Những ngôi chùa kỳ lạ ở Thái Lan (Kỳ 10): Bí ẩn tượng Phật sư tử và kiệt tác văn học dân gian trên lá cọ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với bức tượng Phật sư tử linh thiêng, chùa Wat Phra Singh là địa điểm tâm linh nổi tiếng được tôn sùng nhất nhì Chiang Mai. Ngôi chùa cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc về vương quốc cổ Lanna, trong đó có truyền thuyết về Khun Chương, người anh hùng được ngợi ca trong nhiều kiệt tác văn học dân gian của Đông Nam Á...
Chùa Phật sư tử lúc hoàng hôn.
Chùa Phật sư tử lúc hoàng hôn.

Chùa cổ cất giữ báu vật

Lọt thỏm trong các bức tường thành phố và hào chắn, lối vào chính được bảo vệ bởi bức tượng sư tử, Wat Phra Singh là ngôi chùa cổ nằm cuối đường Rachadamnoen (thành phố Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan), có tên đầy đủ là Wat Phra Singh Woramahaviham, trong đó Phra Singh được viết tắt từ Phra Put Tha Shihing có nghĩa là sư tử.

Ngôi chùa được Vua Phayu, vị vua thứ 5 của triều đại Mangrai xây dựng vào năm 1345 theo kiến trúc Lanna cổ điển, với một bảo tháp lớn để chứa tro cốt của cha ngài là vua Khamfu. Vài năm sau đó, các tòa nhà khác tiếp tục được xây dựng và chùa được đặt tên là Wat Phra Lichiang.

Hơn 20 năm sau, vào năm 1367, khi bức tượng Phật nổi tiếng Phra Buddha Singh (Phật sư tử) được mang đến chùa thì chùa mới được đổi tên thành Wat Phra Singh như ngày nay.

Cấu trúc của chùa Wat Phra Singh bao gồm: Tịnh xá Viharn Luang, tịnh xá Wihan Lai Kham, chính điện, tòa nhà Usobot, Ho Trai (thư viện chùa), các bảo tháp... Tịnh xá Wihan Lai Kham là điểm nhấn của quần thể chùa, là nơi đặt tượng Phật Phra Buddha Singh.

Hiện có 2 dị bản về sự xuất hiện của tượng Phật Phra Buddha Singh. Dị bản 1 kể rằng, tượng Phật Phra Buddha Singh được thiết kế dựa theo nguyên bản là bức tượng Phật được đặt trong đền Mahabodia, Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya), Ấn Độ. Điều đáng tiếc là đầu của bức tượng này hiện tại chỉ là một bản sao vì nó đã bị đánh cắp vào năm 1922.

Wat Phra Singh - Đền cổ cất giữ báu vật Phật giáo.

Wat Phra Singh - Đền cổ cất giữ báu vật Phật giáo.

Theo dị bản 2, tượng Phật Phra Buddha Singh chính là bức tượng gốc đặt trong đền Mahabodhi, Bodh Gaya (Ấn Độ). Bức tượng này sau đó đã bị mất và người ta đồn rằng, từ Ấn Độ, tượng Phật sư tử đã được vận chuyển về Thái Lan qua Sri Lanka đến Ligor (ngày nay là Nakhon Si Thammarat) và từ đó, qua Ayutthaya đến Chiang Mai.

Ngoài bức tượng này, Thái Lan còn có 2 tượng Phật nữa được cho là tượng Phật Phra Buddha Singh. Một tượng nằm trong chùa Wat Phra Mahathat ở thành phố Nakhon Si Thammarat và một ở bảo tàng quốc gia Bang kok.

Trong lịch sử, từ năm 1478 đến năm 1774, trải qua bao cuộc chiến tranh khốc liệt với người Miến Điện, chùa Wat Phra Singh đã bị tàn phá, bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng. Chỉ khi Vua Kawila lên ngôi vào năm 1782, chùa Wat Phra Singh mới được khôi phục một phần. Những người thừa kế Kawila làm vua của Chiang Mai sau đó đã khôi phục lại Wihan Lai Kham và Ho Trai (thư viện đền). Cho đến những năm 20 của thế kỷ trước, nhà sư nổi tiếng Khru Ba Srivichai đã cho tu bổ lại toàn bộ khuôn viên chùa. Tuy nhiên, đến năm 2002, các công trình cuối cùng mới được khôi phục xong.

