Như đã trình bày ở kỳ trước, tín ngưỡng thờ Phật mẫu Man Nương và 4 người con của bà là Tứ Pháp là tín ngưỡng độc đáo duy nhất có ở Việt Nam, được khởi phát từ cuộc sống lao động của người Việt cổ với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, công cụ và kỹ thuật lao động thô sơ, phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên nên gửi gắm tâm nguyện vào các vị thần nắm giữ quyền lực điều tiết thiên nhiên. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp như một mạch nguồn xuyên suốt chiều dài lịch sử, trở thành nét văn hóa tâm linh đặc sắc của dân tộc.
Theo Thượng Tọa Thích Phước Đạt, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam, từ truyền thuyết về sự ra đời của Tứ Pháp có thể thấy rằng, tình hình sinh hoạt Phật giáo nước ta bấy giờ đã được bản địa hóa rõ ràng cụ thể.
Nếu như ở giai đoạn buổi đầu, vai trò Phật giáo quyền năng, được thiết lập một cách rõ ràng cụ thể để Phật giáo dễ dàng thâm nhập tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt. Từ Chữ Đồng Tử, Tiên Dung và nhà sư Phật Quang, rồi đến Tu Định và Man Nương và sư Khâu Đà La, thực chất đây là cả quá trình tiếp biến, bản địa hóa đạo Phật, khiến cho Phật giáo có vị thế vững chắc trong lòng dân tộc, tạo nên sắc thái đặc biệt của Việt Nam.
Do đó, sự ra đời hệ Phật Tứ Pháp là quy luật lịch sử tất nhiên. Nó là cơ sở lý luận để phát huy các yếu tố cơ bản, tích cực để phát huy ý thức tự chủ của dân tộc trước sự xâm lăng và ý đồ đồng hóa của phong kiến Trung Hoa. Một mặt, giới Phật giáo cộng đồng người Việt nỗ lực bản địa hóa giáo lý cơ bản như nhân quả, nghiệp báo luân hồi, về Phật, Pháp, Tăng của nhà Phật theo đạo lý truyền thống và tín ngưỡng đa thần, được diễn đạt theo cách hiểu và ngôn ngữ Việt bấy giờ.
Chẳng hạn, trong Lý hoặc luận viết: “Phật là nguyên tổ của đạo đức, nguồn gốc thần minh. Phật là thức tỉnh, ngài có biến hóa thần thông, phân thân tán thể, khí có đó, khi không đó, khi lớn khi nhỏ, khi già khi trẻ, khi ẩn khi hiện, lửa đốt không được, đao không đâm được, trong bùn không nhiễm, giữa họa không bị tai ương, khi đi thì có thể bay, khi ngồi hào quang chiếu sáng. Đó là Phật”. Mặt khác, giới Phật giáo cũng nhiệt tâm xây dựng hình tượng Phật được cụ thể cho phù hợp tư tưởng người Việt.
Và như vậy, người Việt giải trình vấn đề bản địa hóa đạo Phật bằng thể nhập niềm tin và chuyển hóa thân tâm. Con người có thể vươn tới những quyền năng bằng sự tu thân, phải hiếu thảo cha mẹ, sống có nhân nghĩa, không lấy của không cho, không tà dâm… để trở thành những con người có phẩm tính cao cả, lên trời, đi trên hư không, không vẫy đục trong bùn như Lục độ tập kinh mô tả hay như trong Lý hoặc luận mà Mâu Tử định danh là một vị Phật.
Ngoài ra, hình ảnh Tứ Pháp còn tương ứng với một chủ đề quan trọng trong Phật giáo Đại thừa đó chính là Tứ Vô lượng Tâm: Đại Từ, Đại Bi, Đại hỷ, Đại Xả. Trong đó: “Từ, đại từ” là mong muốn chúng sinh được sung sướng, như đám mây che mát tất cả chúng sinh, che chở khỏi khổ đau - Đám mây Pháp Vân. “Bi, Đại Bi” chính là lòng thương xót chúng sinh, muốn chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ, được đại biểu bằng mưa, giống như giọt nước mắt - Pháp Vũ. Điều này tương đồng trong tín ngưỡng Việt về thoải Phủ, các vị thánh thuộc Nước thường có truyện tích buồn dễ khóc. “Hỷ, Đại Hỷ” mang ý nghĩa tự mình vui mừng thay cho kẻ khác khi họ làm được điều thiện, thành công, hạnh phúc - Tiếng Sấm - Pháp Lôi.
Người Việt có câu ca dao “Lúa chiêm lấp ló đàu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Cuối cùng “Xả, Đại Xả” không gì khác chính là sự xả ly khỏi các bán chấp; mọi sự trên đời như giấc mộng, như tia chớp lóe lên rồi vụt tắt. Mọi sự có hình đấy mà không có thực chất không thể nắm giữ, mà không năm giữ thì phải xả ly, buông bỏ mọi bám chấp - Tia sét - Pháp Điện.
Nếu Ấn Độ có một Đức Phật Thích Ca lịch sử thì khi đạo Phật vào Giao Châu, với tinh thần khế lý khế cơ, quá trình bản địa hóa đó đòi hỏi cần tái tạo một hình ảnh những vị Phật xuất phát từ trong cội rễ văn hóa nước nhà. Tứ Pháp được hình thành từ trong hiện thực lao động của nền nông nghiệp sơ khai, thật bình dị và gần gũi của người Việt cổ để cầu nguyện, gởi gắm tâm tư nguyện vọng của mình.
Cho nên, các vị Phật của cộng đồng người Việt bấy giờ phải có những yếu tố người Việt thật, mang dáng vóc và gương mặt người Việt. Vì vậy thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Sét đã hóa thành hệ Tứ Pháp. Hẳn nhiên trong tâm thức người Việt, thần điện người Việt đã có những vị thần này hiện hữu. Để rồi một ngàn năm sau, vào thời Trần ta có Phật hoàng Trần Nhân Tông làm rạng rỡ ba lần lãnh đạo dân ta đánh tan quân Nguyên- Mông, mở bờ cõi phương Nam, phục hưng văn hóa Đại Việt. Và như vậy, trải qua từng giai đoạn lịch sử ứng với các triều đại, tín ngưỡng Phật Tứ Pháp đã có một vai trò lịch sử rất to lớn trong việc phát huy nội lực, đề cao ý thức độc lập tự chủ, gìn giữ và phục hưng bản sắc văn hóa dân tộc Đại Việt.
Đến triều Nguyễn, các vị vua từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… tiếp tục tôn thờ và phát huy những giá trị tâm linh, cũng những giá trị nhân văn, văn hóa, văn học, mỹ thuật… mà hệ Phật Tứ Pháp đem lại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ văn hóa dân tộc.