Những lưu ý khi làm bài thi ĐH đợt 2

Qua đề thi ĐH đợt 1 và những phát biểu của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các chuyên gia cho thí sinh những lưu ý cần thiết khi làm bài thi đợt 2.
Cấu trúc đề thi
Theo cô Nguyễn Kim Tường Vy, Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM, nhìn vào đề thi tốt nghiệp THPT môn sử, rồi một số môn thi ĐH đợt 1, có thể thấy khả năng đề thi môn sử ĐH đợt 2 này cũng sẽ có sự thay đổi về cấu trúc. Cụ thể ở đây là đề thi sẽ không còn phần lựa chọn, mà chỉ có phần chung. Về thực chất, sự thay đổi cấu trúc này tác động rất nhiều đến kết quả làm bài của thí sinh (TS). 
Cô Vy phân tích: “Nếu đề thi có phần tự chọn, học sinh ban cơ bản và nâng cao chỉ cần học phần kiến thức của ban đó. Nay nếu đề thi chỉ còn phần chung, có nghĩa kiến thức trong đề thi phải giao thoa giữa hai ban. Khi đó, TS buộc phải nắm hết kiến thức của cả hai phần mới làm được bài. Những học sinh trước nay ôn theo “tủ”, rất khả năng sẽ không làm được bài”.
Theo thầy Nguyễn Duy Hiếu, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, nội dung đề thi môn toán đợt 1 không thay đổi nhưng cấu trúc đề có sự thay đổi. Đề ra tuần tự từ dễ đến khó. Đây cũng là điều giúp TS dễ dàng hơn trong sự lựa chọn câu để làm, có thể làm theo tuần tự đề thi. Ở đợt 2 này, cấu trúc đề cũng sẽ như đợt 1.
Biết cách vận dụng thực tiễn
Theo nhiều giáo viên, đề thi những năm gần đây có nhiều câu phải vận dụng kiến thức thực tế. Tuy nhiên, phần lớn các TS không làm tốt phần này. Cô Tường Vy cho biết: “Từ thực tế bài thi môn lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi thấy thay vì trình bày trước về kiến thức được học từ sách vở, học sinh bỏ qua khâu này và lao ngay vào nêu kiến thức thực tế và lòng yêu nước. Dù vận dụng kiến thức thực tế thì trước hết TS vẫn phải bám sát nội dung bài học được đề cập trong đề thi”.
Trong khi đó, lưu ý về bài thi môn hóa, cô Hà Thị Kim Liên, giáo viên hóa Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM, nói: “Đề thi môn hóa khối A đợt thi ĐH vừa rồi rất cơ bản, không đánh đố. Tuy nhiên, đề đó có tới 2 điểm liên quan đến kiến thức lớp 10 và 5 điểm liên quan đến kiến thức lớp 11. Kiến thức lớp 12 trong đề thi chỉ chiếm có 3 điểm. Từ đó có thể thấy, đề thi có tính liên thông kiến thức ở bậc THPT rất cao. Để làm tốt đề thi, dù câu hỏi ra kiến thức lớp 12 nhưng TS phải nắm cơ bản vấn đề đó khi được học ở lớp 10 và 11 mới có thể làm được bài”. 
Cũng theo cô Liên, đề thi môn hóa vừa rồi cũng có 2 câu ra ở dạng bài hóa học và môi trường. Tuy nhiên, sự vận dụng kiến thức ở đây thuộc sách giáo khoa, không cần vận dụng kiến thức thực tế cuộc sống.

Đọc thêm