Loài chim huyền thoại
Theo “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, phượng hoàng là một loài chim huyền thoại, có nguồn gốc từ xứ Éthiopie, có vẻ đẹp rực rỡ vô song, sống lâu khác thường và có được phép màu sau khi đã tự thiêu trên giàn lửa rồi lại tái sinh.
Trong truyền thống Á Đông, chim phượng được coi là có “cái mỏ của gà mái, cổ của rắn, trán của chim én, lưng của rùa và đuôi của cá”. Là con vật không có thực nhưng chim phượng được coi là hội tụ vẻ đẹp, sức mạnh của một số loài chim và các loài khác để tôn sùng tính chất linh thiêng. Nó “trở thành biểu tượng của tầng trên/bầu trời, của nguồn sinh lực thiêng liêng, hiện thân của thánh nhân/người tài… là biểu hiện cho ước vọng của người Việt trong mối quan hệ với thần linh và với ước vọng cầu phúc”.
Nếu như rồng được xem là đứng đầu trong các loài bò sát, biểu tượng của sự sinh sôi, của phương Đông, của mùa Xuân thì chim phượng được tôn vinh là nữ hoàng của các loài lông vũ, là biểu tượng của mặt trời, lửa, phương Nam, mùa hạ. Chỉ xuất hiện vào thời bình thịnh trị và ẩn mình khi có loạn lạc, do đó chim là biểu tượng cho sự đảm bảo thái bình. Chính vì thế hình ảnh chim phượng ở hoàng cung còn như là sự tán dương thêm vào niềm kiêu hãnh của vị hoàng đế. Ý rằng, thời hoàng kim yên bình nên có chim phượng xuất hiện. Chim phượng thường được thể hiện đứng trên những cuộn sóng biển đầy uy lực siêu nhiên.
Hình ảnh chim phượng hoàng trong tranh phong thủy |
Theo truyền thuyết, chim phượng xuất phát từ tiên giới: sau khi vươn mình lên từ phương Đông, tung cánh vượt qua dãy núi Côn – Lôn, để rồi thỏa cơn khát ở thác nước Đế - Trụ, quẩy đôi cánh ở biển Nhược Thủy (có câu “non bồng nước nhược” để chỉ cõi tiên) và rồi cuối cùng dưỡng sức ở núi Đơn Huyết. Chim phượng có những đức tính lớn lao.
Tiếng hót của chim xướng hết cả ngũ âm, bộ lông có ngũ sắc, thân chim như bao quát hết lục hình, đầu chim tượng trưng cho bầu trời, mắt cho mặt trời, lưng cho mặt trăng, đôi cánh cho gió, đôi chân cho mặt đất và đuôi cho các hành tinh, chưa kể đến chín chòm lông vũ hay đức tính biến phượng thành chúa tể của bầu trời (Léopold Michel Cadière). Cây nơi chim phượng ưa thích hạ cánh là cây ngô đồng. “Ngô đồng sinh hỉ, vu bỉ cao dương. Phụng hoàng minh hỉ, vu bỉ triêu dương” (Ngô đồng mọc ở đồi cao. Phượng hoàng cất tiếng đón chào nắng mai).
Cũng bởi điển tích này mà trong hoàng thành Huế, các vua Nguyễn cho trồng rất nhiều cây ngô đồng. Lầu phía trên của Ngọ Môn – cửa chính quan trọng nhất của hoàng thành được gọi tên là Lầu Ngũ phụng – tựa như năm con chim phượng tung cánh trên nền trời. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ không chỉ đưa ra những quy chế chặt chẽ về việc sử dụng hình tượng rồng cho vua mà còn có những định chế về trang phục sử dụng hình tượng phượng hoàng cho nữ nhân hoàng tộc như: Áo của hoàng hậu (hoàng quý phi) mặc trong các dịp lễ Tết gọi là phụng bào, lớp ngoài thêu hình tam phụng, hai tay áo thêu 2 chim phượng đang bay.
Áo đại triều của công chúa thân áo thêu 13 hình chim loan (chim phượng được giản lược) cuộn tròn. Trên viền cổ áo thêu hình 5 chim phượng trong đồ án ngũ phụng tề phi. Mũ của hoàng thái hậu thêu 9 con phượng, mũ của cung giai thì tùy theo thứ bậc mà có từ 1 đến 7 chim phượng…
Phượng - hoàng, một đực, một cái
Không ít bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, kỳ thực phụng (phượng) là tên gọi con chim phượng trống còn hoàng mới là từ chỉ chim mái. Nhưng có lẽ đúng với nhận xét của linh mục Cadière từ gần thế kỷ trước, trong tâm thức của người Việt bình dân không quá quan tâm đến những niềm tin tín ngưỡng hay những tầng ý nghĩa sâu xa của linh vật. Và họ chỉ ghi nhớ rằng: chim phượng là sự kết đôi giữa đàn ông và đàn bà qua việc kết hôn. Chồng là “tiên”, “bất tử” giáng trần kết hôn với vợ là chim phượng qua tục ngữ “tiên sa, phụng lộn”.
