Những nhà may áo dài trăm năm trên phố cổ Hà Nội

(PLVN) - Tại mảnh đất kinh kỳ đầy nét đẹp xưa cũ, hình ảnh những nhà may áo dài truyền thống vẫn luôn là một dấu ấn đặc trưng nơi đây. Và cho đến nay sau gần trăm năm đổi mới, Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm thì dấu ấn đó vẫn còn tồn tại giữa lòng phố cổ nhộn nhịp.

Nét đẹp áo dài giữa lòng phố cổ

Hà Nội vốn luôn được biết đến với nét đẹp cổ kính sâu lắng và nhẹ nhàng của vùng đất đã trải qua nghìn năm văn hiến. Nét đẹp cổ kính không chỉ đến từ cảnh sắc nơi đây mà còn đến từ con người, từ cuộc sống. Những dấu ấn về phong tục, về phố nghề vẫn còn vương đọng trong các khu phố cổ, các nếp nhà tại Hà Nội. Đối với nghề may áo dài truyền thống cũng vậy, từ xa xưa đến nay những nhà may áo dài với tuổi nghề trăm năm vẫn tồn tại.

Ở giữa lòng Thủ đô muốn tìm một hàng may áo dài truyền thống không khó, chỉ cần lên tra Google sẽ hiện lên một loạt những thương hiệu may áo dài nổi tiếng. Thế nhưng, nếu muốn may một chiếc áo dài truyền thống mang hơi hướng xưa cũ, đậm đà bản sắc Hà Nội có lẽ người ta sẽ nhớ về những nhà may áo dài trăm năm ngụ trên phố cổ Thủ đô.

Hà Nội từ xưa nổi tiếng với 36 phố cổ, mỗi con phố được đặt tên gắn với mỗi làng nghề truyền thống mang bản sắc riêng như: Mây, tre, hàng mã, lò rèn, hàng than… thế nhưng không có con phố nào là chuyên may áo dài truyền thống. Đến nay vẫn vậy, trên vài con phố chỉ lác đác xuất hiện một vài hàng may áo dài nhưng như thế cũng đủ tạo nên tên tuổi của áo dài phố cổ.

Để nói về áo dài phố cổ có lẽ không thể không nhắc đến “Áo dài Lương Văn Can” nơi nghệ nhân Lê Thị Quyến (1940) lưu giữ nghề áo dài Trạch Xá. Nếu là một người hiểu biết về áo dài có lẽ không còn xa lạ với làng may áo dài truyền thống Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội). Chính vì vậy những nhà may áo dài có chữ “Trạch” trong tên gọi vốn là địa chỉ quen thuộc của nhiều người.

Nhà may Vinh Trạch đã tồn tại hơn hai thế kỷ.

Tiệm may Vinh Trạch của bà Quyến cũng vậy, dù chỉ là một cửa hiệu nhỏ rộng hơn chục mét vuông nằm nép mình trên số 23 Lương Văn Can, không biển hiệu hoành tráng, cầu kỳ nhưng luôn là cửa tiệm được nhiều vị khách tìm đến. Nhìn thoáng qua còn thấy được nhà may Vinh Trạch mang dáng vẻ thân quen của một Hà Nội những năm 1990.

Đã tồn tại hơn hai thế kỷ, tiệm may của gia đình bà Quyến được biết đến là một trong những nơi cuối cùng lưu giữ nghề may áo dài truyền thống ở phố cổ Hà Nội. Theo đó, bà Quyến là hậu duệ thứ tư của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống. Cũng vì thế mà bà Quyến đã bắt đầu học may áo dài từ năm 12 tuổi. Cho đến nay sau gần 70 năm gắn bó với từng đường kim, mũi chỉ và chiếc máy khâu Butterfly cổ bà Quyến vẫn tâm huyết với nghề gia truyền của gia đình.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng đôi bàn tay tài hoa của bà Quyến vẫn chưa từng ngơi nghỉ. Hơn 70 năm qua, mỗi ngày bà đều dành tâm huyết của mình với áo dài, với việc làm đẹp cho phái nữ. Chính vì cái tâm với nghề đó mà mặc cho biết bao nhà may hiện đại mọc lên sau hơn hai thế kỷ nhưng tiệm may giản dị của bà Quyến vẫn là địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Ngoài những khách thân thuộc, còn có nhiều vị khách nước ngoài say mê trước tà áo dài của bà.

Được biết, bà Quyến sinh được 7 người con, trong đó người con trai cả và người con gái thứ 5 đã nối nghiệp bà Quyến, xây dựng thêm cơ sở riêng trên phố Lương Văn Can. Tính đến nay, gia đình bà Quyến đã có năm đời làm nghề may đo áo dài. Và có lẽ trong tương lai nghề truyền thống của gia đình sẽ còn có thêm nhiều đời khác.