Tòa nhà Ubosot được xây dựng vào năm 1806 có hai lối vào: lối vào phía Nam cho các nhà sư và lối vào phía Bắc cho các ni cô. Tên gọi Ubosot xuất phát từ một bài hát có tên “Songha ubosot” (“song” có nghĩa là “hai” trong tiếng Thái). Ubosot được xây dựng để đặt bức tượng Phrachaotongtip, một phiên bản nhỏ hơn của tượng Phật Phra Buddha Singh. Vì vậy, nó được gọi là Phrasingha noi (“noi” có nghĩa là “nhỏ” trong tiếng Thái). Phía Bắc của ngôi đền, gần lối vào cho các ni cô, có chứa một bản sao của tượng Phật Ngọc.

Gần tịnh xá Viharn Luang, gian hành lễ có quy mô lớn nhất trong quần thể chùa, nơi đặt tượng Phật Phra Chao Thong Tip ngồi thiền được làm từ vàng và đồng là tháp xá lị có đáy hình bát giác.

Trong suốt quá trình phục chế, vào năm 1925, các nghệ nhân đã phát hiện trong một ngôi chùa nhỏ của Wat Phra Singh có 3 chiếc bình được cho là chứa tro cốt của những người trong hoàng gia. Tuy nhiên, các bình này sau đó đã bị mất.

Với mục đích ban đầu là xây dựng nơi đựng tro cốt các vị vua nên chùa Wat Phra Singh hiện có nhiều bảo tháp lộng lẫy. Bảo tháp Phra That Luang xây dựng năm 1345 với mỗi mặt là một khối vuông có một con voi đang trồi lên. Bảo tháp vàng Chedi được xây dựng cùng năm, có kiến trúc Lanna cổ điển, được đặt trên bệ hình bát giác và thường được bọc bằng tấm vải màu cam bên ngoài.

Bảo tháp Kulai hình vuông được xây dựng như một ngôi chùa với mái vòm năm tầng do Vua Mueangkaeo (1495-1525) thực hiện, được nối với tịnh xá Wihan Lai Kham bằng một đường hầm ngắn. Khi chedi (bảo tháp) được phục hồi dưới thời vua Dharmalanka (1813-1822), một chiếc hộp bằng vàng có chứa các di tích cổ đã được tìm thấy.

Không chỉ có Phật mà các thiền sư quá cố trong chùa Phra Singh Chiang Mai cũng được đúc thành những bức tượng để lưu giữ đến đời đời sau. Mỗi bức đều được điêu khắc vô cùng công phu và tỉ mỉ, thể hiện rõ nét sự phúc hậu, minh triết của các nhà sư ngoài đời thực.

Hàng năm, trong Tết cổ truyền Songkran diễn ra vào khoảng thời gian từ 13/4 đến 15/4, người dân sẽ rước tượng Phật sư tử từ Wihan Lai Kham trong chùa diễu hành qua tất cả các con phố của Chiang Mai. Trong ngày này, người hành hương và du khách mặc những bộ trang phục màu sắc sặc sỡ, thể hiện sự tôn vinh đức Phật bằng cách té nước vào bức tượng. Ai té được nhiều nước thì sẽ được nhiều may mắn.

Vào năm 1935, Vua Ananda Mahidol (Rama VIII), anh trai của Quốc vương Bhumibol Adulyadej (Rama IX) đã sắc phong cho chùa Wat Phra Singh là ngôi chùa Hoàng gia hạng Nhất.

Năm 2013, với sự hỗ trợ của chùa Wat Phra Singh và Chủ tịch Hội đồng các nhà sư Phật giáo Thái Lan ở Anh, một phiên bản của ngôi chùa được xây dựng ở Runcorn, Cheshire, Anh với tên gọi Wat Phra Singh UK. Chùa được xây dựng trên nền khách sạn Waterloo cũ. Đến nay, có nhiều nhà sư Thái Lan đã trụ trì tại phiên bản Wat Phra Singh con này.

