Nhân quả - nghiệp báo là một học thuyết quan trọng trong đạo Phật. Hiểu một cách đơn giản nhất, nhân là nguyên nhân, quả là kết quả của nhân ấy. Còn nghiệp là những hành động, việc làm có tác ý, chủ ý. Chính tác ý, chủ ý đó đóng vai trò chủ đạo, quyết định hành động và tính chất của nghiệp. Những hành động không có tác ý thì không tạo nên nghiệp. Nghiệp thể hiện qua hành vi, lời nói và tư tưởng. Mỗi hành động hay nghiệp như vậy đều đưa tới kết quả của nó, tức là quả báo của nghiệp. Hành động ác đưa tới quả báo ác; hành động tốt đưa tới quả báo tốt.
Tuy nhiên, kết quả hay quả báo của nghiệp không mang tính cố định, bất biến, mà chịu sự chi phối, tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố duyên hay khuynh hướng nỗ lực tạo tác của con người. Nói cách khác, con người hoàn toàn có khả năng tác động đến kết quả của nghiệp. Chẳng hạn như một người trước đây từng là kẻ vướng nhiều sai lầm, nhưng do nỗ lực làm các việc thiện và thanh lọc tâm ý, anh ta hoàn toàn có khả năng tránh được hậu quả của nghiệp. Nhân quả nghiệp báo không phải là một thực tế mà là một quá trình.
Cũng theo giáo lý nhà Phật, nhân quả - nghiệp báo của mỗi số phận, mỗi con người không chỉ do đời này, kiếp này tạo nên mà đôi khi là do duyên nợ từ tiền kiếp. Ví dụ, một phụ nữ hiền hậu, chăm chỉ, tốt bụng nhưng chẳng may lấy phải người chồng vũ phu, cờ bạc, rượu chè. Thay vì được yêu thương, được tôn trọng thì người vợ này bị chồng mình chửi mắng, nhục mạ, bạo hành.
Thuyết nhân quả - nghiệp báo sẽ lý giải rằng do cô vợ này kiếp trước mắc nợ tiền bạc, nợ nhân duyên người con trai kia nên kiếp này phải làm vợ anh ta để "trả nợ". Tuy nhiên, cũng không phải vì món nợ tiền kiếp mà con người ta phải chấp nhận số phận, phải cam chịu, chấp nhận nghiệp quả từ kiếp trước mang lại; ngược lại, con người ta thông qua hành động, nhân duyên của mình hoàn toàn có thể tác động để chuyển nghiệp.
Trong giáo lý nhân quả của đạo Phật, giá trị con người không chỉ được đề cao ở vai trò và trách nhiệm mà con người còn có khả năng làm thay đổi nghiệp cũ (chuyển nghiệp). Đây là một đặc tính hết sức nhân bản trong giáo lý nhân quả của đạo Phật. Trở lại với câu chuyện của người vợ bị bạo hành, thay vì phải chấp nhận cuộc hôn nhân đọa đày thì cô ấy hoàn toàn có thể chuyển nghiệp bằng cách dùng yêu thương để giáo dục chuyển hóa, "cải tà quy chính" người chồng, hoặc kế sách cuối cùng là ly hôn để giải phóng, chuyển nghiệp cho bản thân mình.
Theo Phật Giáo, hạnh phúc hay khổ đau không phải là chuyện sắp đặt ngẫu nhiên của số phận, lại càng không phải do sự thưởng phạt, ban ân của đấng siêu nhiên nào khác. Hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người là do chính chúng ta tạo nên, do con người định đoạt, trong đó yếu tố nhân duyên cũng góp phần quan trọng làm nên hạnh phúc hay đau khổ đó.
Gạt bỏ một số yếu tố có tính tôn giáo trong các quan niệm trên về quả thì có thể thấy Phật giáo nêu ra các trường hợp khác nhau của sự tạo quả để nhấn mạnh rằng cũng giống như nhân và duyên, quả không phải là một giá trị bất biến mà có thể chuyển biến, đổi thay. Quả như thế nào là do tác động của nhân và duyên; gieo nhân duyên tốt thì nhận kết quả tốt và ngược lạ. Nhân và duyên khác nhau, tác động theo các chiều hướng khác nhau thì quả cũng không thể giống nhau. Nhưng dù có khác biệt thế nào thì quả vẫn là từ nhân và duyên mà hình thành vì vậy sẽ tìm được cơ sở giải thích cho mọi trường hợp hình thành quả.
Tóm lại, trong triết học Phật giáo, nhân quả - nghiệp báo không phải là một thực thể mà là một quá trình. Quá trình đó chịu tác động sâu sắc của duyên, các điều kiện hỗ trợ, sự tác động theo các khuynh hướng tạo tác của nghiệp mới.
Do đó, khi chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về lý thuyết nhân quả nghiệp báo, ta không còn có thái độ thụ động chờ đợi kết quả của nghiệp như một tất yếu phải diễn ra nữa mà luôn luôn nỗ lực chuyển hóa nghiệp, thanh lọc thân tâm, khiến cho quả báo của nghiệp xấu không có cơ hội biểu hiện nơi cuộc sống của ta, hoặc vẫn còn có khả năng biểu hiện thì thì sức mạnh của nó cũng không đủ để tác động, chi phối đời sống, chi phối tâm thức, khiến cho ta bất an, khổ đau nữa.
(Đón đọc kỳ tới: Thuyết duyên khởi của đạo Phật)