Ký ức thời hưng thịnh
Đặt chân đến làng Lộc Trác (thuộc ấp Tân Lộc, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) vào một buổi chiều trời nắng gắt. Trên con đường còn mùi bê tông mới xây, mấy đứa trẻ con thân hình gầy gò, đen nhẻm đang hồn nhiên vui đùa.
Những ngôi nhà san sát nhau đóng cửa im ỉm. Thi thoảng xuất hiện một số bếp lò nguội ngắt, đã bị đất đá vùi lấp vì đã lâu năm không đỏ lửa.Những bếp lò ấy là “chứng tích” hoang phế về một thời hưng thịnh của làng rèn Lộc Trác.
Phải đi sâu vào trong làng, chúng tôi mới gặp được hộ dân đầu tiên còn “chung tình” với nghề cũ. Cụ Nguyễn Văn Có (78 tuổi) là một trong những người theo nghề lâu nhất còn sót lại của làng rèn Lộc Trác. Cả đời làm nghề “thổi lửa nướng sắt”, nhưng gia tài của cụ chỉ là căn nhà gỗ tuềnh toàng chẳng đủ che mưa che nắng.
Thả phịch bao than nặng nề xuống thềm nhà, cụ bất giác thở dài: “Cả đời làm rèn vất vả, chẳng mong khấm khá dư giả gì, chỉ đang nuôi được các con ăn học thành người. Bây giờ sức khỏe còn ổn, trời cho sống ngày nào thì gắn bó với nghề ngày đó. Làm quen rồi, ngơi tay một chút lại thấy thiếu thiếu”.
|
Ông Thống cho hay sản phẩm bán ra ế ẩm hơn xưa nhiều lần |
Dù gắn bó lâu nhất với nghề, dường như am tường mọi giai đoạn thịnh suy của làng nghề trứ danh, nhưng cụ Có vẫn không biết ai là người đã khai sinh ra làng nghề. Chỉ nghe những vị cao niên trong làng kể lại, làng nghề lò rèn Lộc Trác nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ hàng trăm năm qua.
Cụ kể, sinh ra đã thấy cha ông cặm cụi theo nghề rèn, đến đời con, đời cháu lại thay nhau duy trì nếp cũ.
Vợ của cụ là cụ bà Hà Thị Oanh năm nay đã 75 tuổi cũng là người làng, mến nhau từ tiếng đe tiếng búa rồi theo chồng, trở thành cộng sự đắc lực cho chồng hàng chục năm qua. Nhìn cụ bà đã già, nhưng vẫn còn di chuyển khuân từng khối sắt nặng nhanh thoăn thoắt, cụ ông cho biết, để có thành phẩm rèn hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua rất nhiều bước khác nhau. Từ mua sắt phế liệu, than, nung bếp lò, gò sắt…
“Mệt nhất là lúc cầm búa nện vào đe tạo khuôn hình sản phẩm. Công đoạn này không chỉ đòi hỏi người thợ phải đủ sức khỏe nện búa liên tục mà bắt buộc có sự tham gia của ít nhất 2 thành viên thay phiên nhau. Những người phụ nữ Lộc Trác vì thế nổi tiếng là các “tay búa” giỏi”, cụ ông chia sẻ.
Cụ cho biết, ngày xưa, rèn rất mất thời gian vì hoàn toàn được làm thủ công. Đến nay, khoa học công nghệ ngày một hiện đại, những người dân làng nghề đã biết ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất. Trước đây, để nung lò, người Lộc Trác dùng hai ống thổi bằng tre, có bộ phận giống pít tông, thiết kế như hai ống bơm nhằm tạo áp lực.
Sau này, họ cải tiến thành dạng ống lớn hình tròn, có bánh răng và tay cầm để quay tương tự quay cánh quạt. Đến nay, người Lộc Trác dùng ống thổi gắn mô tơ điện, cứ bật công tắc là lửa phát đỏ rực. Tuy vậy, những công đoạn còn lại để cho ra thành phẩm vẫn hoàn toàn bằng thủ công.
Cũng theo lời ông, làng nghề rèn có nhiều quy định bất thành buộc người thợ phải tuân thủ. Như để tránh sự cạnh tranh sản phẩm, mỗi hộ dân chỉ chọn được một mặt hàng rèn riêng như lò thì chỉ chuyên làm cuốc, lò chỉ chuyên làm liềm, lò lại chuyên làm dao, lưỡi cày... Trên mỗi sản phẩm, người thợ khắc những ký tự riêng biệt, nhằm đánh dấu thương hiệu của mình.
Xứng đáng với công sức người thợ bỏ ra, những sản phẩm của làng rèn Lộc Trác được rất nhiều người ưa chuộng. Dân tứ phương đổ xô về tìm đặt, mua những công cụ sản xuất bền bỉ, chắc chắn.