Văn hóa Lanna trong các bức phù điêu và thư viện cổ

Lanna (tên đầy đủ là Lan Na Thai) là tên một vương quốc cổ từng tồn tại từ cuối thế kỷ 13 đến gần cuối thế kỷ 18 ở miền núi phía Bắc của Thái Lan hiện nay. Lanna có nghĩa là “Vương quốc triệu nương lúa”. Ngày nay, chỉ riêng thung lũng Chiang Mai mỗi năm đã cho thu hoạch khoảng nửa triệu tấn lúa.

Lanna được thành lập vào năm 1292, khi vua Mangrai Đại đế (Mengrai) - vị vua cuối cùng của Ngoenyang (Ngân Giang) - dời đô từ Ngoenyang (thành phố Chiang Saen ngày nay) về Chiang Hai (thành phố Chiang Rai ngày nay) để mở rộng sự kiểm soát của mình từ lưu vực sông Ping sang cả lưu vực sông Kok.

Lãnh thổ của Lanna dưới thời Vua Mangrai đã có lúc bao trùm khắp một miền rộng lớn ở miền Bắc Thái Lan hiện nay (trừ một số nơi thuộc về Payao và Sukhothai), ở miền cực Đông của bang Shan Myanma ngày nay và ở phía Nam của Sipsongpanna (huyện Cảnh Hồng, Vân Nam, Trung Quốc) ngày nay. Năm 1296, Chiang Mai được Vua Mangrai chọn để xây dựng kinh đô lâu dài cho đất nước.

Truyền thuyết về xây dựng kinh đô của Lanna kể rằng: Vào năm 1291, nhà vua cùng đoàn tùy tùng đi săn ngang qua bờ dòng sông Ping chợt thấy một cặp nai trắng tung tăng nhảy múa, thỏ thẻ bên nhau và 1 chuột bạch cái cùng đàn 5 con nhỏ. Xem đó như là một biểu tượng của sự an vui, thịnh vượng nên nhà vua đã quyết định xây dựng kinh đô ở đây, vùng đất nằm ở bờ Tây của dòng sông.

Sau khi Vua Mangrai qua đời năm 1317, đất nước này rơi vào tranh chấp ngai vàng trong hoàng tộc một thời gian rồi trở lại ổn định vào khoảng cuối thế kỷ XIV. Từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XVI, dưới thời các vua Ku Na, Saen Muang Ma, Sam Fan Kaen, Tilokarat và Phaya Kaeo, Lanna phát triển hưng thịnh. Tôn giáo, văn học phát triển và buôn bán phồn thịnh ở kinh đô Chiang Mai.

Dưới thời Vua Tilokaraj (giữa đến cuối thế kỷ XV), Lanna rất hùng mạnh, đánh bại cuộc tấn công của Ayutthaya, xâm lược Payao. Năm 1449, nhà vua đã mở những cuộc viễn chinh để mở rộng lãnh thổ cho Lanna sang phía Đông, tới vùng thành phố Nan ngày nay. Để tạ ơn Phật về thắng lợi ở phía Đông, nhà vua đã cho đúc một tượng Phật bằng vàng nặng tới 1.200 kg. Tượng này nay vẫn còn ở chùa Wat Suan Tarn tại thành phố Nan.

Vẻ đẹp của Ubosot lúc chiều tà.

Vẻ đẹp của Ubosot lúc chiều tà.

Năm 1599, vương quốc Lanna mất quyền độc lập và trở thành một phần của vương quốc Ayutthaya. Năm 1932, tỉnh Chiang Mai đã trở thành đơn vị hành chính cấp hai của Thái Lan khi đơn vị hành chính Monthon Phayap, tàn tích của vương quốc Lanna bị giải thể.

Trải qua hơn 7 thế kỷ với biết bao biến cố nhưng dấu ấn của vương quốc Lanna vẫn trường tồn cùng thời gian và hòa vào cuộc sống hiện tại với những đền tháp, cung điện, thành quách, phố xưa... Đó là những báu vật của đời, là di sản của tiền nhân để lại.

