Những “nữ thần” không im lặng

(PLO) -Xâm hại tình dục là câu chuyện không dễ dàng bộc lộ. Nhưng càng bị che giấu, thì bạo lực tình dục càng âm thầm gây hại và phát triển. 52,8% của 185 người phụ nữ được hỏi cho biết họ từng bị chồng/ bạn tình cưỡng ép tình dục; 6 tháng đầu năm 2017 xảy ra 805 vụ xâm hại tình dục trẻ em; 86% nghi phạm của vụ bạo lực tình dục là người quen của nạn nhân. Vì thế, cần phải lên tiếng để chấm dứt tình trạng bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái. 
 
Nữ họa sĩ Hiratsuka Niki
Nữ họa sĩ Hiratsuka Niki

Và đây cũng là lý do mà nữ họa sĩ Hiratsuka Niki làm hành trình đi khắp thế giới để vẽ 1001 chân dung “nữ thần” - những người phụ nữ đã từng bị xâm hại tình dục. 

Chuyện của người vẽ “nữ thần”

Trong 1001 bức chân dung “nữ thần” đó có cả chân dung của chính nữ họa sĩ Hiratsuka Niki bởi cô cũng chính là nạn nhân bị chính người bố đẻ của mình xâm hại tình dục. Hiratsuka Niki có bố người Anh, mẹ người Nhật Bản nên ngoại hình của cô mang nhiều nét châu Á. Cô có một cuộc sống khó khăn vì hành động tồi tệ của người bố đẻ đã ảnh hưởng đến mọi thứ trong đời sống của cô. 

Sống với tâm lý nặng nề một thời gian dài rồi Hiratsuka Niki  nhận thức ra một điều rằng nếu dũng cảm đối diện và nói lên điều khủng khiếp đã xảy ra khi còn nhỏ, cô có thể giải thoát bản thân khỏi quá khứ của chính mình. “Tôi đã thông báo tại triển lãm cá nhân của tôi ở Sydney rằng tôi đã bị cha tôi lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Bằng cách chia sẻ nó một cách công khai, tôi đã có thể nhận ra rằng những gì đã xảy ra với tôi không phải là lỗi của tôi. Mặc dù không dễ dàng nhưng tôi đã khám phá ra rằng mọi người thực sự quan tâm, ủng hộ và thậm chí biết ơn vì tôi chia sẻ câu chuyện của tôi với họ. Sau đó, những phụ nữ khác đã trải qua những điều tương tự và tiếp cận tôi, nói với tôi rằng khi họ nghe câu chuyện của tôi, họ cảm thấy bớt cô đơn. Họ nói rằng câu chuyện đã cho họ thêm sức mạnh, họ cũng bắt đầu thực hiện các bước để phá vỡ sự im lặng của họ và bước vào một cuộc sống tự chủ hơn” - Hiratsuka Niki  cho biết. 

Từ nhận thức này, Hiratsuka Niki đã có ý tưởng để đi du lịch vòng quanh thế giới vẽ 1001 chân dung của những người phụ nữ sẵn sàng chia sẻ câu chuyện về lạm dụng tình dục của họ. Dự án của cô sẽ là một cách để phụ nữ phá vỡ sự im lặng, được lắng nghe, nâng cao nhận thức và tạo cảm hứng cho sự thay đổi trên toàn thế giới. Sau khi vẽ 5 phụ nữ ở Sydney, Hiratsuka Niki chuyển đến Hà Nội, Việt Nam vì cô đã sống ở đây năm 2009-2010 và đã học được tiếng Việt, yêu đất nước và con người Việt Nam.

Một lý do nữa khiến Hiratsuka Niki chọn dừng lại ở Việt Nam vì thời gian gần đây chủ đề lạm dụng tình dục đã được công khai trong các cuộc trò chuyện, trên truyền thông ở Việt Nam, bị dư luận xã hội lên án, được pháp luật bảo vệ. Và tất nhiên sẽ có những phụ nữ muốn công khai nói về trải nghiệm của mình nhằm mang lại thay đổi. Bức chân dung đầu tiên tại Việt Nam đã được Hiratsuka Niki  thực hiện vào tháng 3 năm nay.

