Hai ngày sau đó, trùm CIA William Colby đưa ra một hình ảnh tiên đoán cũng ảm đạm như vậy: “Cán cân lực lượng bây giờ đã dứt khoát ngã về phía có lợi cho quân giải phóng. Tiến trình sụp đổ và chủ bại đang diễn ra có thể sẽ không thể nào trở ngược lại được và sự mau lẹ đưa tới sự sụp đổ của chính phủ Nam Việt Nam, cũng như sự sụp đổ về ý chí của chính phủ ấy”. Colby đã tiên đoán như thế khi lên tiếng trước Nhóm hành động đặc biệt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Sở dĩ trùm CIA Colby kết luận bi quan như vậy vì Clby mới được biết sự thất thủ Nha Trang, và sự thất thủ ấy diễn ra cũng tai hại và kì quái như sự thất thủ Huế và cao nguyên.
Tỉnh trưởng Nha Trang tự ý đóng cửa cơ sở hành chính
Sau khi được biết rằng Qui Nhơn đã vào tay quân giải phóng ngày 31/3/1975, sáng 1/4/1975, tỉnh trưởng Nha Trương tự ý và đơn phương ra lệnh đóng cửa các cơ sở hành chánh của tỉnh. Ngay khi được biết rằng các cơ sở hành chánh của Nha Trang, kể cả Ty Cảnh sát, đều đã ngưng hoạt động, tướng Phạm Văn Phú hoảng hốt. Ông ta bước ra khỏi bản doanh mới được lập cho ông ta trước đó ít ngày, rồi nhảy lên chiếc trực thăng riêng, ông ta bảo viên sỹ quan phi công: “Hãy bay ra khỏi đây mau”.
Biết tướng Phú đã bỏ đi, những người Mỹ ở Nha Trang theo sau ngay. Trước buổi trưa, tin tướng Phú bỏ đi đã được truyền đi khắp Nha Trang, và nhiều toán người Việt xúm vào trước cửa lãnh sự quán Mỹ. Tổng lãnh sự Moncrieff Spear ra lệnh lập tức tản cư nhân viên của tòa lãnh sự.
Không bao lâu thì các trực thăng Huey của hãng Air America đáp xuống cứ mỗi 5 phút một chiếc. Có những chuyến chở tới trên 20 người để tới sân bay chính của Nha Trang, rồi từ đó có máy bay lớn đưa về Sài Gòn. Trong khi đó, một số viên chức Mỹ của tòa lãnh sự đi tìm những người Việt cộng tác với họ và đã được họ hứa là sẽ đưa ra khỏi Nha Trang nếu tình hình ở Nha Trang tuyệt vọng.
Tư trang quần áo quân nhân ném lại trên đường phố |
Đến xế trưa thì toàn thể Nha Trang đều hỗn loạn. Nhà báo Mỹ Arnold Isaacs mô tả Nha Trang lúc ấy “là sự tái diễn vụ Đà Nẵng nhưng ở mức độ thấp hơn”. Hỗn loạn diễn ra ghê gớm nhất ở sân bay và ở bến tàu vì người ta cố tìm cách có một chỗ trên máy bay hay trên ghe tàu để tới Cam Ranh hoặc để đi Sài Gòn.
Mặc dù tòa Tổng lãnh sự Mỹ đã hứa sẽ tản cư mọi người Mỹ, những người “đệ tam quốc tịch”, và những nhân viên người Việt làm cho lãnh sự quán, nhưng có tới khoảng trên 100 nhân viên bị bỏ lại, nhiều tài liệu mật cũng bị bỏ lại.
Sau này, một số người Mỹ ở Nha Trang quy trách nhiệm cho Tổng lãnh sự Spear là đã không có kế hoạch từ trước. Sự thật trong những lời quy trách này là những ngày trước khi Nha Trang hỗn loạn, sứ quán Mỹ tại sài Gòn đã khuyến khích Spear nên tỏ vẻ lạc quan và tin tưởng vào quân lực VNCH, và không nên làm những gì khiến người ta nghĩ rằng người Mỹ sắp rút đi.
Tướng Weyand tới Sài Gòn lại còn tỏ vẻ lạc quan hơn nữa. Ông ta nói với các nhà báo Mỹ đi cùng với ông ta rằng “Nam Việt Nam không bị mất tinh thần và lại còn lập thành tích tốt nữa”.
