Nghê chầu chó trực
Trong chức năng của các loài linh vật, nếu như rồng là “đệ nhất” gắn với vương quyền thiên tử, phượng gắn với mẫu nghi thiên hạ. Hai linh vật này nếu như có nằm trong đồ án “chầu” cũng chỉ chầu những thiên tượng “lưỡng long chầu nhật/nguyệt” (mặt trời, mặt trăng), “phượng chầu mặt nguyệt” và xuất hiện ở những vị trí cao nhất (như bờ nóc…). Trong khi rùa gắn với chức năng mang vác, “đội” thì riêng nghê có lẽ là con vật nổi trội nhất gắn với chức năng “chầu”.
Vai trò “chầu” của nghê đã được dân gian tổng kết trong câu: “làm phượng thì múa làm nghê thì chầu” hoặc “mỗi người đều có một nghề/con phượng thì múa, con nghê thì chầu” hay ngắn gọn hơn là thành ngữ “phượng múa nghê chầu”, “nghê chầu chó trực”.
Bài ca dao về người thợ mộc Thanh Hoa nói tới con nghê trong các công trình kiến trúc (cửa, nhà, cầu, quán) và đương nhiên nghê ở đó cũng làm nhiệm vụ “chầu”: “Bốn cửa anh chạm bốn nghê/ Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.
Nghề của nghê là chầu |
“Nghề” của con nghê là chầu (hay triều). Mà chầu được hiểu là đứng ngay ngắn, nghiêm trang, quay mặt, dõi mắt về hướng đối tượng được chầu thể hiện một sự tôn kính, ngưỡng vọng, thần phục. Để dễ hình dung có thể tưởng tượng nghê như là những vị quan đang “chầu” vua – hoàng đế. Bởi thế nghê thường xuất hiện có đôi, có cặp, có âm, có dương, ở hai bên ngai thờ. Nhưng cũng cần phân biệt “chầu” với “hầu”. Bởi “hầu” thường dành cho đầy tớ, kẻ ở, phục dịch. Nghê chầu chứ không phải nghê hầu. “Nghê chầu, chó trực”.
Thành ngữ “chó trực” được giải nghĩa ở đây là chó có nghĩa vụ canh gác, bảo vệ, trông coi, thường trực tựa như người bảo vệ làm nhiệm vụ “gác cửa” nên đứng quay mặt thẳng ra ngoài. Đối lập với nghê làm nhiệm vụ chầu vào “chủ” nên hướng vào trong. Tuy nhiên, có nhà nghiên cứu cho rằng: câu từ vậy trong thành ngữ là không ổn. Trong thành ngữ này “chầu” là động từ, “trực” lại là tính từ.
"Chầu” là từ Nôm, còn “trực” lại là từ Hán Việt. Sự khập khiễng này cho thấy, câu trên đúng hơn phải là: “Nghê chầu, chó chực”. “Chầu chực” ghép lại mới thành một từ hoàn chỉnh. Chầu và chực cùng một loại từ (động từ) trong tiếng Nôm. Ý nghĩa của nó nghĩa là nghê có chức năng là chầu, quay mặt hướng vào nơi được thờ. Còn chó chỉ có chức năng là chực, quay mặt ra phía ngoài đón khách.
Nghê từ đâu tới?
Trong công trình nghiên cứu khảo sát đồ án trang trí mỹ thuật ở hai đền vua Đinh – Vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình) nhóm biên soạn cho rằng, nghê là tên gọi tắt của Toan Nghê – một trong chín đứa con của rồng (mà không bao giờ lớn thành rồng), thích tĩnh lặng, ưa trầm tư mặc tưởng trong hương khói nên hay được tạc tượng đá, ngồi hai bên cửa đền hoặc đắp vữa trên đỉnh cột trụ biểu trước sân đình, đền.
Theo thư tịch cổ Trung Hoa, nhận dạng của lân và nghê khá tách bạch. Trong khi kỳ lân vốn xuất xứ từ hươu nên thoạt kỳ thủy giống hươu nhưng sau được cách điệu cao, biến dạng thành: đầu rộng, bườm sư tử, đuôi bò, thân phủ vẩy như rồng… nhưng dấu vết của hươu vẫn còn ở thân, chân, sừng mềm vì vốn là lộc nhung, chân có hai (về sau mới thành năm) móng.
Còn nghê có dạng sư tử thu nhỏ: bờm xoắn mà không có sừng, thân phủ lông chứ không vẩy, đuôi chùm xòe ra từng lọn, bàn chân nhiều móng phủ lông. Dấu vết sư tử còn được tìm thấy trong cả hai từ điển của Taberd và Huỳnh Tịnh Của. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của định nghĩa: Nghê [猊] là “loại thú giống sư tử” nhưng khi lý giải “con nghê” thì lại dẫn “tại sông Đồng Nai có gộp đá lớn giống hình con trâu, người ở đó gọi là con nghê”. Còn Dictionarium Anamitico Latium (Từ điển Annam – La tinh) của J.L.Taberd thì chú giải về “nghê” là “quocddam animal leoni simile” (động vật như con sư tử). Từ điển Thiều Chửu cũng cho rằng “toan nghê” tức là con sư tử.
