Cứ mỗi khi chuẩn bị Tết về là ba lại dong buồm theo những chuyến khơi xa. Ba cười ngượng ngịu xoa đầu tôi và bảo rằng “Mẻ cuối, xong ba sẽ về ăn Tết”. Vì muốn gia đình có cái Tết đầy đủ mà năm nào ba cũng một mình đón giao thừa trên biển, còn mẹ con tôi ở nhà ăn Tết thiếu vắng ba.
Hồi nhỏ, tôi thấy Tết nào ba cũng vắng nhà thì buồn và giận ba lắm, vì nhà nào cũng đông đủ cả gia đình quay quần, còn ba tôi Tết nào cũng căng buồm đón giao thừa trên biển. Tôi trách ba, lại trách cả mẹ không giữ ba ở nhà, mãi sau này mới hiểu được ba mình vì phải gồng gánh trên vai cả gia đình mà vất vả, cô đơn vào thời khắc nhà nhà sum họp.
Ký ức về những ngày giáp Tết của tuổi thơ tôi là những buổi theo gánh hàng của má ra ngoài chợ, má bán buôn còn chúng tôi tha thẩn chơi đồ hàng. Trước Tết, ba tranh thủ kiểm tra lại tàu cá, má thì chuẩn bị đồ dùng cho ba trong mấy ngày Tết. Trong số đồ dùng đưa ba mang lên tàu, bao giờ cũng có lá cờ Tổ quốc để ba và các chú treo lên cột tàu, và má thể nào cũng dành cho ba một chiếc áo mới mua vội trong những phiên thanh lý.
Má vuốt ve mãi cái áo của ba, cười lấp lánh: “Đón giao thừa ba sắp nhỏ nhớ mặc đồ mới cho cả năm mạnh khỏe, may mắn, để làm chỗ dựa vững chãi cho má con em nghen”.
Ba nói sau này khá giả, sẽ sắm xe chở mấy má con đi chợ Tết sắm sanh cho thỏa thích. Ba rất thích cả nhà được đi chợ Tết cùng nhau. Ba thích nhìn cách má lựa đủ kẹo xanh đỏ tím vàng, mua món này món nọ, thích cái cách chị em tôi ướm thử quần áo, giày dép… Nhưng suốt cả tuổi thơ tôi, mơ ước ấy vẫn chưa thành sự thật, vì năm nào Tết của ba tôi cũng là chuyến đi biển xa nhà…
|
Thuyền về tôm cá đầy khoang (ảnh: internet). |
Hồi đó, trước Tết ba thường chở tôi đi mua quất sớm, ba chọn những chậu quất to, trái khi mua vẫn còn xanh. Ba nói: “Chừng này thì khi vào Tết trái sẽ kịp vàng, đến khi ba đi biển chuyến đầu xuân về nhà cây vẫn còn đẹp.”
Năm nào cũng vậy, ba toàn được người ta bán cho giá rẻ bằng nửa giá nhưng ba vẫn tìm cách dúi vào tay họ đủ tiền mới chịu. Má nói tôi: “Con đi theo ba để con hiểu cách làm người.” Sau này lớn chút nữa thì tôi hiểu, ba luôn giúp đỡ mọi người trong xóm nên bà con cô bác đều quý mến.
Cũng vì ba đi biển vào dịp Tết nên nhà tôi cũng thường nấu bánh chưng sớm, để kịp cho ba dỡ đôi ba cái lên tàu, còn ít má để dành cúng tổ tiên. Má con tôi chuẩn bị đồ ăn Tết cho ba, ngoài bánh chưng, giò chả và món kho, bao giờ tôi cũng thêm vào giỏ đồ cho ba ít mứt má tự làm, nhiều chút mứt gừng để ba ăn cho khỏi lạnh về đêm. Lại dặn ba không được vì Tết mà bia rượu nhiều không tốt cho sức khỏe, ba xoa đầu tôi cười bảo: “Từ khi có chị em bây, tao bỏ rượu rồi”. Và năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 29 Tết, ba sẽ cùng các chú dong buồm ra khơi.
Sau này khi lớn lên tôi mới hiểu, sở dĩ ba hay đi đánh cá vào dịp gần Tết vì lúc ấy là mùa biển động, mà nôm na gọi là “mùa cá về”. Hơn nữa, nhiều ngư dân nghỉ ở nhà ăn Tết với gia đình nên chủ thuyền thường trả công cao hơn, các chủ vựa cá cũng mua với giá cao hơn ngày thường.
Ba thường ứng các chủ vựa cá tiền trước Tết để phân phát cho các thuyền viên, gửi về cho nhà sắm Tết đầy đủ rồi ra giêng sẽ hoàn lại. Chuyến đi biển đầu năm thường là những mẻ cá đầy, vừa báo hiệu một năm may mắn, vừa kịp về cho những phiên chợ bắt đầu nhộn nhịp lại sau Tết.
Lớn lên chút nữa, khi biết cảm nhận nỗi cô đơn của người đàn ông xa nhà nhớ vợ con khi lênh đênh trên biển vào thời khắc Tết đến Xuân về, tôi càng thấy thương ba mình nhiều không kể xiết.
Lại một mùa Tết về, lại một mùa chuẩn bị cho những ngày Tết ba phải dong buồm đi xa. Tôi thương ba tôi - người đàn ông của gia đình dù mái tóc đã điểm sương mà vẫn nặng gánh hai vai vì phải nuôi con ăn học. Mùa Tết của nhà tôi năm nay có thể vẫn muộn, nhưng chỉ cần có ba về, thì mùa Xuân lại như mới bắt đầu…