Nhưng sau khi tướng Phú bỏ bản doanh, và binh sỹ VNCH tại Nha Trang bắt đầu làm loạn thì Spear bị sứ quán Mỹ ở Sài Gòn ra lệnh rút khỏi Nha Trang thật mau lẹ, rút gấp đến độ không cần quan tâm đến những người nhân viên Việt đã trót tin cậy ở người Mỹ.
Sự rút bỏ Nha Trang còn bi thảm hơn cả sự rút bỏ Huế và Đà Nẵng nữa. Vì không còn tình báo ở miền Trung để theo dõi các cuộc chuyển quân của quân giải phóng nên cả Mỹ cũng như chính quyền Thiệu đều không biết rằng tướng Văn Tiến Dũng đã được lệnh đổi hướng các sư đoàn chủ lực. Thay vì dồn xuống bờ biển thì các sư đoàn ấy được lệnh tiến xuống phía nam để tập trung nỗ lực đánh vào Sài Gòn. Tuy có tin chạm súng ở cách phía tây Nha Trang 48 cây số, nhưng vào ngày mùng 1/4/1975, không có một áp lực trực tiếp nào của quân giải phóng đè nặng lên Nha Trang.
Cam Ranh tan rã không một tiếng súng giao tranh
Trong tuần lễ đầu của tháng 4/1975, nhiều tỉnh và thị xã khác của Vùng II cũng “rơi rụng” giống như cách của Nha Trang. Ngày mùng 3/4, Cam Ranh tan rã mà không có một tiếng súng giao tranh. Cam Ranh rơi rụng lúc còn đang là nơi tạm trú của rất nhiều thường dân và binh sỹ VNCH.
Tại cao nguyên, ngày 4/4, nhiều người dân thành phố Đà Lạt được cho là kéo nhau đi tìm quân giải phóng để mời họ tiến vào, vì có những binh sĩ VNCH đốt phá quá tệ hại trong thành phố.
Những chuyến xe vào Nam ken đặc trên đường đầu tháng 4/1975 |
Trong quãng thời gian tồi tệ với quân VNCH, vẫn hiếm hoi có một số đơn vị vẫn cầm cự. Như tại Trung tâm Huấn luyện Dục Mỹ, mặc dù xung quanh họ lúc ấy không có gương anh dũng của cấp chỉ huy nào để họ noi theo.
Tỉnh trưởng Khánh Hòa kêu điện thoại về Bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn và chỉ thông báo cộc lốc cho viên sỹ quan trực ở đó viết bằng câu nói sau đây: “Tình thế ở đây tuyệt vọng rồi. Tôi phải rút đây!”, rồi cắm đầu chạy mở màn cho cơn hỗn loạn của Nha Trang.
Chừng một trung đoàn quân giải phóng tấn công vào trung tâm Huấn luyện Lam Sơn ở Dục Mỹ lúc rạng đông ngày 1/4/1975. Ngay khi nghe phát súng đầu tiên của quân giải phóng, viên chỉ huy trưởng của trung tâm này cầm đầu chạy. Nhưng đối tượng không bỏ chạy tay không, mà mang theo toàn thể lương bổng của các quân nhân thuộc cấp rồi chạy về Sài Gòn.
Ở đó, đối tượng đã vung tiền ra hối lộ các giới chức có thẩm quyền và đã kiếm được một chỗ ngồi trên một chuyến bay chạy trốn khỏi Việt Nam. Lúc đối tượng ôm bao bạc bỏ chạy thì một số binh sĩ trong trung tâm này vẫn cầm cự trước cuộc tấn công của quân giải phóng. Ngay cả khi mọi người ở Nha Trang đã tháo chạy, một số binh sĩ ở trung tâm Nam Sơn vẫn còn ở lại. Tại Nha Trang, người ta còn nghe thấy tiếng súng tại khu vực này nổ trong suốt ngày 1/4/1975.
Tại Cam Ranh, quân VNCH phải tiêu hủy rất nhiều đồ trang bị nặng được chuyển từ Đà Nẵng về đó. Còn tại Đà Lạt, nhân viên hữu trách của chính quyền không tháo gỡ chiếc máy phản lực nguyên tử đặt tại “Nguyên tử lực cuộc Đà Lạt” do người Mỹ thiết lập vào khoảng giữa thập niên 1960. Nhưng trước khi quân giải phóng tiến vào Đà Lạt, một toán chuyên viên của cơ quan Nguyên tử Năng lượng Hoa Kỳ đã cấp tốc tới được Đà Lạt và lấy đi bộ phận thiết yếu nhất, do đó làm cho lò nguyên tử ấy không hoạt động được nữa.