Lịch sử, văn hóa của vương quốc Lanna được lưu giữ trong các phù điêu và các bức bích họa dát vàng vẽ trên tường chùa Wat Phra Singh. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đa diện, độc đáo, du khách được tận mắt chứng kiến các phong tục, tập quán và cuộc sống thường nhật của người dân Lanna cổ. Các bức tranh tường của Wihan Lai Kham cũng rất đáng chú ý. Các bức tranh ở bên trái cho thấy lịch sử Songthong và bên phải mô tả lịch sử của Suwanna Hongse.

Đầu thế kỷ XX, Xiêm chính thức sáp nhập Lanna vào lãnh thổ của mình. Như một lẽ tất nhiên khi một đất nước chiếm một đất nước khác, đồng hóa từng xảy ra ở Lanna. Chính quyền Thái từng ra lệnh cấm nói ngôn ngữ Lanna, đốt hết thư viện về Lanna và xóa hết vết tích Lanna trong sách sử. Vì vậy, những gì còn được lưu giữ trong Ho Trai (thư viện chùa) có giá trị văn hóa to lớn.

Thư viện chùa Wat Phra Singh mang đậm kiến trúc cổ điển Lanna và là một trong những thư viện đền đẹp nhất Thái Lan. Nơi cầu thang vào thư viện là một con sư tử lớn chui ra từ miệng của quái vật Makara, một sinh vật nước huyền bí, linh vật gác cổng cho chùa.

Ho Trai hiện lưu giữ rất nhiều kinh và các tài liệu cổ ghi chép về nét văn hóa độc đáo của dân gian xưa, được viết trên lá cọ hoặc các bản giấy tơ tằm mỏng tang có tuổi đời mấy trăm năm tuổi, thứ mà ngày nay sẽ chẳng thể nào tìm thấy được ở nơi khác. Để bảo vệ cho những bản kinh thi quý giá ấy khỏi mưa gió và những sinh vật phá hoại, các nhà sư phải cất chúng trong các thành đá được trát một lớp vữa dày đặc.

Tượng các cố thiền sư như thật trong chùa.

Tượng các cố thiền sư như thật trong chùa.

Kiệt tác văn học dân gian Đông Nam Á trên lá cọ

Các văn bản viết trên lá cọ được lưu giữ ở Ho Trai là những tác phẩm văn học dân gian giá trị, trong đó có sử thi Chương. Hiện sử thi về nhân vật Chương có nhiều dị bản (với các tên gọi như sử thi Chương Han, Khun Chương, Khủn Chưởng, Thạo Ba Chương... gọi chung là sử thi Chương) là một tác phẩm rất nổi tiếng, được lưu truyền phổ biến không chỉ ở dân tộc Thái Việt Nam, mà còn có mặt rộng khắp trong cộng đồng người Thái ở Thái Lan, Lào, Myanmar, Nam Trung Quốc...

Đây là bản sử thi có giá trị lớn về nội dung, nghệ thuật, được các chuyên gia nghiên cứu sử thi đánh giá cao, coi đó là một trong những kiệt tác hàng đầu của văn học dân gian Đông Nam Á lục địa.

Trong các bản kể viết trên lá cọ còn lưu giữ hiện nay có hai bản kể văn học có thể được xếp vào loại sử thi về một người anh hùng có tên là Thạo Chương.

Tác phẩm thứ nhất, “Thao Ba Chương” là một sử thi nổi tiếng với hơn 5.000 câu thơ, 2 bản thảo là bản tiếng Lào cổ và tiếng Thái. Maha Sila Viravong là người có công lớn trong việc tìm ra các bản thảo này tại Thư viện quốc gia Bangkok vào năm 1943.

Tác phẩm thứ hai, được giới thiệu trong bài viết “Ba bản kể của văn học Lào về một anh hùng có tên Chương” của Prakong Nimmanahaeminda, là một sử thi văn vần khác, với tiêu đề “Thao Yi Ba Chương” - vốn được trích dẫn trong các bản thảo lá cọ của CHDCND Lào. Một bản sao của công trình này cũng được tìm thấy ở miền Đông Bắc Thái Lan.