“Hay như chuyện rồng kết đôi với chim phượng, là tượng trưng cho vị hôn phu, từ đó chúng ta có bức họa thể hiện một bên là con rồng, một bên là chim phượng, cả hai bọc quanh chử hỉ, vẽ đôi, hay hơn thế nữa hai chữ hỉ kết lại với nhau, thành một biểu tượng mới về hạnh phúc vợ chồng, được chia sẻ cùng nhau”.
Nếu như trước kia hình ảnh phượng hoàng chỉ xuất hiện trong trang phục của vua chúa thì nay được xuất hiện trên nhiều mẫu áo dài |
Hình ảnh loan phượng sẽ là một lời chúc đồng thời như là sự đảm bảo cho sự gắn bó trong đời sống gia đình. (L’Cadière – Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Huế, Lê Đức Quang dịch). Theo các nhà nghiên cứu (cuốn “Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc”), hình tượng Phượng bắt gặp sớm nhất có lẽ là trên gạch nền nhà cũ khai quật được của khu di tích đền vua Đinh, vua Lê. Hình đôi phượng nằm ở trung tâm của viên gạch, bố cục theo vòng tròn, trong tư thế múa lượn, đuổi nhau theo chiều quay của kim đồng hồ.
Phượng có mỏ quặp giống vẹt, từ mang bay ra các sợi lông mềm mại, cổ dài, thân hơi uốn cong theo thế lượn, hai cánh dang rộng, chùm lông đuôi có nhiều tua dài ngắn khác nhau hợp thành. Thời Lý, phượng thường có bố cục chặt chẽ. Phượng đôi được thể hiện đối xứng trong lòng chiếc lá đề lớn và cùng nâng một lá đề nhỏ (hiện vật Hoàng thành Thăng Long, chùa Phật tích…). Phượng đơn xuất hiện dưới dạng lá đề lệch. Lá đề vốn là biểu tượng linh thiêng của đạo pháp.
Chính vì thế, có nhà nghiên cứu đã nêu ý kiến chưa hẳn đây là phượng mà còn có thể là chim Ka Lăng Tần Già, chim Cọng Mạng… loài chim thiêng biết dùng giọng hót diệu hòa để giảng về những giáo lý nhà Phật. Thời Trần, Phượng vẫn được thể hiện với các đồ án trong lá đề, đặc biệt có trang trí phượng đôi chầu hoa cúc (Hoàng thành Thăng Long) và nhất là sự xuất hiện của hình tượng phượng cõng nhạc công thiên thần/Gandharva (chùa Thái Lạc).
Thế kỷ XVI, nghệ thuật dân gian được phát triển mạnh mẽ dần. Hình tượng chim phượng cũng trở nên đa dạng, linh hoạt, vượt ra khỏi tư cách con chim thiêng để đến gần với cuộc sống thế nhân. Phượng thế kỷ XVII mang đậm yếu tố dân gian. Trên tai cột đình Chu Quyến có một Phượng lớn ôm ấp đàn con chẳng khác nào cảnh “gà mẹ gà con” trong tranh dân gian Đông Hồ. Trên một ván nong ở đình này còn chạm phượng đàn kết hợp với rồng. Phượng còn kết hợp với các đề tài trang trí khác như: tiên cưỡi phượng. Phượng thường được gắn với các đao mác, vân xoắn để thể hiện ước vọng cầu mưa, cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Phượng thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20 xuất hiện trên mọi vị trí của di tích với nhiều dạng và bố cục khác nhau như phượng đơn, phượng đôi, rồng – phượng, phượng trong tứ linh, phượng hàm thư… nhiều khi phượng do sen, cúc, hoặc lá hóa tạo thành… Và nếu như phượng hàm thư có ảnh hưởng của Nho giáo thì đồ án phượng hoàng ngậm sen hẳn có liên hệ với Phật giáo. Có thể nói, cùng với rồng, phượng là linh vật có tần suất xuất hiện dày đặc trong các di tích.