Phải chăng sự suy thoái văn hóa ứng xử của người Việt, mà nhất là những người trẻ đã “chạm ngưỡng”?
Tổn thương vì… điều ước năm mới
Lễ hội Ake Ome! 2015 được xem là sự kiện giao lưu văn hóa sớm nhất của năm mới 2015 tại Việt Nam. Một trong những nghi lễ thiêng liêng trong các lễ hội truyền thống của Nhật Bản nói chung và Lễ hội Ake Ome! 2015 nói riêng là viết và treo bùa gỗ thể hiện những điều ước trong năm mới.
Thế nhưng, nét đẹp văn hóa và thiêng liêng đầu năm của người Nhật đã biến thành thảm họa giao lưu văn hóa tại Việt Nam khi nhiều lời ước được giới trẻ viết lên với ngôn ngữ phản cảm, nội dung tục tĩu như: “Em ước được quan hệ trước 18 tuổi”; “Ước gì của quý tôi dài gấp ba lần bây giờ ”; “Ước thằng Đ. và thằng N. yêu nhau”…
Đây không phải lần đầu tiên người Việt thể hiện mình đang thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về văn hóa ứng xử ở nơi công cộng. Còn nhớ, khi lần đầu tiên sự kiện Vstyle’s Private Sale được tổ chức tại Hà Nội, đã thu hút một lượng khá đông khách hàng. Trong khi những người đến đây cũng đều sang trọng, khoác lên mình những bộ áo quần thời trang đậm mùi nước hoa thơm phức thì lại có những hành động thiếu văn minh, lịch sự như: giữ đồ không cho người khác thử hoặc tranh nhau món đồ mà chỉ còn một chiếc duy nhất, cãi chửi nhau. Thậm chí, để giành nhau mua một chiếc thắt lưng người nắm đầu dây, có người nắm cuối, hai bên giật, kéo mãi không thôi…
Lần khác, cũng tại khách sạn Hilton Hà Nội – khách sạn 5 sao, diễn ra hội thảo giới thiệu về máy điện phân nước của Nhật và Mỹ. Tại hội thảo này, những người có vé mời phần lớn là những người có thu nhập cao vì chi phí của chiếc máy điện phân nước này trên dưới 100 triệu.
|
Những điều ước thảm hoạ, nhảm nhí tại Lễ hội Ake Ome!2015 |
Giữa giờ, một tiệc ngọt buffet giữa sảnh lớn của khách sạn với hàng chục món ăn đẹp mắt và đội ngũ nhân viên lịch sự, tươi cười. Nhưng cũng tại đây, nhiều cảnh trái mắt xuất hiện: nhiều người ra sức gắp thật đầy đĩa, thậm chí còn sẵn sàng bỏ vào túi mang về, những người xếp hàng đứng sau chưa đến lượt thì xô lên vì “sợ hết phần”, dùng tay nhặt… Cảnh tượng thật náo loạn, mất vệ sinh, đồ ăn rơi cả xuống thảm, nền và chỉ vài phút sau, những chiếc bàn kê ngay ngắn trở nên xộc xệch, đồ ăn vung vãi, nhân viên phục vụ lắc đầu, toát mồ hôi. Cảnh tượng ấy đã gây không ít sự chú ý của nhiều vị khách trong khách sạn, trong đó có cả người nước ngoài.
Mạng xã hội là “virus” lây nhiễm "bệnh" ?
Đọc những “điều ước” thô bỉ trong Lễ hội Ake Ome! 2015, nhiều nhà xã hội học cho rằng đây không chỉ là trò đùa nhăng nhít, thói thích chơi trội, thích làm điều ngược đời trước đám đông để chứng tỏ ta đây – những biểu hiện thường thấy của giới trẻ. Mà căn nguyên sâu xa của những hành vi này là sự tự do thái quá của một bộ phận lớp trẻ trong việc nghĩ, viết, bình luận.
Và chính sự bùng nổ mạng xã hội là “virus” gây ra “căn bệnh” này. Những từ ngữ mà trước đây chỉ có thể nghe ở vỉa hè, quán nước, bến tàu, bến xe thì nay tất cả đều có trên mạng xã hội. Và trong một cộng đồng toàn những người tục tĩu nói chuyện với nhau thì sự bậy bạ có tính “lây nhiễm” và được nhân lên gấp bội mà không có ai kiểm soát hay ngăn chặn.
Sau sự kiện “điều ước bậy” ở Lễ hội, Ake Ome! 2015, trả lời báo giới, TS. Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Phát triển – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục đã cho rằng: “Không phải giới trẻ Việt cố tình xúc phạm văn hóa Nhật hay nước Nhật mà thực ra người trẻ không hiểu tính chất linh thiêng của nghi lễ. Điều này bộc lộ “lỗ hổng” của giáo dục văn hóa.
Các em không được dạy tiếp nhận văn hóa. Giáo dục nghi lễ chung cho con em ở trên ghế nhà trường cũng không có. Điều này không những ảnh hưởng tới việc tiếp nhận văn hóa khác mà còn lung lay cội rễ văn hóa của chính chúng ta”.
Đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc trong một bài viết về suy thoái văn hóa cũng đã lo ngại rằng: “Nếu chúng ta không giải quyết từ gốc và có cái nhìn đúng đắn hơn về tầm quan trọng của văn hóa, tôi e rằng sự suy thoái sẽ chạm ngưỡng, đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng lâu nay chúng ta vẫn thường cảm tính để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi vì sao văn hóa xuống cấp. Nhưng thực tế cho thấy đã đến lúc phải có một nghiên cứu thật kỹ, xem nguyên nhân chính của sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức bắt nguồn từ đâu, có tác động ra sao, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập, có nhiều yếu tố chưa được định hình hiện nay./.