Những người nông dân lãng mạn

(PLO) - Có một thú chơi dân giã được nhiều người quan tâm, thậm chí có những cuộc tỉ thí vô cùng vui nhộn, đó là chơi diều. Ở nhiều vùng quê, nhiều người nông dân lãng mạn, cứ buông tay cày, tay cuốc là đi thả diều, “gác” những tiếng sáo vi vu ở tít… chín tầng mây.
Thả diều niềm vui lãng mạn của những người nông dân
Thả diều niềm vui lãng mạn của những người nông dân
Những “đại gia” làng diều
Xã An Bình (Thuận Thành, Bắc Ninh) bốn bề là đồng xanh với lũy tre xanh, lúc nông nhàn, thú thả diều sáo được coi là “món” thịnh nhất. Cho đến bây giờ người dân vẫn nhớ hình ảnh cụ Nguyễn Xuân Thào nổi tiếng vì sở hữu chiếc diều sải cánh dài bằng ba gian nhà. Tiếng sáo cồng của con diều này đủ làm cả làng mất ngủ. 
Một lần nhà có việc, gặp trời mưa, cụ Thào lấy diều che đủ chỗ cho ba bếp đun bên dưới. Sau này, các ông Nguyễn Xuân Tịnh, Nguyễn Bá Phước, Trần Văn Mau, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Hữu Trại… tích cực phát huy truyền thống, đưa phong trào của xã phát triển và làm rạng rỡ vùng quê thuần nông. Cũng từ niềm đam mê xửa xưa mà người dân đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) diều sáo An Bình từ hơn 40 năm trước, đến nay vẫn… hoạt động tốt.
Năm nào CLB diều sáo An Bình cũng tổ chức cuộc thi, thu hút nhiều hội viên tham gia, thúc đẩy phong trào của các xã lân cận, khiến những ngày cao điểm, cả một vùng trời Thuận Thành sặc sỡ diều bay, vi vu tiếng sáo. Nghệ nhân Nguyễn Bá Phước (làng Yên Ngô) tâm sự: “Chúng tôi đa số là nông dân, biết chơi diều từ tuổi nhỏ và thú chơi này khiến cả làng cùng mê và ai cũng có thể sở hữu một chiếc làm của riêng. Nhiều người già mê diều đến độ, đi làm đồng cũng phải dẫn theo con diều thả lên trời, vừa làm vừa ngắm vừa nghe, cứ như con diều cổ vũ cho người ta làm việc hăng say hơn thì phải. Đặc biệt, thanh niên trong làng cũng mê lắm. Vào những chiều cuối tuần, họ thường tụ tập nhau lại để cùng chơi”. 
Mấy chục năm chơi diều, ông Đỗ Gia Đỗ chưa bao giờ vơi niềm đam mê
Mấy chục năm chơi diều, ông Đỗ Gia Đỗ chưa bao giờ vơi niềm đam mê 
Các cụ già cho biết, muốn diều bay cao, ổn định, lên thẳng thì cần rất nhiều yếu tố. Từ khâu chọn tre để làm nan, cách vót, truốt nan đến bồi giấy, uốn khung, làm sáo, thưng miệng sáo… tất cả phải kỳ công và mỗi người chỉ “đỉnh” (giỏi nhất) ở một số công đoạn. Nhưng đã là những nghệ nhân kỳ cựu thì đều biết cách làm sao để có chiếc diều hoàn chỉnh, đẹp nhất. Ví như những năm gần đây, ở An Bình ông Nguyễn Hữu An khoét lỗ sáo chuẩn nhất, ông Nguyễn Văn Lưu chế diều giỏi nhất và đã “sản xuất” ra hàng trăm chiếc…
Dẫu chỉ là một thú chơi nhưng người ta cũng chia ra các loại. Diều của thiếu niên chỉ sải cánh chừng hơn một mét, nhưng diều đủ tiêu chuẩn đi thi của các cụ là diều sải cánh năm thước (hai mét), có sợi dây đủ trụ nổi độ căng khi trời cản gió. “Diều đi thi bắt buộc phải có sáo. Sáo diều bằng chất liệu ống nứa già đanh, được khoét lỗ, thưng miệng bằng gỗ mít. Diều lớn phải có ba sáo to nhỏ khác nhau để phát ra các âm thanh khác nhau, chúng ghép thành giàn để diều mang. Cái khó là làm sao để con diều cân, khi bay lên không bị chao liệng, dây không cuốn vào câu liêm”, ông Phước hào hứng cho biết.
Những ngôi làng ven sông Hồng, đặc biệt người dân Bá Giang và Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) có niềm say mê diều cháy bỏng và thường xuyên tổ chức hội thi “hoành tráng”! Đây là làng diều truyền thống độc đáo, được công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian về diều của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Bá Giang xưa nghèo, người dân quanh năm chân lấm tay bùn. Nay cuộc sống khá hơn, “nghề chơi công phu” vẫn được bà con gìn giữ, phát triển. 
