Nội dung của học thuyết Tánh không thuyết minh rằng tất cả sự vật, hiện tượng đều không có thực hữu nội tại và chỉ có cái nhìn đó mới đưa tới cái thấy biết toàn hảo về bản chất của chân lý.
Do đó, mọi khuynh hướng nhận thức lý tính sinh diệt, hữu vô… đều không phản ánh đúng bản chất của chân lý tuyệt đối, mà chỉ là biểu hiện của cái thấy vọng chấp sai lầm. Đoạn kệ dưới đây được xem là nội dung khái quát nhất của học thuyết này: “Bất sinh bất diệt/ Bất đoạn bất thường/ Bất nhất bất dị/ Bất khứ bất lai”.
Vậy thế nào là "bất sinh bất diệt"? Nghĩa là ta vốn chẳng sinh ra và cũng chẳng mất đi. Cái mà gọi là sinh đó, thật ra nó chỉ là một hiện tượng. Vì ta thấy có một con người, một sự vật hiện hữu ở đời nầy. Rồi sống một thời gian trên cõi thế để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi; gọi việc ấy là mất; nhưng mất cái gì và còn cái gì?
Cái được gọi là mất đó thật sự ra nó cũng chỉ là một sự trả lại cho đất trời vạn vật; cho đất, nước, gió, lửa mà thôi. Vì khi ta sinh ra ta đã vay mượn của thiên nhiên vạn vật thì khi ta chết đi ta chỉ trả lại mà thôi. Do vậy mà dưới mắt Bồ Tát chẳng có sự sinh và chẳng có sự diệt. Ta mất chỗ nầy, ta sẽ hiện hữu ở nơi khác và từ nơi khác sẽ đến chốn nầy để tồn tại một thời gian; rồi một ngày nào đó sự hiện hữu ấy cũng phải thay đổi vậy.
Bất đoạn bất thường: trong cõi ta bà này chẳng có gì mất đi mà cũng chẳng còn. Cái chẳng mất ấy chính là tâm thức của ta. Tâm ta giống như một dòng điện. Dòng điện ấy luôn luôn tồn tại ở mọi nơi, mọi chỗ và mọi hình thức khác nhau; nhưng khi một bóng đèn cháy rồi, ta không còn thấy ánh sáng nữa, ta gọi là mất; nhưng thực sự ra ánh sáng ấy vẫn còn, nó đang hiện hữu trong dòng điện ấy.
Bằng chứng là nếu ta thay một bóng đèn khác thì nó sẽ sáng lên. Ánh sáng ấy nói là thường cũng không đúng, mà nói là mất cũng không đúng. Vì lẽ ánh sáng ấy chỉ thay đổi, xê dịch tùy thời mà thôi. Tâm thức ta cũng giống như vậy. Khi ta còn cảm giác thì bảo rằng ta biết. Khi hơi thở hết rồi thì gọi là chết, mà ngay cả hơi thở ấy cũng vay mượn của đất trời, chứ đâu có cái gì là của ta. Nó không có chủ thể thật sự. Khi hít không khí vào để nuôi buồng phổi, rồi thở không khí ra để tạo sự tuần hoàn. Khi không còn hít thở được nữa thì ta bảo rằng đã dứt sự sống.
Tâm thức ấy thực sự ra không hoàn toàn là một tâm thức độc lập. Nếu ta là người thì tâm ta là người. Nếu ta là vật thì dòng tâm thức ấy sẽ thay đổi thành sự nhận biết của con vật, chứ không thể là sự nhận biết của con người được.
Bất nhất bất dị: nghĩa là không phải một mà cũng chẳng phải khác. Theo giáo lý của Đức Phật, có nghĩa là không ai, không một đấng siêu nhiên nào sinh ra số phận, duyên nghiệp loài người cả. Ngoại trừ nghiệp lực của con người đã tự tạo trong quá khứ và chính nghiệp nầy đã và sẽ dẫn ta đi lên thiên đường hay xuống địa ngục mà thôi.