Tin Nha Trang thất thủ lan đến Sài Gòn làm cho dân chúng ở đó lo ngại. Họ xô nhau tới rút tiền khỏi các ngân hàng. Chỉ trong vài ngày của đầu tháng 4/1975, đồng bạc VNCH mất đi 80% trị giá. Rồi họ kéo nhau tới Bưu điện Trung ương xem bảng thông cáo cho biết những tỉnh nào không còn nhận được điện tín từ Sài Gòn gửi tới nữa.
Cái Quốc hội hai viện của VNCH gồm đa số là nô bộc cho Thiệu nay sửa soạn diễn màn kịch chót bằng cuộc chống đối vào giờ thứ 25 để đòi Thiệu từ chức. Thiệu đã không từ chức mà còn đưa một “dân biểu siêu nô lệ” lên làm thủ tướng của cái được Thiệu gọi là “nội các chiến tranh”.
Trong khi Thiệu tuyệt vọng chống đỡ mọi phía để bám lấy chiếc ghế của mình trong Dinh Độc Lập thì phía người Mỹ làm áp lực mạnh để đòi Thiệu phải làm một điều gì cứu vãn tình hình quân sự đang quá tồi tệ.
Ý thức được rằng dân Mỹ đang tin rằng quân lực VNCH đã mất hết ý chí chiến đấu, các giới chức Mỹ tại Sài Gòn hiểu rằng nếu muốn hy vọng có thêm sự ủng hộ của Mỹ thì quân lực VNCH phải tỏ ra muốn chiến đấu một cách cương quyết. Do đó, trong một cuộc gặp gỡ với Thiệu vào ngày 2/4, tướng Weyand đề nghị là VNCH lập một tuyến phòng thủ mới, chạy từ Tây Ninh ở phía tây qua Xuyên Lộc đến Phan Rang.
Mặc dầu phía Mỹ và phía VNCH đều cho rằng mũi dùi của quân giải phóng sẽ đánh vào Tây Ninh, nhưng kế hoạch phòng thủ mới đặt trọng tâm vào Xuân Lộc. Vị trí Xuân Lộc (tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh) kiểm soát các lộ chính từ phía đông đến Sài Gòn, và kiểm soát những lộ trực tiếp vào căn cứ không quân Biên Hòa, là nơi còn tồn trữ tới 60% số đạn dược còn lại của quân lực VNCH.
Cảnh hỗn loạn tại phi trường Nha Trang ngày 1/4/1975 |
Nghe Weyand trình bày xong, Thiệu tán thành ngay, và ra lệnh cho Tư lệnh Quân đoàn III là tướng Nguyễn Văn Toàn lập kế hoạch. Toàn lại ra lệnh cho một bạn cũ của mình là tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (trước kia là tư lệnh Vùng IV, rồi bị cách chức vì tội tham nhũng) lập một bản doanh tiền phương tại Phan Rang cùng với một lữ đoàn dù.
Một trung đoàn thiết giáp và nhiều đơn vị biệt động quân (BĐQ) được tăng cường cho sư đoàn 18 bộ binh ở Xuân Lộc. Thiệu coi sự phòng thủ Xuân Lộc của sư đoàn 18 là sinh tử cho sự sống còn của VNCH.
Hi vọng vào phòng tuyến mới
Thiệu lại kêu gọi Mỹ yểm trợ bằng pháo đài bay B52 nhưng lời kêu gọi ấy bị bác bỏ ngay. Một trong các thành phần của phái đoàn Weyand là phụ tá thứ trưởng quốc phòng Mỹ Erich Von Marbod có hứa rằng sẽ có loại bom Daisy Cutter (nặng 7 tấn rưỡi) và bom CBU dùng đánh vào những cuộc tập trung nhân lực của quân giải phóng.
Nhiều nhân vật Mỹ ở Sài Gòn không tin là quân lực VNCH sẽ giữ nổi phòng tuyến mới. Nhưng có một số người Mỹ lại bám lấy hy vọng là có thể Hà Nội “chấp nhận một cuộc dàn xếp”. Kẻ đặt nhiều hy vọng nhất vào ý kiến này là trùm CIA của Mỹ tại Nam Việt Nam (Thomas Polgar).
