Múa rối nước từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Loại hình nghệ thuật độc đáo này xuất hiện từ thời kỳ nhà Lý và nhanh chóng phát triển tại vùng đồng bằng sông Hồng – nơi được coi là cái nôi của nền văn minh lúa nước.
|
Nghệ thuật múa rối nước mang đậm giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc Việt Nam. |
Ban đầu, múa rối nước gắn liền với các lễ hội dân gian và nghi lễ tôn giáo, thường được biểu diễn trên mặt nước của ao làng, hồ nước hay sông ngòi. Những con rối thô sơ chỉ với các động tác đơn giản như nhấp nháy, di chuyển, hay múa lượn đã tái hiện sinh động cuộc sống thường ngày và các nhân vật quen thuộc trong truyện dân gian.
Qua thời gian, kỹ thuật chế tác và điều khiển rối ngày càng được cải tiến. Các con rối không chỉ di chuyển linh hoạt mà còn biểu đạt cảm xúc một cách chân thực, mang đến sức sống mãnh liệt cho từng màn trình diễn.
Múa rối nước không chỉ dừng lại ở vai trò của một trò chơi giải trí, mà đã trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo, phản ánh đậm nét văn hóa dân gian và lối sống của người dân vùng châu thổ sông Hồng.
Bàn tay đằng sau con rối
Mặc dù sân khấu múa rối nước ngày càng vắng bóng người xem, nhưng vẫn có những nghệ nhân tâm huyết, miệt mài thắp lửa đam mê, gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống cha ông.
|
Nhờ đam mê và trách nhiệm, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi đã và đang góp phần gìn giữ và phát triển một di sản văn hóa quý báu, giúp nghệ thuật múa rối nước tiếp tục trường tồn với thời gian. |
Đằng sau sự thành công của múa rối nước là những tháng ngày âm thầm cống hiến của nghệ nhân tạo hình rối.
Làng Đào Thục, bên dòng sông Cà Lồ, nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất nghệ nhân Nguyễn Văn Phi tận tâm chế tác và gìn giữ loại hình nghệ thuật này. Từ sự tự mày mò, ông đã trở thành người duy nhất tại làng mang trọng trách bảo tồn di sản văn hóa truyền thống.
Với ông Phi, mỗi con rối không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn mang trong mình "hồn cốt" của dân tộc. Những chuyển động mềm mại được điều khiển hoàn toàn bằng tay thể hiện sự kỳ công và sáng tạo của người nghệ nhân. Ông Phi khẳng định: “Mỗi con rối là một đứa con tinh thần, có cá tính riêng, không con nào giống con nào.”
|
Mỗi con rối đều mang một linh hồn, một câu chuyện riêng. |
Không chỉ dừng lại ở chế tác, ông còn nỗ lực truyền bá giá trị của nghệ thuật này qua việc chia sẻ câu chuyện và lịch sử múa rối nước đến cộng đồng. Nghệ nhân cũng ấp ủ xây dựng một dự án dịch tài liệu múa rối nước sang nhiều thứ tiếng, nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Những câu chuyện chưa kể sau tấm mành
Nhà rối hay buồng trò, là nơi các nghệ sĩ múa rối nước đứng khuất sau màn nước, khéo léo điều khiển từng chuyển động, biến sân khấu thành thế giới sống động và đầy chất thơ. Tuy nhiên, sau ánh hào quang của mỗi vở diễn là biết bao gian truân mà ít ai thấu hiểu.
Gắn bó hàng chục năm với Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hương chính là minh chứng cho sự bền bỉ của những nghệ sĩ múa rối nước. Thời kỳ khó khăn những năm 1990, khi điều kiện làm việc còn thiếu thốn, các nghệ sĩ phải diễn trong môi trường nước lạnh buốt mà không có quần áo bảo hộ. Công việc lâu ngày dưới nước khiến nhiều người, trong đó có bà, phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe như bệnh khớp hay da liễu.
|
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hương miệt mài luyện tập tại nhà hát múa rối Thăng Long. |
Không chỉ chịu điều kiện khắc nghiệt, các nghệ sĩ còn trải qua những hành trình gian khổ để mang nghệ thuật đến với khán giả. Những chuyến lưu diễn bắt đầu từ sáng sớm, với phần thưởng sau mỗi vở diễn đôi khi chỉ là bữa cơm đơn sơ. Nhưng chính những khó khăn đó đã hun đúc trong họ tình yêu nghề, tình đồng đội và niềm tự hào với nghệ thuật truyền thống.
NSƯT Bạch Quốc Khanh, một người nghệ sĩ tận tâm, đã từng trải qua những giai đoạn chông chênh khi đứng trước lựa chọn giữa từ bỏ hay tiếp tục con đường đầy gian truân này.
Khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp, ông bất ngờ rời xa ánh đèn sân khấu để theo học đạo diễn. Quyết định ấy đưa ông đến một hành trình tìm kiếm bản thân kéo dài 4 năm. Sau khi trở lại nhà hát, ông bắt đầu từ những vai diễn nhỏ nhất, như người dân làng hay con cá, thay vì đảm nhận các vai chính như đồng nghiệp cùng trang lứa. Dù vậy, ông không hề nản chí. “Tôi thấy được vị trí và giá trị của bản thân mình khi đồng điệu cùng với những con rối. Nếu lúc đó tôi không đủ dũng cảm để đối mặt và chấp nhận làm lại từ đầu, có lẽ đến giờ tôi vẫn chỉ là một người đứng bên lề." - ông nói.
|
NSƯT Bạch Quốc Khanh đắm mình trong buổi diễn tập trước giờ biểu diễn. |
Đối với ông, mỗi buổi diễn là sự hòa quyện giữa tình yêu nghệ thuật và trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống. Những khó khăn không làm ông chùn bước mà càng hun đúc thêm ngọn lửa đam mê với nghề. Đó là ngọn lửa được nuôi dưỡng bởi sự trân quý của khán giả, niềm tự hào trong từng cống hiến và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa Việt Nam.
Múa rối nước dân gian đang đứng trước nhiều thách thức lớn với nguy cơ bị mai một do sự phát triển hiện đại của khoa học công nghệ và nhu cầu giải trí mới trong thời đại 4.0. Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa này, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thực hiện nhiều dự án thiết thực, từ việc xây dựng các chương trình kịch mục đảm bảo tính dân tộc và hiện đại đến tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả trong nước và quốc tế.
|
Nhà hát cũng sưu tầm, bảo tồn và sáng tạo các loại hình múa rối mới, đồng thời nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn. Hoạt động giao lưu quốc tế còn giúp Nhà hát học hỏi, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa rối thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Nhờ vào những nỗ lực không ngừng, Nhà hát đã trở thành một điểm đến thu hút, với các suất diễn liên tục suốt 365 ngày trong năm, khẳng định vị thế hàng đầu của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Những hoạt động bảo tồn và phát huy này không chỉ bảo vệ di sản văn hóa mà còn đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng, góp phần giới thiệu vẻ đẹp của văn hóa truyền thống đến bạn bè quốc tế
|