Trang Nguyễn và câu chuyện của mình
Trang Nguyễn và câu chuyện của mình

Chuyện của những “nữ thần”

Trang Bùi là cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu, đôi mắt biết cười. Nhìn cô không ai nghĩ cô đã từng phát điên vì bị lạm dụng tình dục. Cô kể lại câu chuyện của mình: “Khi tôi đang học năm nhất đại học, tôi có bạn trai và một vài người bạn là con trai. Một người trong số đó là bạn của bạn trai tôi, tôi gọi là “anh trai” bởi vì bọn tôi thân với nhau. Cả ba ở cùng một câu lạc bộ nhảy và được chọn vào đội hình tham dự giải vô địch toàn quốc. Khi chúng tôi vào Sài Gòn thi đấu, tôi bị ngất do lao lực. Tôi lập tức được đưa vào viện và được điều trị. Khi trở về chỗ nghỉ, tôi phải nằm trên giường cả ngày hôm sau để nghỉ ngơi. Ký ức tối hôm sau trống không do mọi người đều ra ngoài để ăn mừng thành công của cả đội trong cuộc thi. Nhưng, khoảng 2h sáng, tôi có cảm giác anh trai đi lên giường và sờ soạng ngực tôi. Lúc đó tôi mệt mỏi, mê sảng và tưởng rằng tôi nằm mơ. Tôi đẩy anh ra và bảo anh đi đi, nhưng anh chỉ dịch ra và ở nguyên trên giường. Tôi không biết tại sao mình giữ im lặng và anh lại làm cái việc đó. Lần thứ hai, tôi đẩy anh ra. Đến sáng, khi có sức để đứng dậy, những sự kiện của buổi tối đó tái hiện lại trong tâm trí tôi. Cuối cùng, tôi cũng thấy được rằng chúng là thật. Tôi đã nghĩ: “Wow, cái việc ấy đã xảy ra và người đấy lại là anh trai mình”. Có lẽ bởi vì anh là bạn tôi nên tôi không muốn ai biết về việc đó. Nhưng sau đấy tôi như lên cơn điên. Bạn tôi bảo rằng lần này tôi đã hơi mất kiểm soát. Không thể ngừng la hét mặc dù không ai hiểu được tôi nói gì. Tôi cảm thấy như vào thời điểm ấy có cái gì trong tôi tan vỡ. Trải nghiệm đó ảnh hưởng rất nhiều đến tôi, nhưng tôi cảm thấy tốt hơn nhiều sau khi nói ra câu chuyện”.

Trang Nguyễn có mái tóc ngắn cá tính và khuôn mặt dường như không có chỗ cho sự yếu đuối. Nhưng ẩn sau vẻ mạnh mẽ ấy là một vết thương không thể lành da suốt những năm tháng tuổi thơ: “Lúc đó tôi 8 tuổi. Tóc hung và ngắn như con trai. Tôi mặc một chiếc váy vàng, lấm tấm chấm xanh ở thân dưới, nom cũng đáng yêu. Nhiều lần tôi nhớ lại và nghĩ về việc đời sống cá nhân bị ảnh hưởng như thế nào bởi chuyện đó. Tôi có cảm giác sợ hãi nếu bắt gặp một nhóm đàn ông lạ. Tôi khó chịu khi nghe người khác nói bộ phận trên cơ thể mình “ngon”, “chuẩn”. Tôi cảm thấy giống như bản thân lúc nào cũng có thể rơi vào tình huống ấy lần nữa. Ở thế bị động là điều rất đáng sợ đối với tôi... Sự im lặng lúc đầu có thể dễ chịu, nhưng sau dần sẽ làm tê liệt cảm xúc, để đến một lúc nào đó, tôi không còn cảm nhận thấy gì nữa. Khi tôi lựa chọn việc kể lại cho những người khác, mối liên kết sẽ xuất hiện và chữa lành những vết thương”.

... Kể về hành trình thực hiện “1001 chân dung Nữ thần” ở Việt Nam, họa sĩ Hiratsuka Niki chia sẻ: “Tôi quyết định mang dự án của mình tới Việt Nam, vì đây là nơi mà rất nhiều phụ nữ không dám dùng danh tính thật của mình để chia sẻ câu chuyện của họ về lạm dụng tình dục. Nhưng tôi đã phát hiện ra những phụ nữ, từng người một, sẵn sàng để bước lên phía trước và đẩy lùi những rào cản, bất chấp tất cả mọi thứ. Hầu hết họ đều lo ngại cho sự an nguy của thế hệ trẻ tương lai tại Việt Nam. Sự che chở dành cho các em gái chỉ có thể được bảo đảm bằng nhận thức, giáo dục và hiểu biết sâu xa hơn về vấn đề này. Do đó, họ phá vỡ sự im lặng của mình”. 

Triển lãm “1001 chân dung Nữ thần” tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền phụ nữ (UN Women) và sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nhằm hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái của Liên Hợp Quốc và Tháng hành động Quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới.

Đọc thêm