Bất khứ bất lai: Là chẳng đến mà chẳng đi. Thân và tâm này thật ra cũng chẳng từ nơi nào đến mà cũng chẳng phải đi về đâu. Ví như gió thổi, mây bay. Ta ở đây thì có gió, cây lao xap lay động. Nên ta thấy có hiện tượng gió; nhưng gió bắt nguồn từ đâu và sẽ đi về đâu thì chẳng ai trả lời được. Tâm nầy cũng thế; nó hiện khi ta thức và nó ẩn khi ta ngủ. Nếu nói lúc ngủ không còn tâm thì tại sao khi ta thức, cái sự hiểu biết ấy nó lại hiện hữu và khi ta chết thì bảo là mất; nhưng cái biết ấy nó sẽ mất đi đâu và nó sẽ đi về đâu?
Vậy thì trước khi ta đến thế giới nầy, ta là ai? Và sau khi ta chết đi, ta sẽ đi về đâu? Theo lập luận của Ngài Long Thọ thì ta không đến mà ta cũng chẳng đi. Sở dĩ mà ta thấy có đến và có đi, vì ta thấy có sự hiện hữu của một con người, với thân tứ đại nầy; nhưng con người ấy nó sẽ không là gì cả so với cái to lớn của đất trời vạn vật và của không gian cũng như thời gian trong một hay nhiều kiếp lai sinh.
(Hình minh họa) |
Có một điểm cần lưu ý ở đây là, thông thường khi phủ nhận một điều này người ta thường hướng tới khẳng định một điều khác. Tuy nhiên, mặc dù phủ nhận các thái độ vọng chấp mang tính nhị nguyên như trên, nhưng giáo lý Tánh Không không hề hướng tới mục đích ủng hộ hay xác nhận một học thuyết chống lại các học thuyết khác, mà loại trừ tất cả các học thuyết, kể cả chính bản thân nó.
Bởi vì, theo Ngài Long Thọ, mọi thái độ vọng chấp, dù theo khuynh hướng nào, đều sai lầm, không thể đạt được cái thấy toàn hảo, chân thật về chân lý tuyệt đối.
Chân lý tuyệt đối chỉ có đạt được bằng sự thực chứng chứ không phải bằng luận lý dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi hình thức luận lý, đúng đắn nhất, cũng chỉ là ý niệm về chân lý mà thôi. Nó hoàn toàn khác với bản thân của chân lý tuyệt đối.
Cũng như các giáo lý khác, thuyết tánh không thực chất không phải là một học thuyết. Mục đích của giáo lý này không nhắm thỏa mãn tri thức của bất kỳ một ai hay bất kỳ trường phái nào, mà đúng hơn, là pháp hành, giúp chúng ta vượt thoát mọi vướng mắc trong cuộc đời. Nói như Edward Conze, Tánh không cơ bản là đối tượng của sự triền miên chiêm nghiệm, còn sự bàn cãi hiện hữu hay không hiện hữu… rất đáng nên coi thường. Đó là điều chúng ta cần thấy khi có cơ hội tìm hiểu về giáo lý tánh không này.
Vậy nên chúng ta nên hiểu "Giáo lý đạo Phật" là một hệ thống nhiều vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mục tiêu duy nhất của hệ thống giáo lý này hướng con người tới đời sống an lạc, giải thoát. Do đó, cách gọi các nội dung trong hệ thống giáo lý đạo Phật là các học thuyết thực chất chỉ là cách gọi tương đối, không phản ánh đúng bản chất của chúng.
Bởi vì, giáo lý đạo Phật không hướng tới việc thỏa mãn tri thức của con người mà chú trọng tới phương diện thực hành. Và chỉ có thực hành, nội dung của giáo lý đó mới được hiển lộ rõ ràng nơi mỗi con người. Và đó cũng chính là thông điệp chung cho toàn bộ lời dạy của đức Phật vậy.