Niềm vui của “bà chủ vườn” nơi đất núi
Bước chân thoăn thoắt dẫn phóng viên ra thăm vườn nhãn, vườn bưởi, vườn xoài của mình, chị Nguyễn Thị Thoa ở bản Noong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La không giấu nổi niềm vui với những vụ quả bội thu. Những cây nhãn ghép giống quả to, ngọt nước, dày cùi trong vườn nhà chị sai trĩu cành. Nhìn vào hàng nhãn, thấy những chùm quả vàng óng nhiều hơn là thấy lá xanh.
Chị Thoa vui vẻ đỡ một trái xoài to đang kéo trĩu cành khoe: “Quả này là còn nhỏ đấy, tôi đã từng thu hoạch quả đạt đến trọng lượng 2kg”. Không chịu kém vườn xoài, vườn nhãn, những cây bưởi nhà chị Thoa cũng sai trĩu trịt, hứa hẹn một vụ bưởi cho hiệu quả kinh tế cao.
“Nếu ngày ấy chúng tôi không quyết tâm thì chắc không có ngày hôm nay đâu” – giọng chị Thoa chùng xuống khi nói về thời gian trước khi gia đình chị chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Trước đây, gia đình tôi trồng cây ngắn ngày mía, ngô nên cho thu nhập không đáng kể. Kinh tế gia đình không ít khó khăn mặc dù làm thêm nghề chế biến miến dong.
Khoảng năm 2012, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã hỗ trợ vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả. Thấy một số hộ trồng xoài, nhãn cho năng suất không cao, chúng tôi đã xuống tận Hà Nội để tự tìm mua cây giống về trồng.
Lúc đầu là nhãn ghép, xoài Đài Loan, rồi bưởi da xanh. Khi cây ăn quả còn nhỏ, tôi phải trồng xen cây ngắn ngày để có thu nhập. 3 năm trở lại đây, các cây nhãn, xoài, bưởi ra trái, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định. Hiện nay, diện tích đất trồng cây ăn quả của gia đình tôi là 1,5 ha với 300 gốc xoài Đài Loan, 300 gốc bưởi da xanh và 500 gốc nhãn ghép”.
Được biết, thu nhập của gia đình chị (3 nhân khẩu, gồm vợ chồng chị và mẹ già) hàng năm đạt trên 300 triệu đồng/ha cây ăn quả. Hai con chị đã trưởng thành, có cuộc sống riêng, dù chỉ có 2 vợ chồng lớn tuổi lao động trên vườn xoài, nhãn, bưởi nhưng gia đình chị Thoa ít khi phải mượn người làm. Vào thời điểm thu hoạch rộ, gia đình chị chỉ mượn thêm người thu hái theo giờ, còn phần lớn những việc khác đều do chị đảm nhiệm.
Không có thành công nào mà không trải qua khó khăn, mô hình kinh tế gia đình của chị Nguyễn Thị Thoa cũng vậy. Những ngày đầu mới bắt tay vào trồng cây ăn quả, vợ chồng chị nơm nớp lo cây chết vì sương muối và sâu bệnh. Cứ mỗi sáng thức dậy, nhìn vườn cây vươn lớn, chị lại thở phào nhẹ nhõm để tiếp tục động lực chăm bón cho cây.
Giờ đây, khi được hỏi về kỹ thuật chăm sóc cây, chị Thoa hồ hởi cho biết: “Làm rồi thành quen. Những việc chăm sóc, tỉa cây, bón phân, cuốc cỏ, làm giàn nâng trái… là việc làm thường xuyên của tôi. Lúc mới đưa cây về trồng, chúng tôi phải tự học hỏi từ những hộ đã trồng trước, học tại Trung tâm Khuyến nông và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Đến nay, cũng có nhiều người đến hỏi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh, nhãn từ gia đình tôi. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ”.
|
Vườn nhãn sai trĩu quả đã không phụ công vất vả của chị Nguyễn Thị Thoa. |
Câu chuyện thành công của chị Nguyễn Thị Thoa cũng là câu chuyện thành công của rất nhiều hội viên Hội LHPN xã Hát Lót. Hội có hơn 1.700 hội viên, sinh hoạt tại 31 chi hội. Để giúp các hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội đã chỉ đạo các chi hội xây dựng quỹ hội; xây dựng mô hình tiết kiệm với mức đóng 6.000 đồng/người/tháng.
