Những thần thú trong tâm thức Việt - Kỳ 3: Kỳ Lân

(PLVN) - Kỳ Lân đứng hàng thứ hai trong bộ “tứ linh”, tượng trưng cho sự bất tử, nhân từ và nhất là “cát tường” tức điềm lành. Mỗi khi nó xuất hiện là điềm báo thái bình thịnh trị, có thánh nhân ra đời.
Tượng lân hí cầu, bằng sành, thời Nguyễn thế kỷ 19.

Con vật kỳ ảo trong thế giới múa lân

Người dân Việt đã quen thuộc với con lân qua những tiết mục múa lân náo động mỗi dịp Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu. Theo nhà báo Nguyễn Đình, múa lân ở Chợ Lớn phân chia thành hai trường phái rõ rệt: Phật Sơn và Hạc Sơn. Lân Hạc Sơn: Mỏ tròn, sừng nắm đấm, múa theo long hình (tựa rồng) hoặc miêu hình (tựa mèo), động tác nhanh nhẹn, thiên về thể hiện tình cảm, trạng thái, cảm xúc, phù hợp với trận pháp Thiên Tài (tài lộc trời cho, thường múa trên giàn thung, trên cọc tre).

Còn Lân Phật Sơn, mỏ dảnh, sừng nhọn hoặc sừng lò xo, điệu bộ như hổ báo, tướng mạo oai vệ, phỏng theo các danh tướng thời Tam quốc (Ngũ hổ tướng hay Ngũ tướng nhất vương), phù hợp cho các trận pháp Địa Bửu (nhảy múa dưới mặt đất).

Hình ảnh vui tươi, rộn ràng trong điệu múa lân mỗi dịp trung thu 

Nếu như trận pháp Thiên Tài dễ dàng biến tấu thì trận pháp Địa bửu lại đòi hỏi tuân thủ những nguyên tắc, bộ pháp nhất định… Múa lân nói riêng, lân – sư – rồng nói chung đã trở thành một môn nghệ thuật, một tuyệt kỹ đi cùng với khát vọng may mắn, an lành. Những tiết mục như “Ngọc Kỳ Lân xuất động”, “Lân hí Địa”, “Ngũ phúc lâm môn”, “Cao không hái lộc”, “Tứ quý Lân” (4 con lân 4 màu khác nhau, tượng trưng cho bốn mùa làm ăn phát đạt), “Lân lên Mai hoa thung”, “Lân hí cầu”… đã vượt ra khỏi không gian trình diễn đường phố để trở thành một cây cầu truyền tải ước vọng.

Một trong những đồ án nghệ thuật phổ biến nhất và có lẽ cũng đã rất xa xưa gắn với kỳ lân chính là hình tượng “Kỳ lân hý cầu”. Đó có thể là “Độc lân hý cầu”, “song lân” thậm chí “tam lân” (ba con lân cùng vờn – nô đùa, tranh nhau một trái cầu)… Hình ảnh vui nhộn, sống động này giống như một trò chơi, một môn thể thao. Số lượng kỳ lân có thể thay đổi nhưng quả cầu chỉ có một.

 Tượng kỳ lân bằng gốm Thổ Hà trưng bày tại Bảo tàng Việt Nam 

Trò diễn múa lân sinh động cùng với đồ án “lân hí cầu” đã phần nào ánh xạ nguồn gốc của loài thần thú này. Kỳ lân được xem là một biến thể của rồng, chủ trì việc làm mưa. “Có thể là, hình tượng con kỳ lân, cũng như con rồng đã hình thành, khi con người ngắm nhìn mây trời muôn hình vạn trạng nhưng bao giờ cũng báo trước sẽ có mưa làm cho đất thêm màu mỡ” (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới).

Do đó, kỳ lân hý cầu (trái cầu tượng trưng cho mặt trời) là sự mô phỏng cho hành động chống chọi lại mặt trời và các hiện tượng thiên thực. Kỳ lân “cắn xé và nuốt chửng chúng”. Các nền văn hóa cổ đại đều coi thiên thực (việc một thiên thể chuyển động vào vùng tối của thiên thể khác như nhật thực, nguyện thực…) là điềm xấu. Kỳ lân do đó trở thành con vật mang điềm lành, xua đuổi những điều xấu xa, không may. 

Biểu tượng cho thái bình

Là linh vật không có thực. Kỳ lân được miêu tả là một con thú (bốn chân), thuộc hàng tứ linh với những quyền năng thần kỳ, hội tụ đặc điểm của một số loài vậy khác như: có đầu nửa rồng nửa thú, thân hình của hươu, đuôi bò, trán sói, sừng nai, tai chó, thân lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rồng, có vẩy cá, vó (móng) của ngựa và da có 5 màu: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, dưới bụng có màu vàng…

Ở nước ta, kỳ lân là con vật được du nhập qua giao lưu, tiếp biến văn hóa. Từ Hán Việt là kỳ lân hay lân. Theo học giả người Pháp L’Cadière: Khi người An Nam gọi con kỳ lân, họ chỉ nghĩ đến duy nhất một con vật và nghĩa của cụm từ này chỉ một con vật có định danh như vậy. Nhưng theo các từ điển Trung Hoa, từ đôi kỳ lân chỉ hai con vật (cũng giống như cặp phụng – hoàng).

