Những thần thú trong tâm thức Việt - Kỳ 10: Nuôi chó đá canh phần âm, trừ tà khí

(PLVN) - Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng: người Việt xưa tin rằng “chó sủa ma”, có thể xua đuổi tà ma. Vì vậy ngày trước, ở cổng làng, cổng ngõ xóm mỗi làng Việt đều có tượng chó đá. Cả ở nhiều mộ táng cổ cũng vậy.
Tượng chó đá canh mộ tại lăng đá Quận Vân ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Tượng chó đá canh mộ tại lăng đá Quận Vân ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Vua Âu Lạc chọn đất chó đẻ 

Trong 12 con giáp dùng làm biểu tượng cho chu kỳ 12 năm trong âm dương lịch Việt Nam, thì con chó (Tuất) đứng ở vị trí thứ 11. GS Trần Quốc Vượng còn cho rằng, 12 con giáp ấy còn chỉ 6 cặp âm dương: Tí (D), Sửu (Â), ta có câu ca dao: “con chuột cày ruộng lồi lồi”; Dần (D), Mão (Â) – Hổ và mèo theo sinh học cùng một họ; Thìn (D), Tỵ (Â); Ngọ (D), Mùi (Â); Thân (D), Dậu (Â) và Tuất (D), Hợi (Â) – Chó và lợn đều là hai gia súc bốn chân quen thuộc của nhà nông.

Hình tượng con chó trong truyền thuyết của người Việt được lưu truyền lâu đời và hình thành vào loại sớm nhất. Dân gian truyền rằng, ban đầu An Dương Vương chọn đất Uy Nỗ (Tó) làm nơi xây dựng kinh đô, nhưng đàn chó của vua cứ kéo nhau sang đất Cổ Loa, trong đó có con chó quý tìm đến một khu gò đất lót ổ đẻ con, vì thế vua cho dời đô sang Cổ Loa, dựng cung điện ngay trên gò đất nơi chó đẻ. Với quan niệm “đất chó đẻ là đất quý” nên người dân Cổ Loa trước đây có tục làm nhà trên khu đất chó đẻ con.

Rồi tài liệu thần tích Ngọc phả cổ lục cũng cho biết rằng, bà mẹ vua Lý Công Uẩn tên Phạm Thị Trinh, khi đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn. Khi vua Lý Công Uẩn xuất hiện, con chó bằng đồng đã sủa inh ỏi, rồi vua Lý Công Uẩn lại sinh năm Tuất...

Chính vì cuộc đời huyền thoại của vị vua này luôn luôn liên quan đến Thần Chó mà khi định đô ở Thăng Long, việc lập miếu thờ chó (Thần Cẩu Mẫu, Thần Cẩu Nhi) để canh giữ, bảo vệ kinh thành. Trong dân gian xưa vẫn còn lưu truyền câu chuyện cổ tích nói về “thần tính” của chó đá.

Cặp chó đá khổng lồ canh mộ ông Quận ở cánh đồng làng Đạo Khê, xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên
Cặp chó đá khổng lồ canh mộ ông Quận ở cánh đồng làng Đạo Khê, xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên 

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, có người học trò vào nhà thầy giáo, khi qua cửa thì con chó đá nhỏm dậy tỏ vẻ mừng rỡ. Lấy làm lạ, người học trò hỏi: “Anh em học trò qua đây cũng đông, sao mày chỉ mừng một mình tao?”. Con chó đáp: “Khoa thi này chỉ có mình thầy đậu thôi. Số trời đã định, tôi phải kính trọng mừng thầy”. Người học trò nghe nói vậy liền kể cho cha mẹ nghe.

Từ đó, người cha lên mặt hống hách. Ông ta dắt trâu ra đồng, cho trâu dẫm cả vào lúa non của người khác. Người dân góp ý, ông ta dọa dẫm: “Khoa này con ông đỗ, rồi chúng mày sẽ biết tay ông”. Dân làng nghe ông nói vậy, cũng có lòng sợ, không dám lôi thôi. Nhưng những ngày sau, người học trò đi qua, không thấy chó đá nhỏm dậy vẫy đuôi mừng.

Người học trò hỏi: “Mọi buổi tao qua đây, mày vẫn đứng dậy mừng, hôm nay sao mày không đứng dậy nữa?”. Con chó đá nói: “Tại cha thầy lên mặt hách dịch với dân làng nên Thiên Tào đã gạch tên thầy đi, khoa này thầy không đỗ được nên tôi không phải mừng thầy nữa”. Người học trò đem chuyện kể lại với cha, người cha lấy làm hối hận, rồi từ đó không những không lên mặt hống hách mà còn xin lỗi những người mà mình đã xúc phạm. Khoa ấy, người học trò dù đã lọt qua mấy kỳ nhưng không đỗ thật.

