“Khắc tinh” đưa những người “chán sống” trở về
Tìm đến xóm chài Lạc Long, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) hỏi thăm người đàn ông “chuyên cướp cơm Hà Bá”, bà chủ hàng nước nhanh nhảu: “Hỏi ông Giang vớt xác chứ gì?”. Ở đây, có mình ông Lê Văn Giang (56 tuổi) làm nghề “vớt xác”. Mọi người vẫn gọi ông là kẻ đưa những người “chán sống” trở về từ dòng sông “đoạt mệnh”.
Trong chiếc thuyền ọp ẹp rộng khoảng 2 mét, ông Giang rít điếu thuốc lào, nhả khói, nhấp ngụm chè đặc mà thở dài. Người đàn ông trung niên, mặt toát lên vẻ cục mịch mà chân thật của những người đi sông, đi biển. Ông lớn lên cùng dòng sông, chứng kiến biết bao cảnh chia ly, từ biệt ở đời. Nhất là khu vực cầu Lạc Long, bến Bính nơi nổi tiếng là “cầu tự tử” ở Hải Phòng.
Ông Giang vẫn còn nhớ như in cái ngày 16 tuổi, lần đầu tiên đi vớt xác, bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn ùa về. Ông kể lại: “Năm tôi mới tròn 16 tuổi, một ngày mưa nhiều, con nước lên không đi đánh cá được đành ở nhà. Thế rồi, thấy mấy ông trong xóm hớt hải đi và bảo là vớt người tử tự ở Thủy Nguyên. Tôi đánh liều đi theo xem như thế nào. Mấy ông chú mò mãi cả đoạn sông không thấy.
Đến 4 giờ chiều mà vẫn chưa có kết quả, sốt ruột tôi liều xuống mò thử. Ai ngờ, lặn vài mét, tôi vơ phải cái áo của một thanh niên. Tôi hốt hoảng hét lên, mọi người cùng xuống trợ giúp, tìm kiếm xác người”.
Đến bây giờ nhắc lại, ông Giang vẫn không khỏi rùng mình về ngày định mệnh ấy. Cũng là ngày bắt đầu cho cái nghiệp “cướp cơm Hà Bá” vận vào ông đến tận bây giờ. Hơn 40 năm, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh chia ly sinh tử ở những dòng sông. Hôm thì cô gái vì tình mà tự tử, người đàn ông phá sản cũng nhảy cầu rồi trẻ em vì thiếu vắng bố mẹ mà cũng trầm mình xuống sông.
Bao mảnh đời, câu chuyện ông chứng kiến tận mắt, thấm thía những nỗi đau cuộc đời gửi lại nơi Hà Bá. Rồi cứ mỗi lần có ai tự tử người ta lại tìm đến ông Giang để vớt xác, mà ông gọi đó là “hành trình đưa họ trở về”.
Suốt những năm tháng làm nghề sông nước, ông không còn nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu người.“Nhiều lắm, chả nhớ hết đâu chú ạ”. Nghe ông kể về những hành trình “đưa những người tự tử” trở về, mới thấm thía sức chịu đựng của người đàn ông này. Đi sông đã lâu, quen với cái mùi, cái cảnh “người chết” nên ông không sợ là mấy.
Ông Lê Văn Giang |
Cứ ai gọi là ông đi, có khi được trả tiền còn nhiều lúc là làm từ thiện vì lương tâm. “Làm vì lương tâm, người ta nhờ tôi mà mình không đi làm thì day dứt lắm. Chắc cái nghiệp nó vận vào thân rồi” ông Giang chia sẻ.
Có lần, hai ông bà đang ăn cơm chiều, ngoài trời xẩm tối, bỗng nghe tiếng “bùm” lớn ở đoạn cầu Bính. Ông vội vàng chạy ra, nhảy xuống cứu thì không kịp. Một thằng bé chừng cấp 2, cổ vẫn mang khăn quàng đỏ nhảy xuống sông tử tự. Ông xuống cứu thì đã quá muộn. Cậu bé dường như “tự chuẩn bị cho cái chết của mình”. Ông Giang hỳ hục lặn xuống vớt xác cậu bé lên, tìm thông tin và liên lạc với người nhà đến đón.
Được một lúc bố cậu bé đến nhận con trong nước mắt, đau đớn kể với ông rằng vợ bỏ đi nước ngoài, bản thân làm xe ôm không có tiền. Thế là, ông Giang lại đi xin quyên góp từng người đi đường giúp bố cậu bé lo chuyện ma chay. “Tôi đi xin thêm tiền cho nó về nhà, xong xuôi được mời cốc bia. Hôm sau, tôi còn đến giúp ma chay cho nó. Thằng bé dại dột, còn bố nó khổ quá”.
Không biết bao nhiêu gia đình khó khăn, ông Giang đi xin từng đồng quyên góp giúp họ đưa người thân xấu xố trở về nhà. Những lần lặn ngụp hàng ngày trời tìm kiếm thi thể người nhảy cầu, công xá chẳng được mấy đồng, chỉ được cảm ơn bằng cốc bia.
