Phụ nữ là phải khéo?
Thông tin từ nhiều tổng đài tư vấn phòng chống BLGĐ cho thấy, không cứ gì trong thời gian dịch bệnh, mà cả trước đó, nguyên nhân của không ít vụ BLGĐ đến từ sự không hài lòng của các ông chồng với vợ mình do những sinh hoạt đời thường như: nấu ăn không ngon, đi chợ không khéo, dọn nhà không sạch, trông con không đảm…
Và trong giai đoạn cách ly xã hội, khi vợ chồng ở nhà nhiều hơn thì những sự hài lòng đó càng tăng thêm cộng với tính ích kỷ cá nhân sẵn có của nhiều người chồng. Với họ, vợ phải là siêu nhân để có thể vừa làm việc cơ quan online, vừa làm việc nhà, vừa trông con, còn chồng giúp được thì tốt, không giúp cũng không được than phiền.
Còn nhớ, tại Malaysia, sau khi Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo lệnh hạn chế đi lại được kéo dài đến ngày 14/4 để kiểm soát dịch bệnh, Bộ Phụ nữ và Gia đình Malaysia đã đăng lên mạng xã hội một số lời khuyên dành cho phụ nữ nước này nhằm tránh tình trạng xảy ra cãi vã giữa vợ chồng trong thời gian nghỉ nhiều ở nhà để tránh dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ này hướng dẫn: “Nếu bạn thấy chồng bạn làm việc gì đó ngược theo cách làm của bạn, hãy tránh cằn nhằn”; “nên bắt chước giọng Doraemon vừa nói vừa biểu hiện sự nhu mì và cười nữ tính”...
Mặc dù lời khuyên của Bộ Phụ nữ và Gia đình Malaysia sau khi được công bố đã nhanh chóng vấp phải phản ứng của Hội hành động vì tất cả phụ nữ (AWAM) vì đó đích thị là những lời khuyên “phân biệt giới tính”. Trước áp lực dư luận, Bộ Phụ nữ và Gia đình Malaysia đã gỡ bỏ những lời khuyên phụ nữ phải làm vui lòng chồng ra khỏi tài khoản mạng xã hội của Bộ.
Tại tọa đàm online với chủ đề “Bạo lực giới thời Covid” do Trung tâm CSAGA tổ chức, bày tỏ quan điểm về mệnh đề “phụ nữ là phải khéo”, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc CSAGA cho rằng, mặc dù Bộ Phụ nữ và Gia đình Malaysia đã gỡ bỏ những lời khuyên nhưng cũng kịp cho thấy một thực tế là BLGĐ luôn có nguyên nhân từ định kiến giới.
“Xưa nay các nước châu Á, trong đó có Việt Nam cho rằng người phụ nữ là người phải chịu trách nhiệm chính về sự ấm lạnh trong gia đình mình, nếu không biết nấu ăn ngon, giữ nhà đẹp là phụ nữ tồi. Trong thời Covid, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có nhiều chuyển đổi để từ đó nhận ra nhiều thứ như bên cạnh việc hiểu nhau, thương nhau hơn thì cuộc sống bên nhau cả ngày cũng có thể phá vỡ điều người ta đã cố gắng giữ dù chỉ là giả tạo trước đây”, bà Vân Anh nói.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, xuất hiện những hội nhóm trên mạng xã hội để mọi người cùng sẻ chia cảm xúc tích cực. Các nhóm như Y.N, N.N với số lượng thành viên tham gia đông đảo và thường xuyên chia sẻ hình ảnh những món ăn khéo léo, ngon lành, những ngôi nhà được chăm chút ấm cúng, đẹp đẽ đã thực sự là động lực, là niềm vui để nhiều người vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, trong mắt các chuyên gia phòng chống BLGĐ thì đằng sau những bức ảnh mang giá trị tích cực của chị em phụ nữ chia sẻ trên mạng cũng có thể là những nỗi đau giấu kín của nạn nhân của BLGĐ.