Đã có 20 chi hội duy trì mô hình tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng cho 120 lượt hội viên vay vốn xoay vòng, không lấy lãi. Hội còn nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 4,5 tỷ đồng, cho 136 lượt hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất.
Đồng thời, chỉ đạo các chi hội rà soát các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, xác định nguyên nhân nghèo, từ đó phân công hội viên nòng cốt, hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ họ phát triển sản xuất. Nhờ vậy, năm 2017, số hội viên nghèo do phụ nữ làm chủ hộ giảm 30 hộ so với năm 2016.
Bên cạnh việc khai thác nguồn vốn cho hội viên vay, Hội LHPN xã Hát Lót còn phối hợp với cán bộ khuyến nông xã, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các hội viên. Xây dựng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả, như: mô hình trồng bí đao tại bản Phiêng Lặp; chăn nuôi dê nhốt chuồng tại bản Lót; chanh leo ở bản Púng Ngồ; trồng cây ăn quả trên đất dốc ở bản Noong Xôm...
Điển hình trong phong trào phát triển kinh tế là hội viên Nguyễn Thị Luyến (bản 428), Cà Thị Thanh (bản Phiêng Lặp), Lý Thị Lan (bản Nà Cang), Nguyễn Thị Thoa (bản Noong Xôm)... có thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/năm từ trồng trọt và chăn nuôi.
Được biết, ở xã Hát Lót đã có Hợp tác xã Ngọc Lan ký được hợp đồng xuất khẩu xoài giống Đài Loan sang thị trường Úc. Tuy rằng bước đầu cả xã mới chỉ lựa chọn được 40 tấn xoài để xuất khẩu vì những yêu cầu khắt khe từ phía thị trường nhập khẩu, nhưng đây cũng là động lực để các “bà chủ vườn” như chị Nguyễn Thị Thoa phấn đấu.
Không chỉ dừng lại ở bưởi, na, xoài, các “bà chủ vườn” ở Hát Lót còn đang trồng thử chôm chôm, sầu riêng để xem những trái cây vốn được coi là đặc sản xứ miền trong có “yêu thương” mảnh đất núi rừng này hay không.
Lập nghiệp để từ giã cảnh “cả nhà chỉ có 80 nghìn trong túi”
Khi mới đặt chân lên đất Bình Phước, gia đình chị Hoàng Thị Mai (sinh năm 1965 người Nghệ An, hiện ở tổ 5, ấp 5, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) chỉ có vỏn vẹn 80 nghìn đồng trong túi với hai đứa con đang tuổi đến trường. Không thể để cho con trẻ đói ăn, thất học, hai vợ chồng chị không ngại khó, ngại khổ đi làm thuê, làm mướn để cho con ăn học.
Sau một thời gian dài làm thuê, làm mướn, chị Mai thấy không thể kéo dài mãi cuộc sống bấp bênh như thế này, nên bàn với chồng kế hoạch tích lũy vốn, vay mượn thêm để mua đất trồng cao su và tiêu. Năm 2000, hai vợ chồng chị bắt đầu có đất riêng để làm mô hình kinh tế như dự định. Nhưng đây cũng là lúc bắt đầu phải đối mặt với những khó khăn của việc thiếu kinh nghiệm làm kinh tế, thiếu kiến thức nông nghiệp, thiếu vốn để phát triển tiếp...