Và thực tế trong làng diều nghìn năm tuổi này đã xuất hiện nhiều “đại gia” làm diều ở thời hiện đại như Nguyễn Hữu Ngọ, Nguyễn Hữu Kiêm, Nguyễn Gia Đỗ… Dựa vào lợi thế ven đê, có gió lộng, có những cánh đồng rộng bát ngát nên trẻ em làng thường để những con diều nhỏ của mình cưỡi gió, cưỡi mây. Theo thời gian diều của những đứa trẻ cũng lớn dần, tiếp nối những ước mơ, những thú chơi của cha ông.
Ông Nguyễn Bá Phước khoe diều quý
Ông Nguyễn Bá Phước khoe diều quý 
Cái được của thú chơi
Nghệ nhân Nguyễn Gia Đỗ, thành viên CLB diều Bá Giang cho biết: “Thú chơi diều ở làng gắn với một sự tích lịch sử lâu đời. Sau này, thả diều còn trở thành một nghi lễ tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa để công việc của bà con nông dân được thuận lợi, có những mùa vụ tốt tươi. Cái đích của người chơi diều bây giờ cũng vậy, khi diều lên được không trung là báo thời tiết sẽ tốt lành, thuận lợi...”.
Cái độc đáo của diều Bá Giang là ở chỗ, nhiều năm qua vẫn giữ được dáng cổ, không có đuôi; cánh sải dài hình cánh chanh, cánh muỗm hay nửa vành trăng khuyết. Sáo diều được làm từ thân cây tre. Xưa, người ta chẻ thành nan, đan thành ống, đơn sơ, gắn với miệng sáo làm bằng gỗ vàng tâm để có tiếng vừa thanh vừa ấm. Giấy diều giờ có nhiều loại, ngoài giấy bổi ra người ta cùng dùng loại giấy ni-lon, rất mỏng nên càng làm cho diều trở nên nhẹ bẫng.
Cũng giống như Bá Giang, người dân ở An Bình (Bắc Ninh), Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam), Song Vân (Tân Yên, Bắc Giang)… chơi diều là để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ngoài ra, thú thả diều của giới trẻ còn là để gửi gắm khát vọng lên trời cao, với ước mơ học hành tấn tới, đỗ đạt cao… “Cái được” của thú chơi diều này cũng đã giúp cho nhiều làng quê bớt đi những trẻ em hư, sa đà vào các thú chơi vô bổ. 
Nhà văn Phạm Thuận Thành, người con của đất Kinh Bắc nói: “Trong khi nhiều thú chơi truyền thống biến mất, trẻ em thiếu sân chơi, những thú chơi văn hóa như thả diều không chỉ thể hiện nét đẹp, hào phóng của người nông dân một nắng hai sương mà còn “kéo” lũ trẻ trở về với thú chơi lành mạnh. Hơn nữa, với thú chơi này cũng tạo nên bức tranh các vùng nông thôn trở nên đẹp, trữ tình hơn. Do vậy, cần tổ chức nhân rộng các CLB diều, để mỗi làng quê đều được nhân lên cái đẹp, vơi đi những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh”.
Sắp đến dịp Tết Trung thu, trẻ em nhiều vùng quê đang tìm đến những con diều, “kết nạp” chúng vào bộ đồ chơi của mình. Rồi chúng sẽ mang diều ra thi với gió, với mây. Những “đại gia diều nông dân” vẫn đang cần mẫn chế tạo cho lũ trẻ những con diều vừa với sức chơi của chúng, như một sự cổ vũ nhiệt tình, điều đó thật đáng quý.
Ông Ngô Văn Bội (CLB diều xã Song Vân, Tân Yên, Bắc Giang):
Song Vân là xã thuần nông nhưng người dân quanh năm hừng hực niềm đam mê diều. Diều thu hút cả những lão nông hơn 60 tuổi, trong đó có người “yêu diều hơn yêu thóc” nên nếu trời bất ngờ đổ mưa thì phải thu diều trước rồi về chạy thóc sau, bởi thóc có ướt còn phơi lại được, diều đã ướt là… hỏng! Tôi mê những con diều to nên nhiều đêm nghe thấy tiếng gió thuận cho diều, kiểu gì cũng phải trở dậy để thả. Có khi còn “nhờ” cả vợ đi cùng, dẫu có lúc bà ấy cáu gắt. Rồi thấy tôi đam mê quá, thấy cả làng đam mê, bà ấy cùng những người vợ khác cũng nhiệt tình cổ vũ.

Đọc thêm