Vào tháng 4/1975, tướng Văn Tiến Dũng đã dồn lực lượng từ Campuchia và miền Trung vào phía nam để tiến đến Sài Gòn. Trong khi trùm CIA Thomas Polgar nói lảm nhảm đến vấn đề “thương thuyết” thì tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ huy một lực lượng lên tới 153 tiểu đoàn chính quy chủ lực, tất cả đều đầy đủ quân số.
Phi trường Nha Trang ngày 1/4/1975 |
Đó là lực lượng nhiều hơn lực lượng của quân giải phóng tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968. Năm Quân đoàn đầy đủ, mỗi Quân đoàn có ba sư đoàn đầy đủ quân số, cộng với các binh chủng yểm trợ, và hai sư đoàn trù bị.
Thêm một bất lợi lớn khác nữa cho quân lực VNCH là vào lúc quân giải phóng sắp tiến đánh vào Sài Gòn thì tình hình Campuchia có nhiều chuyển biến mới, khiến cho sự chú ý của Quốc hội và dân chúng Mỹ đều hướng về Campuchia. Cuộc khánh chiến chống Mỹ của Campuchia đã thành công vào buổi sáng ngày 17/4/1975, lúc mặt trận Sài Gòn đang diễn ra dữ dội nhất.
Khi quân giải phóng chuẩn bị lực lượng để tiến đánh Xuân Lộc thì trong thực tế, quân lực VNCH chỉ còn chưa tới 80.000 quân nhân còn giữ vững tinh thần chiến đấu. Tướng Weyand đã quá lạc quan khi cho rằng nếu giữ được Xuân Lộc thì Sài Gòn sẽ không rơi vào tay quân giải phóng.
Là một tướng lãnh của một đại cường quốc, Weyand có cách lượng định tình hình ngây thơ đến độ làm buồn lòng người theo sát tình hình VNCH tháng 4/1975. Với tương quan lực lượng hoàn toàn bất lợi cho phía VNCH, làm sao mặt trận Xuân Lộc có thể định đoạt sự sống còn của VNCH? Nói đến VNCH vào đầu tháng 4/1975, thực ra là phải nói chỉ còn Xuân Lộc trở xuống mấy tỉnh Miền Tây.
Mọi phương tiện đều được binh sĩ VNCH trưng dụng để tháo chạy |
Trước tình thế đen tối ấy, Sư đoàn 18 bộ binh của VNCH được mặc nhiên gánh một trách nhiệm vô cùng nặng nề, và trách nhiệm ấy nặng về tâm lý và tinh thần cũng như quân sự.
(Còn tiếp)
Từ ngày 1/4/1975, các toán tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang, cùng với hàng vạn người chạy tị nạn trong cảnh hỗn loạn. Báo Trắng đen (Sài Gòn), ngày 3/4/1975 mô tả “Quân lực VNCH đã di tản khỏi thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức vào chiều 1/4 mặc dù tình hình yên tĩnh bên trong thị xã Đà Lạt. 80% dân chúng Đà Lạt, Tuyên Đức đã vội vã chạy theo các đơn vị quân đội bằng đủ mọi thứ xe cộ và cả những đoàn người đi bộ hàng cây số về Phan Rang”.
Dư chấn này cũng lan rất nhanh đối với những người đang sống ở Phan Rang, thế là một nghịch cảnh đã diễn ra: binh lính và dân chúng lại ùn ùn bỏ chạy vào Sài Gòn.
Sài Gòn kêu gào “tử thủ Phan Rang”, lập phòng tuyến bảo vệ Sài Gòn từ xa và giữ phần đất từ Phan Rang trở vào. Có thể thấy đây là sự nỗ lực trong tuyệt vọng của quân đội Sài Gòn. Báo Tiền tuyến (Sài Gòn) ngày 8/4/1975 cũng phải thừa nhận “Các đơn vị với quân số trong tình trạng chờ bổ sung sau ba tháng quần thảo, hứng pháo tàn khốc trên phòng tuyến Đông Nam Đà Nẵng, trải mỏng trên một tuyến dài 40 cây số, làm sao đủ sức chống chọi…
Tất cả nghi lễ dành cho một tướng lãnh Tư lệnh sư đoàn, được hủy bỏ vào giờ chót, mặc dù toàn bộ tiểu đoàn với chiến y rách nát, đôi chân lở loét, sưng húp, vũ khí bảo toàn nhưng hết đạn, đã được tập hợp chỉnh tề để nghênh đón vị tư lệnh tại tuyến đầu Phan Rang sáng chủ nhật 6/4/1975, Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng cùng toàn bộ tham mưu Bộ tư lệnh”.