Tuy vậy, người học trò cũng không lấy làm nản, càng chăm chỉ học hành. Người cha cũng không lấy làm oán hận, càng tu thân tích đức để chuộc lỗi. Ba năm sau, người học trò đi qua chỗ con chó đá, lại thấy nó đứng dậy mừng rỡ như trước. Con chó đá bảo: “Nhà thầy tu nhân tích đức đã ba năm nay, đủ chuộc lại những lỗi lầm trước rồi nên sổ Thiên Tào lại định cho thầy khoa này thi đỗ”. Người học trò mừng thầm nhưng không nói cho cha mẹ nghe nữa, chỉ biết ra sức cố học. Khoa ấy quả nhiên thi đỗ cao. 

Chó đá trừ tà đuổi ma

Khi đi theo quân đội viễn chinh Pháp tiến đánh xứ Bắc kỳ, bác sĩ quân y Edouard Hocquard đã đưa ra một cách lý giải về quan niệm của người Việt đối với những thế lực siêu nhiên xấu xa: “tín ngưỡng dân gian cho rằng bọn ma quỷ lẩn quất đâu đây thích xâm nhập vào nhà mọi người để gây điều bất hạnh cho gia chủ.

Nhưng chúng chỉ đi theo đường thẳng được thôi, nên chỉ cần có tường chắn trước cửa là sẽ ngăn được chúng vào nhà để tác oai tác quái” (Dr Hocquard, Une campagne au Tonkin, -Một chiến dịch ở Bắc Kỳ). Vật ngăn chặn như thế thuộc nhiều loại: phổ biến hơn cả là bức “bình phong” xây bằng gạch, đá, hoặc làm bằng tre đan, hoặc là hàng cây, hòn giả sơn, hay là những con chó đá đặt ngay trước nhà, sát cổng vào. Chính bác sĩ Hocquard, khi chụp bức ảnh “Đền thờ ở Nam Định”, đã vô tình chụp luôn một con chó đá rất lớn đặt ở phía hữu khi ta nhìn vào nơi này.

Tượng chó đá canh lăng mộ tổ tiên để giữ tốt âm phần, trừ tà ma.
Tượng chó đá canh lăng mộ tổ tiên để giữ tốt âm phần, trừ tà ma.  

Năm 1919, linh mục Léopold Cadière mô tả hai bức tượng chó ở Nam-phổ Đông (thuộc huyện Phú Vang, Thừa Thiên). “Ở đầu hai ngả đường vào làng, người ta đã đặt trên bệ thờ xây bằng gạch hai con chó đá to chừng nửa thước, bề cao cũng như chiều dài.

Con chó thứ nhất được đẽo thô sơ bằng đá phiến. Tượng này dùng để bảo vệ những nhà ở phía sau, hầu tránh được điều dữ […]. Người ta đồn rằng pho tượng rất thiêng, và được thiên hạ kính cẩn cắm nhang thờ giữa những vòng hoa, những chiếc bình vôi đã bỏ và những ông đồ rau”.

Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải ‘’nuôi’’ chó đá. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ. 

“Tượng thứ nhì, được đẽo cẩn thận hơn, nhưng lại không mỹ thuật bằng và không giống lắm. Tượng xoay đầu về hướng đường từ bờ lạch đi lên, nơi ấy chung quanh là bãi tha ma. Chức năng của bức tượng là để khử những ảnh hưởng xấu xuất phát từ con đường này và từ la liệt những ngôi mộ. […]

Tượng này cũng nổi tiếng ngang như tượng trước, và cũng được dân chúng kính cẩn thờ. Cả hai đều là "Thần-cẩu”. Linh mục Cadière lý giải như sau: “Người ta nuôi chó trong nhà là để nó bảo vệ gia chủ, đuổi những người lang thang và kẻ trộm […].

Cũng từ những suy diễn tương tự từ thế giới tự nhiên đến thế giới siêu nhiên như thế, con người đã dùng những vật liệu như phiến đá, mỏm đất để khử ảnh hưởng xấu của cái lạch, con đường. […].

Người ta dùng chó là con vật trong thiên nhiên đã được thuần dưỡng, với thể thức suy diễn của lý trí như sau : con chó, vật giữ nhà rất dữ chống những kẻ thù hiển nhiên, một khi đã được thần thánh hóa, thì cũng rất dữ để chống lại những kẻ thù siêu nhiên”.

Theo các nhà khảo cổ học từ thời kỳ đồ mới ông, cha ta đã nuôi chó, trong nhiều di chỉ khảo cổ thời kỳ này các nhà khảo cổ đã tìm được di cốt của loài chó thuần dưỡng. Chó trong di chỉ khảo cổ Đa Bút (Thanh Hóa) có niên đại cách đây khoảng 6000 năm trước.

Đó là di tích chó nhà cổ nhất ở nước ta. Trống đồng trong văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm, trên thuyền có 4 người và 1 con chó săn béo bụ bẫm. Tượng chó bằng đồng có niên đại 3.000 năm cũng đã được phát hiện ở Dốc Chùa (Bình Dương). Hình khắc chó đón hươu trên rìu đồng tìm được ở nhiều nơi ở nước ta như Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa…

Đọc thêm