Những tai nạn lao động kinh hoàng từ máy cắt cỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sử dụng máy cắt cỏ để phát rẫy, cắt cỏ nhưng có không ít người bất cẩn mất chân, mất tay, người phải nằm bẹp vì các biến chứng nguy hiểm. Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ và an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Giữa tháng 11/2021, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nối lại cẳng chân bị đứt rời cho một bệnh nhân bị máy cắt cỏ cắt lìa chân.

Bệnh nhân là L.V.T (38 tuổi, trú tại Văn Chấn, Yên Bái). Khi đang cắt cỏ, lưỡi của máy cắt cỏ va chạm vào thân cây và bật văng ra khỏi máy, sau đó, bật trở lại vào chân bệnh nhân khiến bàn chân trái bị đứt rời hoàn toàn.

Sau 6 tiếng, kể từ lúc tai nạn, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau khi được thăm khám, hội chẩn liên chuyên khoa, đánh giá tình trạng thương tật, các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, làm sạch, loại bỏ dị vật ở phần cẳng chân bị dập nát. Tiếp đó, thực hiện kết hợp lại hai xương cẳng chân, nối gân và vi phẫu nối lại phần chân bị đứt rời cho bệnh nhân.

Trong năm 2020, liên tiếp những trường hợp tai nạn lao động liên quan đến máy cắt cỏ. Trong đó, một người đàn ông 59 tuổi (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đang làm cỏ cùng với con trai tại nông trường, vô tình máy cắt cỏ bị gãy và văng trúng làm đứt lìa hoàn toàn cổ chân.

Bệnh nhân được sơ cứu và băng cầm máu tại chỗ, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa. Tại đây, đánh giá khả năng có thể giữ được chân nếu bệnh nhân được phẫu thuật nối kịp thời, ekip bác sĩ của bệnh viện tuyến trước đã tư vấn cho thân nhân chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau tai nạn 4 giờ, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ca mổ bắt đầu từ 20 giờ và kết thúc lúc 2 giờ sáng hôm sau.

Khoảng 17h ngày 2/11/2020, Bệnh nhân Trần Văn C (SN1971, địa chỉ Hữu Lũng - Lạng Sơn) đi cắt cỏ ở trên rừng bị máy cắt chém vào chân trái. Trong 1 giờ, bệnh nhân được người nhà đưa thẳng đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng vết thương hở vùng bàn chân trái (gần đứt rời), chảy máu rất nhiều. Sau khi nhập viện, các bác sĩ trong tua trực đã nhanh chóng thăm khám, hội chẩn và tiến hành phẫu thuật.

Sau khi bàn tay phải bị đứt đôi được Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nối thành công, chị Vũ Thị Ét (trú tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cứ nhìn thấy máy cắt cỏ là ám ảnh. Do cầm máy không chặt, giữa lúc máy đang chạy mạnh thì tuột ra, cuốn vào tay phải của chị Ét. Người thân nhanh chóng nhặt được phần tay đứt mang đến bệnh viện, bác sĩ phẫu thuật kịp thời.

Chị Đặng Thị Hà (55 tuổi, trú tại xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) trong khi dùng máy cắt cỏ trong vườn nhà cũng bị máy cuốn đứt đôi bàn tay, nhiều ngón bị dập nát, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng phải trải qua nhiều tiếng đồng hồ mới phẫu thuật thành công.

Còn trường hợp ông Lê Thành Tấn, huyện Ma Đ’rắk (Đăk Lăk) cũng bị thương do máy cắt cỏ. Khi đến bệnh viện, vết thương ở chân đã có biến chứng hoại tử, nên dù đã được chữa khỏi nhưng chân vẫn tê buốt mỗi khi trái gió trở trời.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Nam - trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang) đưa ra lời khuyên: “ Người dân cần chú trọng an toàn trong lao động đặc biệt lao động có sử dụng dụng cụ sắc nhọn. Khi có tai nạn xảy ra cần bảo quản bộ phận đứt rời trong đá lạnh và nhập viện sớm trong vòng 6 tiếng để xử lý vết thương, cứu sống bộ phận bị tổn thương gãy đứt”.

Để đề phòng tai nạn, nhà sáng chế máy nông nghiệp Nguyễn Hải Châu chỉ dẫn: Nên mua máy cắt cỏ, lưỡi dao cắt ở những cửa hàng có kỹ sư, chuyên gia tư vấn hướng dẫn kỹ về cách lắp đặt và vận hành máy an toàn; lựa chọn máy có công suất phù hợp mục đích sử dụng (cắt cỏ dại, phát quang bụi rậm, hay cắt tỉa cây nhỏ, loại lưỡi cắt cỏ chỉ cắt cỏ không cắt cành cây…).

Đối với địa hình bằng phẳng thì người lao động dùng máy cắt cỏ lưỡi dao để cắt; địa hình nhiều sành gạch sử dụng dây cước cắt; cần cắt cỏ cho gia súc, cá ăn thì dùng lưỡi cưa; khi sử dụng máy cắt cỏ phải có quần áo bảo hộ lao động, đi giày kín mũi; đeo găng tay và mắt kính an toàn; không đeo đồ trang sức, mặc áo quần rộng; cần kiểm tra kỹ lưỡi cắt trước khi vận hành máy.

Ông Châu đặc biệt lưu ý, người dùng phải thường xuyên kiểm tra vòng bi của máy cắt cỏ. Cùng một loại lưỡi dao mà khi cắt cỏ voi, khi phát chỗ khô, lúc phát chỗ cỏ ướt, cành cây thì dao nhanh hỏng, vòng bi dính nước cũng rất nhanh hỏng.

“Phải thường xuyên kiểm tra vòng bi bằng cách lắc lưỡi dao để nhận biết độ dơ của vòng bi, khi vòng bi không dơ, cân bằng động tốt máy chạy êm ro, dao không láng, đảo hạn chế được nguy cơ gẫy lưỡi dao”, ông Châu nhấn mạnh.

Đọc thêm