Ngoài những cửa hiệu có chữ “Trạch” thì những cửa hiệu may áo dài truyền thống gắn với chữ “Mỹ” cũng có xuất thân từ làng nghề áo dài Trạch Xá. Trong đó, tiệm may Mỹ Hào ở Cầu Gỗ là một trong những địa chỉ quen thuộc, gắn bó với nhiều người yêu áo dài truyền thống. Cũng giống như hầu hết các cửa hàng trên phố cổ, tiệm may Mỹ Hào có mặt tiền hẹp, chỉ chừng hơn một thước. Thế nhưng, trong không gian nhỏ bé ấy lại lưu giữ cả một thế hệ may áo dài truyền thống.

Được biết, chủ cửa hàng Mỹ Hào là ông Lê Văn Hào, người xuất thân từ làng nghề áo dài Trạch Xá. Lúc trẻ sau khi có cái nghề, ông đã theo cha chú lên phố mở hiệu may ta. Thoạt đầu là cửa hàng của ông chú Mỹ Thịnh ở ngôi nhà 26 phố Cầu Gỗ. Dần dần ông tự gây dựng được cửa hiệu của riêng mình với cái tên Mỹ Hào ở số nhà 82 Cầu Gỗ.

Giờ đây sau hơn nửa thế kỷ, ông đã truyền nghề lại và chọn giao việc cửa hàng cho cô con dâu thứ hai của mình. Các người con khác của ông Hào cũng đang nối nghiệp truyền thống của gia đình với những cửa hiệu như: Hiệu may Mỹ Sơn ở nhà số 92 phố Cầu Gỗ do người con trai út gây dựng, hiệu Mỹ Nga ở phố Nghĩa Dũng là của người con gái. Những cửa hiệu này đều rất đắt khách. Hay ở 116 phố Hàng Bông cũng là địa chỉ được nhiều người biến đến là cửa hiệu của ông Mỹ Vinh - người cháu gọi ông Mỹ Hào là chú ruột, đã truyền nghề cho các thế hệ con cháu.

Nơi gìn giữ nét đẹp truyền thống của áo dài

Từ xưa đến nay, áo dài vẫn luôn là trang phục truyền thống và là nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là trang phục, áo dài còn gắn bó vô cùng thân thiết với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Chính vì lẽ đó mà công việc của những người thợ may áo dài thật đặc biệt, hơn cả là một cái nghề đây còn là nơi gìn giữ nét đẹp truyền thống của áo dài.

Áo dài xưa mang đạm bản sắc Hà Nội.

Để làm ra được một chiếc áo dài, người thợ may phải vô cùng tỉ mỉ ở mọi công đoạn. Từ lấy số đo, đánh dấu, cắt vải, tạo ra dáng áo,… cho đến khi chiếc áo dài thành hình đến tay khách đều vô cùng quan trọng, dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhất. Bởi những sản phẩm họ làm ra không chỉ đơn thuần là quần áo, là thời trang hay để làm đẹp cho người mà hơn cả mỗi một chiếc áo dài đều mang nét đặc trưng của bản sắc Việt.

Thế nhưng, trong xã hội phát triển, hình ảnh những tiệm may áo dài truyền thống dần mai một. Giờ đây những cửa hiệu may áo dài với biển hiệu nguy nga, lộng lẫy xuất hiện ngày một nhiều, áo dài thì vẫn đẹp đó nhưng dấu ấn xưa lại khó có thể thấy. Vậy nên, những cửa tiệm như tiệm Vinh Trạch, Mỹ Hào chính là những “viên ngọc sáng” của Thủ đô. Là nơi để mọi người ghé tới mỗi khi nhớ về áo dài truyền thống Hà Nội.

Tuy nhiên, những cửa tiệm giống như vậy không còn nhiều một phần cũng bởi những nghệ nhân đều đã đến ngưỡng an hưởng tuổi già, không thể tiếp tục làm nghề được nữa. Có những gia đình con cái sẽ tiếp tục nối nghiệp nhưng cũng không ít gia đình vì con cháu có những định hướng riêng mà đành lụi nghề. Chả thế mà theo thời gian, ngày càng ít đi những cửa hàng may đo áo dài truyền thống lâu đời.

Thế nhưng, vẫn còn đó những gia đình có đến năm thế hệ liên tiếp làm nghề may áo dài với tâm huyết được đặt lên hàng đầu. Hay những gia đình sẵn sàng truyền lại cho các thế hệ con cháu những bí quyết cách may từ đời cụ truyền lại để lập nghiệp, để tiếp nối những mạch nguồn truyền thống. Cứ thế mà “tre già măng mọc”, thế hệ này lại tiếp nối thế hệ trước với cái nghề may áo dài truyền thống.

Và cũng nhờ những cửa tiệm lâu đời đó nên những chiếc áo dài vẫn được may theo lối cổ của người Hà Nội, vẫn mang hơi thở xưa cũ và nét đẹp cổ kính của một thành phố nghìn năm văn hiến. Vậy nên, việc tiếp tục phát triển nghề may áo dài truyền thống của gia đình không chỉ để duy trì văn hoá “cha truyền con nối” mà còn là cách để giữ gìn hồn cốt Việt qua chiếc áo dài mãi mãi về sau.