“Sống ảo và những chia sẻ đôi khi là một cách để một bộ phận chị em giải tỏa căng thẳng, giải tỏa sự bí bức mà họ hàng ngày phải đối mặt. Còn nhớ, trước đây, khi tôi lập ra fanpage “Yêu thương và tự do”, tôi bị sốc khi đọc tin nhắn của những người mà mình quen như đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm. Họ đều thành đạt, có địa vị trong xã hội.
Họ xuất hiện trước mặt mọi người và trên mạng xã hội với những hình ảnh hạnh phúc viên mãn. Nhưng bất ngờ với câu chuyện sau đó là rất nhiều người tỏ ra hạnh phúc nhưng thực ra lại là nạn nhân bị BLGĐ. Thậm chí, có người phụ nữ bị bạo lực thường xuyên đến nỗi phải tháo cánh cửa ngăn giữa các phòng với nhau để chạy thoát cho nhanh. Trên fanpage “Yêu thương và tự do” họ mới dám chia sẻ những cảm xúc thật của mình”, bà Vân Anh cho biết.
Trở thành nạn nhân của chính mình
Đối lập với nhóm “Y.B”, “N.N” thì thời gian qua trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhóm “G.B.K.N.N” để những người không thích hoặc không khéo léo trong công việc nhà có thể chia sẻ nỗi niềm của mình. Nhà quay phim Christopher Dinh- người thành lập group này đã chia sẻ về mục đích thành lập nhóm rằng: “Áp lực gia tăng khi vợ, chồng là thành viên của các group đầy ắp những món ăn ngon, những căn nhà đẹp.
Việc ngắm, khen chồng/vợ/nhà người ta quá nhiều có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc, cũng như tạo tâm lý hoang mang, tự ti với bản thân. Thậm chí, có lúc, có nơi, có người không thể kìm chế bản thân được đã sử dụng hình ảnh của người khác để sống ảo, hòng đắm mình trong những lời tán dương, ca tụng.
Mạng có thể ảo nhưng ảnh cuộc sống nhất định phải thực. Chính vì thế, tôi tạo group này để mọi người giải trí, thư giãn, vui vẻ, để sống thật với bản thân”. Có lẽ từ tiêu chí sống thật này mà thành viên của nhóm tăng lên chóng mặt từng ngày.
Và điều này cũng cho thấy, xưa nay phải chăng xã hội nói chung và những người đàn ông nói riêng đã tạo áp lực lên phụ nữ quá nhiều. Nhưng họ đâu biết rằng, khi áp đặt lên phụ nữ những định kiến thì vô hình trung họ cũng đang quàng vào cổ họ “cái ách” của sự phân biệt và trở thành nạn nhân của chính sự phân biệt ấy.
Về điều này, PGS.TS Nguyễn Phương Mai - Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan từng nêu quan điểm: “Sự kỳ thị giới luôn là đồng xu hai mặt. Khi phụ nữ bị biến thành siêu nhân ba đầu sáu tay để có thể làm việc gấp hai người thường giỏi việc nước, đảm việc nhà thì đàn ông cũng trở thành nạn nhân của chính sự phân biệt ấy…
Xã hội thiếu bình quyền cơ hội cũng là một xã hội mà đàn ông phải chịu đựng nhiều áp lực không thể dễ dàng bày tỏ: Phải mạnh mẽ, phải kiếm tiền, phải làm chủ gia đình, phải nuôi được cho vợ con, phải sống kiểu “nam vô tửu như cờ vô phong”, phải “vinh thân phì gia”, đó là chưa kể phải có con nối dõi tông đường nếu không muốn phạm tội bất hiếu.
Trớ trêu thay, những áp lực đó chính là hệ quả của những áp lực với phụ nữ. Đàn ông văn minh ai cũng hiểu rằng, giải thoát cho phụ nữ cũng là giải thoát cho chính mình. Để chính mình không bị áp lực phải thành người tài và nguời phụ nữ bên mình không bị đánh giá chỉ bằng thước đo của phù du…”.