Cụ cho hay, thuở còn hưng thịnh, sản phẩm rèn của làng Lộc Trác được vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi. Từ vùng mạn ngược Bình Phước, Bình Dương, xuôi về miệt sông nước Cửu Long ra tận vùng Bình Thuận, Ninh Thuận… đâu đâu bà con nông dân đều tin dùng các nông cụ cơ khí do người Lộc Trác rèn giũa.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của đông đảo người dân, ngôi làng thuở ấy có trên 100 nóc nhà là ngần ấy bếp lò ngày đêm đỏ lửa, với tiếng búa, tiếng đe vang lên chan chát. Từ người già đến trẻ em, đàn ông đến đàn bà đều hăng say làm việc thâu đêm suốt sáng chẳng quản mệt nhọc. Đời sống của những người dân ở làng rèn cũng từng bước được cải thiện.
|
Ông Chát là một trong số ít người còn theo nghề rèn. |
Hiện thực mai một
Sau khi hồi tưởng lại một thời vàng son, cụ Có lại trở nên suy tư khi cho biết, hiện nay cuộc sống ngày một hiện đại, những sản phẩm công nghiệp xâm lấn thị trường, chẳng mấy ai còn tha thiết đến những mặt hàng truyền thống như cày, cuốc, liềm, rựa, dao...
Vì vậy, những sản phẩm làm ra trở nên khó bán, cuộc sống người rèn khá bấp bênh. Không thể đảm bảo được cuộc sống, người làng dần thờ ơ với nghề tổ truyền. Con cháu dần dần tìm đến những vùng đất mới tha hương cầu thực.
Cách nhà cụ Có chừng mươi dặm, trên khoảng sân hẹp của ngôi nhà cấp bốn tồi tàn, một người đàn ông cởi trần để lộ ra những xương xẩu gầy gò đang mài giũa chồng dao sắp ra thành phẩm. Ông tên là Nguyễn Văn Chát (50 tuổi), một trong số ít hộ gia đình còn theo nghề rèn. Hỏi ra mới hay, vợ chồng ông chỉ mới bén duyên với nghiệp “tay đe, tay búa” hơn một năm qua.
Người đàn ông chậm rãi kể, vợ chồng ông vốn là người vùng khác về ấp Tân Lộc định cư. Ngày trước họ làm công nhân cạo mủ cao su thuê, nhưng được một thời gian, cao su rớt giá chẳng còn mấy ai thuê. Thất nghiệp, không có việc làm ổn định, ông Chát mới mày mò đến xin những nhà đang làm nghề rèn học việc. Thạo nghề, hai vợ chồng bàn nhau mở lò rèn riêng.
Thế nhưng, ông ái ngại chia sẻ: “Chúng tôi rèn dao quần quật làm việc từ 6h sáng đến tận tối mịt mới cho ra được một sản phẩm. Trừ chi phí sản xuất còn dư khoảng 300 ngàn chia đều cho hai người. Tuy vậy không phải khi nào cũng bán được sản phẩm. Nghề rèn cực nhọc, thu nhập thấp nhưng sống ở đây không bám nghề lại chẳng biết làm gì”.
Ở lò rèn nhà ông Lê Nhất Thống (58 tuổi) được xem là lò rèn lớn nhất vùng, dù gia đình có 4 đời làm nghề thổi lửa nướng sắt, đã tạo dựng được thương hiệu hàng rèn uy tín, nhưng lò rèn của gia đình ông cũng đang đứng trước nguy cơ nguội lửa. Có tất cả 3 người con, nhưng chỉ có người con trai đầu theo nghiệp cha ông.
Ông lý giải: “Cả nhà 3 người hì hục rèn từ 6h sáng đến 6h tối được 30 chiếc lưỡi cuốc. Mỗi lưỡi cuốc bán ra thị trường với giá 80 ngàn đồng, trừ chi phí còn hơn 20 ngàn tiền lời. Công việc vất vả, số tiền công lại thấp hơn nhiều so với việc đi phụ hồ, làm công nhân xí nghiệp. Thế nên tụi nó đi làm thuê cả rồi”.
Sản phẩm làm ra ế ẩm, dần dần chẳng ai còn tha thiết với nghề. Những người thợ rèn còn gắn bó với nghề cứ canh cánh bên lòng nỗi lo một mai làng nghề truyền thống bị mai một. “Hiện tại, cả làng Lộc Trác chỉ còn lại vài chục hộ còn theo nghề rèn. Nhìn những bếp lò nguội lạnh chúng tôi buồn lắm nhưng chẳng biết nên làm thế nào. Không biết vài chục năm nữa, chúng tôi về với cha ông rồi, liệu có còn ai theo nghiệp rèn hay không”, cụ Có thở dài.
|
Cụ Có cho hay nghề rèn truyền thống đang dần mai một. |
Dù chẳng còn mấy bếp lò đỏ lửa mỗi ngày, những đứa con cũng bỏ làng ra đi, nhưng trong thâm tâm cụ Có luôn mong con cháu trong làng sẽ luôn được tổ nghề phù trợ. “Mỗi năm, vào ngày 25 tháng chạp hàng năm, sau nghi thức cúng ông Công ông Táo, người dân trong làng dù còn theo nghề hay không đều soạn mâm lễ tiễn tổ nghề về trời báo cáo công việc.
Đến ngày 30 tháng Chạp lại soạn lễ mời tổ nghề về nhà đồng thời nguyện cầu cho năm mới sức khỏe bền bỉ, buôn may bán đắt. Đó là đức tin của con cháu làng rèn mấy trăm năm qua”, ánh mắt cụ Có ánh lên nét u buồn khi nhắc đến lễ cúng tổ nghề.