Theo đó, kỳ là con đực và lân là con cái. Kỳ lân là vật hiệu của nhà vua, tượng trưng cho mọi mặt đức độ của ông. Chỉ những vị quân vương hiền minh mới xứng đáng được trông thấy nó. Khi nhà vua lấy đức mà trị dân, thái bình thịnh trị thì kỳ lân xuất hiện như dưới triều vua Nghiêu, vua Thuấn. Sân Đại Triều Nghi trước Điện Thái Hòa - Huế có hai con kỳ lân được đặt ở hai góc sân cũng mang ý nghĩa là đời thái bình, đồng thời nó cũng là một biểu tượng nhắc nhở sự nghiêm chỉnh giữa chốn triều nghi. Kỳ lân còn gắn với điềm báo thánh nhân xuất hiện, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự cao quý và của niềm hạnh phúc lớn lao.

Ý nghĩa này gắn liền với sự xuất hiện của Khổng Tử. Trong cuộc đời của Khổng Tử, kỳ lân xuất hiện hai lần. Lần thứ nhất, kỳ lân đến trước mặt Bà Nhan thị đang mang thai Khổng Tử, nằm phục ngay xuống, nhả ra một cái bảng bằng ngọc bích có chữ viết rằng: “Đứa trẻ này, tinh tế như nước chảy, sẽ là vị vua không ngai…”.

Sau đó bà Nhan thị sinh ra Khổng Tử. Lần thứ nhì, mùa xuân năm Lỗ Ai Công thứ 14, người nước Lỗ đi săn, bắt được con kỳ lân què một chân. Khổng Tử hay được đến xem, rồi bưng mặt khóc. Về nhà ngài than với học trò: Đạo ta đến lúc cùng. Ba năm sau, Khổng Tử mất, thọ 73 tuổi. Như thế, kỳ lân là con vật gắn với cuộc đời, tượng trưng cho sinh mệnh của thánh nhân.

Kỳ lân còn là con vật tiêu biểu báo điềm lành. Không những thế, nó còn có khả năng phân biệt tà ngay, nhận ra kẻ xảo trá, người lương thiện. Do đó, nó còn giúp nhà vua thi hành công lý bằng cách dùng sừng trừng trị kẻ tội phạm. Về mặt đặc tính tập quán, kỳ lân được xem là loài vật tốt bụng, tốt tính, được mệnh danh là “nhân thú” vì lẽ khi bước đi, theo bản năng tự nhiên, con vật cẩn trọng để không dẫm lên bất cứ thảo mộc nào đang xanh tươi hay bất cứ một sinh vật nào, kể cả côn trùng, sâu bọ. Nó cũng không ăn thịt, không bao giờ uống nước bẩn và tất nhiên không làm hại bất cứ ai. Linh mục L’Cadière viết là sừng của kỳ lân có bọc da, “đầu mút thịt đầy đặn”.

Còn họa sĩ Trần Hậu Yên Thế thì lý giải rằng, kỳ lân vốn xuất xứ từ hươu nên thoạt kỳ thủy giống hươu, có một (sau thành hai) sừng nhưng mềm vì chỉ là lộc – nhung. Sừng của kỳ lân được coi là biểu tượng để chỉ đức tính hiền lành của con vật. Dù đủ sức gây chiến và đánh nhau nhưng con vật vẫn ước muốn hòa bình. Cụm từ lân giác, “sừng của lân cái”, nghĩa là “vũ khí vô hại”, muốn gọi ra đức tính bản thiện như thế của con vật.

Theo các tác giả “Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc” (Viện Bảo tồn di tích) thì bóng dáng của kỳ lân hiện tìm thấy ở trên gạch múi bưởi tại mộ cổ đời Hán ở làng Cổ Bi (Hà Nội) cách đây 2000 năm. Con lân này có đầu sư tử, mặt quỷ nhìn ra, trong khi thân được thể hiện theo kiểu nhìn nghiêng. Hiện nay hầu như trong bất cứ di tích nào cũng có lân. Nó được phô diễn ở đủ mọi ví trí: trên đỉnh cột nghi môn, chạm trổ trên các mảng trang trí của kiến trúc. Lân đàn/ổ được chạm khá nhiều trên kiến trúc, với một con lớn cùng 5-6 lân nhỏ xung quanh như ở đình Đoàn Xá, Giẽ Hạ, Cổ Chế…

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn: “Kỳ lân còn là linh vật biểu trưng cho thái tử trong mối quan hệ: rồng (nhà vua) - kỳ lân (thái tử) - phượng hoàng (hoàng hậu). Kỳ lân còn là biểu tượng của hạnh phúc, đoàn viên như ngụ ý trong vũ điệu Lân mẫu xuất lân nhi trong múa cung đình Huế”.

Trong bất kể trường hợp nào, lân cũng vượt ra ngoài ý nghĩa một con vật bình thường, được cường điệu hóa và thường được gán cho những ý nghĩa linh thiêng để biểu hiện ước vọng của người đương thời. Với đạo Phật, nó là hiện thân của bát nhã tức là trí tuệ, minh triết, thiêng liêng, trong sáng đẹp đẽ đầy chất huyền linh. Nó cũng là hiện thân của sức mạnh tầng trên, là sự hội tụ của dòng siêu lực tiềm ẩn, là hiện thân của sự vận động và tĩnh mịch”. 

Đọc thêm