Lịch sử hình thành các vương quốc cổ đại của người Thái ở phía Bắc Thái Lan được chia thành 3 thời kỳ: tiền Lanna, thời kỳ Lanna và hậu Lanna. Trong đó thời kỳ tiền Lanna được đánh dấu bằng sự thành lập của vương quốc cổ Chieng Sen từ thế kỷ VII, VIII. Đây là vương quốc cổ của người Thái Youn (Thái Duôn, Thái Nhuôn), vì vậy vương quốc này cũng được gọi là vương quốc Yonok (cách gọi khác của từ Youn). Đời vua thứ 9 là Lao Khiang (853-890) đã chuyển kinh đô về thành phố Ngoenyang (Ngân Giang) nên đôi khi vương quốc cũng được gọi tên là vương quốc Ngân Giang.

Thư viện Ho Trai, nơi lưu giữ các báu vật viết trên lá cọ và giấy tơ tằm.

Thư viện Ho Trai, nơi lưu giữ các báu vật viết trên lá cọ và giấy tơ tằm.

Trong cả hai tài liệu “Biên niên sử Yonok”, và “Biên niên sử Chieng Mai” thì Khun Chương đã được chép là vị vua thứ 19 của vương quốc Chiengsen (Yonok), có niên hiệu từ năm 1059-1085.

Theo “Biên niên sử Yonok”, Khun Chương sinh vào tháng 7/1099, trong vương thất thành Paiyao phía Bắc Thái Lan, năm 1120 (21 tuổi), ông kế thừa vương vị thành Paiyao, sau đó dẫn binh đi đánh bại người Mường Keo ở đất Ngoenyang (của ông bác Khun Chin), uy danh lẫy lừng. Thừa thắng, ông tiếp tục chinh phục Lancan và một phần Mường Keo. Năm 1134, Thạo Chương cho cử hành lễ đăng cơ và được Hoàng đế Đại Lý công nhận. Sau Khun Chương phân phong cho các con trai mình cai trị Ngân Giang, Lancan, thành Nan, Paiyao, Mường Keo, còn bản thân ông thì ở lại đất Mường Keo 17 năm. Năm 1176 (năm ông 77 tuổi), Khun Chương thân chinh dẫn quân chinh phạt nước Keo Mèn Ta Đa bên bờ biển, kết quả bị quân địch chém chết trên lưng voi.

Tiếp nối sau Khun Chương 5 đời vua nữa là đến Vua Mangrai, vị vua đã dời kinh đô từ Ngân Giang về Chiềng Mai, lập ra vương quốc mandala Lanna, phía Bắc Thái Lan vào năm 1238.

Còn nội dung các sử thi được tóm tắt như sau: Khủn Chưởng nối ngôi ở thành Paiyao (phía Bắc Thái Lan hiện nay), giúp bác Khủn Chin đánh giặc Keo ở mường Ngân Giang, cưới nàng Ủa và tiếp tục tấn công mường Keo Páh Kăn. Khủn Chưởng thắng lợi và ở lại mường Keo 14 năm, kết hôn với nàng Ú Keo. Cuối đời, ông tiếp tục dẫn quân Giô Thí chinh phục mường Keo Men Ta Thóp Khọp và chết vào năm 77 tuổi.

Ở Việt Nam, cũng có 2 bản kể sử thi về nhân vật Chương. Bản thứ nhất là bản “Quam Chương Han” của người Thái đen ở Tây Bắc Việt Nam. “Quam Chương Han” được xuất bản thành sách, có 2 bản dịch với “Chương Han sử thi Thái” do Nguyễn Ngọc Tuấn dịch và “Chương Han” do tác giả Vương Trung dịch.

Bản sử thi Chương thứ hai ở Việt Nam là bản “Lái Khủn Chưởng” của người Thái ở miền Tây Nghệ An, được lưu truyền trong dân chúng và được ghi chép trong các văn bản chữ Thái cổ Quỳ Châu. “Lái Khủn Chưởng” được hai tác giả dịch thành sách là “Khủn Chưởng anh hùng ca Thái” do Lang Sơn Hán dịch và “Truyện Khun Chương”, một bản dịch của Quán Vi Miên.

(Còn nữa)

Đọc thêm