Nhưng ông vẫn thấy thoải mái, vì đã giúp người, giúp đời bằng lương tâm chân chính. Dù ông biết cái nghiệp “cướp cơm Hà Bá” cũng lắm nỗi vất vả, nhưng đành “nhắm mắt đưa chân”, kệ “con tạo xoay vần”. Trong tâm ông Giang luôn nguyện: “Cố gắng giúp được người nào thì giúp. Cứ làm vì tâm thì ông trời cũng chứng giám cho việc ông làm”.
Sứ mạng cứu rỗi những linh hồn
Cầu Chương Dương là cây cầu được mệnh danh “điểm đen” về số người tự tử ở Hà Nội. Nhiều năm trước, trên chính cây cầu này, hình bóng chú chiến sĩ cảnh sát giao thông tóc đã hoa râm, vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ tại đây đầy quen thuộc với ai hay lưu thông khu vực này. Người đàn ông ấy là Thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội CSGT số 1, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Thượng tá Đoàn đã có hơn 20 năm công tác điều phối giao thông tại cầu Chương Dương. Hình ảnh người cảnh sát hiền hậu, trắc ẩn, luôn hòa nhã với người dân là những gì đọng lại trong trái tim mọi người khi nhắc về ông. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là một người “cướp cơm Hà Bá”, chuyên khuyên nhủ, cứu những người có ý định nhảy cầu tự tử.
Mấy chục năm đứng chốt cảnh sát giao thông tại cầu, ông Lê Đức Đoàn đã cứu được gần 40 người thoát khỏi những cái chết dại dột. Mỗi lần có người báo tin, ông lại vội vàng đến để khuyên nhủ họ từ bỏ ý định tự sát.
Khi thì người già, lúc là em nhỏ, phụ nữ có thai, đàn ông thành đạt đều được ông “giải vây” mỗi khi bước đến cây cầu này quyên sinh. Người ta vẫn đồn vui rằng ông là “kẻ đối đầu của Hà Bá”, khi ông cứu những người có ý định gieo mình làm “mồi” cho dòng sông này.
Nhiều năm cứu người tự vẫn, ông Đoàn đã gặp biết bao câu chuyện, hoàn cảnh éo le của những người “dại dột”. Mỗi lần như vậy, ông đều đưa ra những lời khuyên chân thành, để họ bình tâm lại và quay về. Mỗi lời nói từ tận đáy lòng người chiến sĩ công an như một “sứ mạng cứu rỗi linh hồn” những ai muốn tự tử.
Trong một lần trả lời báo chí, ông Đoàn đã nói: “Tôi đã được sống một cuộc đời đáng sống”. Nhìn lại những gì người đàn ông này đã đóng góp cho xã hội, cho đất nước mới thấy sự phi thường và vĩ đại trong ông. Biết bao người có ý định “quay lưng với cuộc sống” đã được ông giúp đỡ và đưa họ trở về với chính mình. Năm 2012, ông được vinh danh một trong 10 công dân ưu tú thủ đô, một sự ghi nhận những đóng góp của người cảnh sát tâm huyết.
Năm 2014, ông Đoàn chia tay công việc về hưu. Ngày làm việc cuối cùng rất nhiều người đã đến bắt tay ông như một sự tri ân và tiếc nuối suốt quãng thời gian cống hiến cho công việc. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi. Cầu Chương Dương vắng bóng hình ảnh người cảnh sát với khuôn mặt hiền hậu, luôn niềm nở mỗi khi gặp người dân. Nhưng những câu chuyện ông Đoàn cứu người tự tử, giúp người bị bạn vẫn còn vang vọng khi đi qua cây cầu này.
Những bức thư của người tự tử viết cho người thân |
Ở ông Đoàn, cứu sống những người “tự tử” là tình người - tình đời, là lương tri mách bảo ông làm. Cho đến tận sau này, mọi người vẫn nhắc về ông như những điều đẹp đẽ và tử tế còn lại ở Hà Nội. Thậm chí, có hẳn một Fanclub trên facebook mang tên “Hội những người hâm mộ Thượng tá Đoàn” như một minh chứng cho tình yêu của mọi người dành cho người đàn ông “cướp cơm Hà Bá”
Rất nhiều người khi được ông Đoàn cứu sống, trong đó ông vẫn nhớ như in chuyện một cô gái có ý định tự tử khi đang mang bầu tại cầu Chương Dương vào năm 2014. Khi người dân đến báo, ông vội nhờ chuyến xe bus ra giữa cầu để kịp thời cứu cô gái trẻ vì sợ nếu đi xe máy cô bé sẽ nhảy xuống luôn thì nguy.
Sau một lúc dùng dằng, hết lời khuyên răn, ông Đoàn khuyên được cô gái bình tĩnh. Kể ra mới biết chồng hay ghen hay đánh mắng nên cô mới tự tử. Nghe xong, Thượng tá Đoàn gọi điện cho chồng cô gái đưa vợ về nhà. Nhiều năm đi qua cầu Chương Dương, hai vợ chồng vẫn đưa con ghé thăm ông Đoàn và cảm ơn rằng “Chú đã hai lần cứu sống gia đình cháu!”.
Những người hy sinh cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân của mình để… “cướp cơm Hà Bá”, mang lại niềm an ủi cho nhiều phận người, nhiều gia đình chỉ vì chữ lương tri. Đâu đó vẫn có những phận người xấu số và người thân của họ đang cậy nhờ cả vào sức vóc mảnh khảnh, nhỏ bé của những người đàn ông “nặng tình, nặng nghĩa”.