Thành cái bóng của chính mình
Từ ngày sinh con, chị Lê Thị Hoàng Trang, 35 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận Tân Phú, TP HCM đã quyết định nghỉ làm hẳn để ở nhà trông con, vun vén gia đình. Quyết định này được đưa ra khi chị Trang và anh Ân, chồng chị bàn bạc kĩ lưỡng, thống nhất rằng con cái là quan trọng nhất, chị cần dành thời gian chăm sóc con trong những năm đầu đời. Chị sẽ nghỉ làm 2 năm, đến khi con đi nhà trẻ thì sẽ đi làm lại.
Thế nhưng, hai năm trôi qua, con trai bắt đầu vào tuổi đi nhà trẻ, anh chị lại lo lắng khi đọc những thông tin bảo mẫu hành hạ trẻ con nên không an tâm cho con đi học. Chị lại quyết định nghỉ làm, chăm con đến khi con vào lớp 1.
Đến nay, con trai đầu đã gần 10 tuổi, con thứ hai 3 tuổi, chị vẫn tất bật với việc nhà, việc chăm con hàng ngày, đầu bù tóc rối. Không thể đi làm dù rất yêu, nhớ công việc. Cũng không có thời gian dành cho bạn bè, thời gian về thăm quê, chăm sóc bản thân cũng không có, tất cả thời gian của chị đều dành cho gia đình nhỏ.
Chị Hoàng Trang không phải là trường hợp cá biệt, trong đời sống có biết bao nhiêu người phụ nữ như thế, chấp nhận tạm gác sự nghiệp, đam mê, các mối quan hệ cá nhân, dành tất cả cho gia đình mình. Có người gặt hái được hạnh phúc mà họ hướng đến sau cuộc hy sinh, nhưng cũng có người, hy sinh không giữ lại cho mình, để rồi đến khi đối mặt với sự phản bội là trắng tay, sụp đổ.
Cách đây vài năm, tại TP HCM, người ta chứng kiến một vụ ly hôn gây xôn xao dư luận. Người vợ là một phụ nữ thành đạt, có tiếng. Từ khi lấy chồng, chị đã rút lui về “hậu phương”, nhường cho chồng mình tỏa sáng. Chị ít khi xuất hiện, ở nhà tần tảo chăm sóc các con để chồng yên tâm phát triển sự nghiệp. Cho đến khi anh vững vàng, có mọi thứ trong tay, chị phát hiện chồng có một gia đình nhỏ với một cô gái chân dài.
Anh không những không hối lỗi, còn kiên quyết đòi chia tay. Giờ đây, tài sản anh đã nắm trong tay, chị với con được chia chỉ một phần nhỏ. Trước tòa, nhìn chị xơ xác, sồ sề, không ai không nuối tiếc cho một trong những người đẹp doanh nhân của năm nào, tự tin, độc lập. Sau những hy sinh, chị chỉ còn là cái bóng của chị năm xưa.
“Hội chứng nghiện hy sinh”
Một chuyên gia tâm lý đã từng nói đến “hội chứng nghiện hy sinh”. Người vợ, người mẹ càng dồn hết mọi tình cảm cho gia đình, càng bỏ rơi bản thân, càng cảm thấy thỏa mãn. Cái mà họ hy sinh, có thể là sự nghiệp, là sở thích, là những mối quan hệ cá nhân, thậm chí là cảm xúc của bản thân mình. Mất đi những điều ấy, bù lại, họ có được cái cảm giác cao cả, vĩ đại, chứ không hẳn mọi hy sinh đều hướng đến điều tốt đẹp cho đối tượng nhận sự hy sinh ấy.
Thế nhưng, cũng có một hệ quả khác của sự hy sinh quá mức, đó là khi người phụ nữ bị áp lực bởi chính sự hy sinh của mình, nảy sinh ra sự căng thẳng, mệt mỏi, phản ứng ngược. Khi ấy, không những sự hy sinh ấy không được ghi nhận, mà còn trở thành những gánh nặng, gây khổ sở cho những người trong gia đình.