Mặt con nghê có nét giống sư tử |
Tuy nhiên, có lẽ quy cách “chuẩn” giữa lân và nghê chỉ ổn định ở Trung Nguyên, xuống đến Hoa Nam thì lân lại được sư tử hóa. Đến khi sang Việt Nam, lân hay nghê không được phân biệt rạch ròi, đôi khi lẫn lộn. Có khi giống lân mà thân mọc đầy lông, lúc giống nghê mà thân lại phủ vẩy, đôi khi thân trơn nhẵn, đuôi thì chẳng sư tử cũng chẳng bò: bó lông đuôi vắt vẻo, song song thuôn dài…
Theo TS Trần Hậu Yên Thế, cho tới nay, chúng ta chưa tìm thấy một con nghê nào có minh văn để khẳng định một cách chắc chắn có phải là nghê hay là linh vật nào khác. Thậm chí, trong một số trường hợp, minh văn lại khẳng định danh tính linh vật là sư tử. Ví dụ trên linh vật ở chùa Nành có chữ sư tử trên lưng (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Hoặc cặp sư tử ở đền Gióng.
Dòng chữ viết ngay dưới bụng rồng cho biết khi tạc đôi rồng bên ngoài nghi môn người xưa cũng làm đôi sư tử đặt phía bên trong tuy nhiên nếu chỉ quan sát hình dáng bên ngoài thì lại không có đặc điểm gì của sư tử. Tác giả Huỳnh Thiệu Phong trong bài “Mấy vấn đề về nguồn gốc, đặc điểm của biểu tượng “Nghê” trong văn hóa Việt Nam” đã dẫn truyền thuyết “Chín đứa con của rồng” (Long sinh cửu tử). Theo đó, trong số 9 đứa con của rồng được kể tên trong hai tài liệu đã dẫn ở trên, có thể thấy có hai con của rồng là “Toan Nghê” (trong “Tiềm Xác Loại Thư”) và “Kim Nghê” (trong “Tham khảo tạp ký”) có yếu tố “nghê” trong tên gọi.
Tuy nhiên, cách lý giải đặc điểm của hai con này là hoàn toàn khác nhau. Nếu “Toan Nghê” là con “thích nghỉ ngơi (thường bị đồng hóa với sư tử) nên được khắc chạm vào ngai, trường kỷ” thì “Kim Nghê” lại là con “thích nuốt lửa - nhả khói, là con vật để cưỡi”. Do đó, nhà nghiên cứu Huỳnh Thiệu Phong thừa nhận chỉ “tạm xem chữ “nghê” trong cách gọi linh vật này là cách rút gọn từ chữ “nghê” trong tên gọi của một trong những đứa con của rồng.
Tuy nhiên, khi linh vật này được hình thành trong nền văn hóa Việt Nam, người Việt đã biến đổi hoàn toàn về ngoại hình, chức năng và đặc điểm của nó để biến đổi thành một con vật thuần Việt”. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế trong một tài liệu có thể xem là đầy đủ nhất đến thời điểm này về nghê (Phác họa Nghê gã linh vật bên rìa) lại cho rằng nghê ngay từ đầu đã không phải là sản phẩm của Hoa Hạ.
Cao tăng Huệ Lâm đời Đường nói: Toan nghê tức là sư tử, đến từ Tây vực. Cho đến nay, ở Việt Nam, chữ nghê xuất hiện chủ yếu trong các văn bản Phật giáo. Trong văn bia Lý – Trần, số lượng xuất hiện chữ nghê nhiều hơn sư. Kiểu thức sư tử nghê tòa lần đầu tiên được nhắc đến trong Minh Tịnh tự bi văn (1090), nghê đài trên văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc (1107) và sang đến thời Trần được ghi lại trong Thiệu Long tự bi (khoảng năm 1226) chỉ còn là nghê tòa.
Còn TS Đinh Hồng Hải thì lại đưa ra cách giải thích nghê từ chó. Theo đó, biểu tượng con chó trong nghệ thuật dân gian của người Việt vốn giản dị và có phần “thấp kém” hơn về địa vị nếu so sánh với các linh vật khác như kỳ lân, rồng,… Khi văn hóa Khổng – Nho từ Trung Hoa ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam thì con vật canh cửa giản dị đó cần được “nâng cấp” cho tương xứng với những vai trò và vị trí mới. Rất có thể các nghệ nhân dân gian xưa đã thêm vào nhiều đặc tính “mới” để “sang hóa” những linh vật canh cửa của mình…