhân vật của tôi buộc độc giả phải theo dõi cuốn sách đến tận dòng cuối cùng mới có có thể tìm được lời giải đáp. 
Chị là người viết cần mẫn, chăm chỉ, có lúc nào chị thấy nản lòng, hoặc một chút hoang mang, khi những người viết, tạm gọi dòng chính thống thì đau đáu cách tân, tìm những hướng đi mới, trau chuốt ngôn ngữ. Ấy vậy mà sách được in và bán ra chỉ bằng một phần nhỏ so với dòng sách mà không ít bạn trẻ đang viết, là ngôn tình, đam mỹ?
- Tôi tin giá trị chân chính sẽ không thể bị lu mờ. Trong văn chương cũng vậy. Sự ồn ào không làm nên giá trị của văn chương. Gần đây, có trường hợp một số người viết tự điều chỉnh cách viết của mình cho “cập nhật” thị trường, đó cũng là một lựa chọn cần được tôn trọng. Tuy nhiên tôi vẫn trung thành với lựa chọn của mình: không thể cư xử với văn chương theo kiểu thời trang. 
Người viết cần thường xuyên học hỏi, lặn sâu vào đời sống này và cho ra đời những tác phẩm thực sự có giá trị. Chữ giá trị này bao hàm nhiều ý: giá trị về nội dung của cuốn sách; giá trị về nghệ thuật mà nhà văn cống hiến trong tác phẩm; những tìm tòi, đổi mới của nhà văn thể hiện trong tác phẩm… 
Nhà văn Di Li từng cho rằng, truyện ngôn tình, đam mỹ… xếp ở “chiếu dưới”. Đó chỉ là một trào lưu. Và đã là trào lưu thì sẽ dễ bị thay, như người ta thay áo. Chị nghĩ sao về điều này?
- Những trào lưu sáng tác mà chúng ta thấy hiện nay như ngôn tình, đam mỹ… thỏa mãn  nhu cầu của một bộ phận độc giả. Vì thế mà nó mới tồn tại và thậm chí bán rất chạy. Tuy nhiên nhu cầu cũng như thị hiếu của độc giả thì thường xuyên thay đổi, vì thế chúng ta mới được chứng kiến những tác giả có thể hôm nay rất nổi đình nổi đám, nhưng ngày mai đã không còn ai nhớ đến họ nữa. 
Xin chị chia sẻ một chút về xu hướng sáng tác (dòng văn chính thống) của giới trẻ hiện nay. Điều gì đã khiến thiếu sự bứt phá?
- Tôi có may mắn làm công tác biên tập suốt 16 năm. Trong khoảng thời gian ấy tôi có điều kiện được đọc tác phẩm; được trò chuyện, gặp gỡ, cũng như phát hiện nhiều tác giả mới. Có những người sau khi được tôi phát hiện, góp ý, họ trưởng thành rất nhanh. Nhưng cũng có những tác giả vì không đủ nhiệt huyết và đam mê nên dù có tài năng, họ vẫn không thể tiếp tục con đường văn chương nhọc nhằn này. 
Với văn chương, muốn đi dài, muốn thực sự bứt phá, đòi hỏi tài năng, niềm đam mê, và ý thức rèn luyện học hỏi rất lớn từ mỗi người viết. Vì vậy, trong câu hỏi của bạn về nguyên nhân khiến người trẻ thiếu sự bứt phá, tôi thấy có rất nhiều lý do. Có thể họ thiếu tài năng, có thể họ thiếu niềm đam mê và sự quyết tâm; có thể bởi họ không dám dấn thân, không nỗ lực học hỏi...   
Chị có dự định gì trong sámg tác thời gian tới? Vẫn “cảm giác bấp bênh và âu lo về đời sống đô thị” hay là nông thôn?
- Tôi đã bắt đầu kế hoạch cho một cuốn dài hơi sắp tới. Có thể 3- 5 năm nữa mới xong, nhưng tôi không nản. Và cuốn này xin tiết lộ là sẽ khác hẳn những cuốn trước đây. Bạn hãy chịu khó chờ đợi nhé. Bên cạnh đó, tôi vẫn tiếp tục với truyện ngắn, với những bấp bênh giữa đô thị này, với những phận người. Bạn thấy đấy, thân phận con người luôn là đề tài bất tận của văn chương.
Xin trân trọng cảm ơn chị!

Đọc thêm