Trên một diễn đàn dành cho gia đình, nhiều người chồng đã chia sẻ thật lòng, rằng họ cũng không mong muốn vợ mình phải hy sinh nhiều đến thế. Bản thân họ cũng mong muốn vợ tự tin, mạnh mẽ, sống cho chính mình chứ không phải là cái bóng của chồng con. Chưa kể đến nhiều người vợ, mang tâm lý “mình hy sinh quá nhiều” nên thường trách móc, kể công, than thở, khiến gia đình mệt mỏi, khổ sở.
Đã vậy, trong các mẫu quảng cáo nhan nhản trên truyền hình thường thấy hiện lên hình ảnh người phụ nữ đang cặm cụi làm việc nhà quần quật. Có mẫu quảng cáo cho thấy hình ảnh người mẹ vừa lau nhà, rửa bát, nấu nướng, dọn dẹp, chăm con. Thậm chí, có quảng cáo còn đưa slogan “mẹ là siêu nhân”.
Mới đây nhất, đoạn quảng cáo xuất hiện nhiều trên mạng xã hội về một loại thực phẩm chức năng đã đưa ra thông điệp “vì gia đình nhỏ luôn cần mẹ”, với bức ảnh chụp người mẹ đội nắng mưa đưa con đi học. Những quảng cáo như thế, nghe thì có vẻ ca ngợi đức hy sinh, ca ngợi người vợ, người mẹ. Nhưng sâu xa bên trong, nó lại hướng đến sự bất bình đẳng giới, tạo nên những hình ảnh mặc định về người phụ nữ luôn phải gắn với việc nhà, luôn phải hy sinh cho gia đình.
Ngay cả trên phim ảnh cũng thế, có không ít những bộ phim lấy nước mắt về người vợ, người mẹ hết lòng hy sinh vì chồng con, vẽ lên hình ảnh đẹp đẽ về người phụ nữ cao cả. Những đoạn quảng cáo, bộ phim, tranh ảnh hay sách như thế chính là liều thuốc kích thích độc hại, gây ra những quan niệm bất bình đẳng giới trong xã hội và cũng khiến người phụ nữ nhầm lẫn về vai trò của mình trong gia đình, xã hội.
Mỗi một người trong gia đình đều cần hết lòng chăm chút cho tổ ấm, xuất phát từ trách nhiệm, từ tình thương. Đó là sự vun vén, chăm sóc, lo toan. Nhưng hoàn toàn không cần đến sự “hy sinh”. Một gia đình chỉ thực sự vẹn toàn khi mỗi người trong gia đình ấy được là chính mình, có được hạnh phúc tự thân, không đánh đổi.
Bình đẳng được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân
Bình đẳng chính là điều kiện quan trọng nhất để hai cá nhân quyết định chung sống và xây dựng gia đình – đó là thông điệp của Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng. Theo đó, việc thực hiện bình đẳng được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân như cùng chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái; được thỏa mãn những nhu cầu cá nhân như giải trí, học tập, tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng; được bàn bạc, trao đổi, tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình…
Bộ Tiêu chí cũng nhấn mạnh, đặc thù mối quan hệ giữa vợ chồng là xuất phát từ tình yêu, từ những cảm xúc, mong muốn, quy ước riêng tư nên sự bình đẳng không phải được thực hiện một cách cứng nhắc, cào bằng mà cần có sự linh hoạt, mềm dẻo, dựa trên năng lực, sở trường của vợ và chồng. Bảo vệ quyền bình đẳng của vợ chồng trong mọi mặt đời sống đòi hỏi cả hai cá nhân nỗ lực để thực hiện mọi nghĩa vụ, quyền lợi của mình. Có như vậy bình đẳng mới được thực hiện.
Ở góc độ các sản phẩm truyền thông gây ra những quan niệm bất bình đẳng giới trong xã hội, Luật Bình đẳng giới có nêu rõ nghiêm cấm các hành vi: “Sáng tác, lưu hành, cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kỳ thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới”. Luật Quảng cáo cũng cấm những hành vi “Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật”.