“Đã quyết tâm làm thì không ngại đối mặt với khó khăn, vợ chồng tôi tự bảo nhau như vậy. Bên cạnh việc được Hội Nông dân cho đi học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, chúng tôi mày mò tự mua sách về đọc và đi đến các hộ khác học hỏi dần. Như vậy khâu thiếu kinh nghiệm đã được giải quyết.
Về khâu vốn, được sự giúp đỡ của Hội LHPN, gia đình tôi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào giếng lấy nước tưới, mua giống, mua phân... Hiện nay chúng tôi có 7 mẫu trồng cao su và 300 gốc tiêu cho thu nhập tốt” – chị Mai cho biết.
Dẫn phóng viên ra rừng cao su vừa mới cho thu hoạch đợt đầu ngay gần nhà, chị Mai cho biết do đặc tính cây cao su sau một đêm nghỉ ngơi, hàm lượng nước trong thân cây dồi dào, áp lực của nhựa cây cao hơn, mủ cho sản lượng cao, nên vợ chồng chị thường thức dậy lúc 3h sáng để đi cạo mủ hơn 500 gốc cao su trên 7 mẫu trồng. Thu nhập từ việc cạo mủ cao su đều đặn mỗi ngày là 1 triệu đồng. Xong việc cạo mủ tầm 7h sáng, hai vợ chồng lại quay sang chăm sóc vườn tiêu.
Không chỉ là người phụ nữ có quyết tâm “chia tay” với đói nghèo, chị Hoàng Thị Mai còn là người Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ đã có 25 năm gắn bó với hội viên và được bà con chòm xóm yêu mến. Tại tỉnh Bình Phước có trại giam Tống Lê Chân với một phân trại của phạm nhân nữ và không ít phạm nhân là người địa phương. Có thể thấy trong câu chuyện hoàn lương đầy nước mắt nụ cười của những người phụ nữ địa phương luôn có hình ảnh của cán bộ Hội Phụ nữ như chị Mai.
“Ở địa bàn tôi ở có trường hợp cháu O. vì ghen tuông mà phạm tội cố ý gây thương tích, thụ án 5 năm ở trại giam Tống Lê Chân. Ngày biết O. phạm tội, bị bắt tôi rất ngạc nhiên, thương cảm cho sự lỡ dại, nông nổi của cháu và đã đến ngay gia đình cháu để động viên và nhờ nhắn gửi cho cháu lời khuyên hãy cố gắng cải tạo tốt để được ra tù sớm, trở về với gia đình.
Trong thời gian O. ở tù, tôi thi thoảng qua gia đình để hỏi thăm tin tức về cháu cũng như trao đổi xem gia đình có dự định gì giúp cháu hoàn lương khi trở về. Khi O. mãn hạn tù, gia đình cháu có làm mấy mâm cơm mừng mời người thân, bà con xóm giềng, trong đó có tôi và có lời gửi gắm nhờ giúp đỡ con em họ.
Được sự động viên yêu thương từ gia đình cũng như các hội viên phụ nữ, giờ cháu O. làm việc rất chăm chỉ. Ngoài công việc cạo mủ cao su ở rừng nhà trồng, cháu còn đi làm mướn mỗi ngày được 100 ngàn tiền công. Tới đây, O. sẽ lập gia đình với người bạn cùng làm mướn... ” – chị Mai phấn khởi kể.
Minh Hưng là một xã có địa bàn rộng, dân cư đông, có 2 khu công nghiệp đóng trên địa bàn, tình hình kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Với sự quyết tâm giúp hội viên thoát nghèo của Hội LHPN xã (trong nhiệm kỳ 2011-2016 số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo đạt 50,1%, vượt 10,1% so với chỉ tiêu), tin rằng ở Minh Hưng đã, đang và sẽ có nhiều tấm gương chị em hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, lại luôn năng nổ trong các hoạt động phong trào Hội tại địa phương như câu chuyện của Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Hoàng Thị Mai nói trên.