Thuê gì, vác nấy
Ông Hà Văn Phết ngụ ở ấp Ninh Nghĩa, xã Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh làm nghề khuân vác ở điện chùa Bà, núi Bà Đen ngót nghét 20 năm. Tuy 60 tuổi nhưng ông vẫn còn tráng kiện lắm. Ông vác bao gạo 50kg bước trên những bậc đá gồ ghề lên đỉnh núi nhẹ như trở bàn tay. Ông bảo, làm nghề khuân vác là nghề “vác mặt lên núi”.
Ông cắt nghĩa: “Đầu đội bao hàng nặng mà bước lên những bậc đá với độ dốc 1.000m, cổ, chân, bụng, tim, phổi đều phải làm việc và cái đầu phải đưa ra mang vác nhiều nhất, mặt luôn phải nhìn lên núi, chân bước nên anh em trong đội khuân vác nói vui là nghề “vác mặt lên núi”.
Còn bà con và khách thập phương đi lễ chùa Bà thì bảo chúng tôi “cõng chợ” trên lưng. Khách đến lễ không ai không mua trái cây, gạo, muối để cúng Bà cầu cho mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt. Và những vật dụng đó đều được đôi vai trần của những người trong đội khuân vác phục vụ.
Ông Phết kể, mỗi ngày ông làm được 4 chuyến. Mỗi chuyến mang vác một bao gạo 50kg từ chân núi lên đỉnh núi gần 1.000m, ông được nhà chùa trả 60.000 đồng. 20 anh em trong đội khuân vác, người vốn làm nông nghiệp, người làm thợ hồ, người là thợ khuân vác, người thì giang hồ hoàn lương. Gia cảnh ai cũng khó khăn. Họ tập hợp nhau lại và chia nhau việc để làm. Người khuân vác nước đá, người khuân vác trứng gia cầm, người thì gạo, muối, nhang, đèn…, nói chung là khách gọi gì thì khuân vác nấy.
Anh Nguyễn Văn Hải, quê ở Phú Yên, gia cảnh khó khăn, năm 2005 anh khăn gói vào Tây Ninh lập nghiệp. Như sự đưa đẩy của duyên số, anh lấy con gái út của ông Phết. Theo chân cha vợ, anh chọn nghề khuân vác nơi cửa chùa để mưu sinh nuôi gia đình riêng. Anh Hải chuyên vác gạo cho chùa Hang. Còn anh Hà Văn Nhu, con trai ông Phết thì khuân vác nước đá bỏ mối cho các tiệm, quán lưng chừng núi. Mỗi ngày, sức thanh niên như các anh làm được 5 chuyến, tằn tiện cũng đủ sống.
|
Trả nợ trần gian
Ông Võ Hồng Công, 55 tuổi, một thành viên trong đội của ông Phết chia sẻ: “Nơi cửa thiền Bà độ phúc cho chúng sinh. Chúng tôi chỉ mong Bà phù hộ độ trì cho có sức khỏe, cái chân dẻo dai để kiếm sống một cách lương thiện”. Nhìn mặt ông Công, khó ai biết được những năm 80, ông là một giang hồ khét tiếng ở bến xe Tây Ninh.
Ngày đó, người dân buôn bán trái cây từ Tây Ninh về TP.HCM phải đi xe đò, xe khách cả ngày trời mới về đến nơi. Biết dân buôn chuyến thường có tiền mặt, Công thu thập hơn chục “đệ tử” không nghề nghiệp, ban ngày lẩn sâu vào núi Bà Đen, mượn hang hốc để trốn sự truy đuổi của công an, nhập nhoạng tối xuống núi “ăn hàng”. Băng cướp của Công một thời làm cho những người buôn chuyến run sợ, khiến công an địa phương phải mất ăn, mất ngủ.
Thế mà, theo lời ông Công thì chỉ một câu nói của sư thầy Thích Nhật Tâm ở chùa Hang, núi Bà: “Con hãy về làm người lương thiện trước khi quá muộn”, ông đã hồi tâm chuyển ý. Công giải tán băng cướp, ra cơ quan công an đầu thú và chịu án mấy năm. Thời gian sau, người dân ở chân núi Bà thấy người đàn ông giang hồ ngày nào nhẫn nhịn làm công việc khuân vác nơi cửa thiền.
Trong đội bốc vác của ông Phết, không ai là không biết Của chín ngón. Của là tên cha mẹ đặt cho anh. Sinh ra chỉ có 9 ngón tay, nhưng Của có "biệt tài" móc túi trên các chuyến xe đò, xe khách ở các bến xe liên tỉnh từ TP.HCM đến Bình Dương, Sông Bé, Tây Ninh. Tiền trộm được Của đều “nướng” vào cờ bạc và gái. Tình cờ một hôm ghé qua nhà, Của thấy vợ ôm đứa con thơ đang ốm ngồi khóc vì không có tiền. Dúi vào tay vợ nắm tiền để đưa con đi chữa bệnh, Của vội vã bỏ đi.
Một ngày giáp Tết năm 1994, Của trở về cạo tóc hoàn lương. Ngước đôi mắt xếch nhìn những thân cây tùng thẳng tắp trên núi Bà, Của tâm sự: “Ngày xưa, tối nằm cứ nghĩ thương vợ con và những đồng tiền mà mình lấy được của người dân lương thiện. Nếu vợ mình có một ít tiền đưa con đi khám bệnh mà bị kẻ nào đó nẫng mất thì chỉ có đứt từng khúc ruột, nghĩ thế mà tôi hoàn lương”. Sau khi hoàn lương, Của làm nghề khuân vác để nuôi con. Đứa con thơ ngày nào nay đã học năm thứ hai Đại học Bách khoa .