Điện Voi Ré thờ “thần voi”
Điện Voi Ré tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, dưới chân đồi là một hồ bán nguyệt thuộc địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, cách thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây - Nam, cách Hổ Quyền khoảng 400m. Nơi đây vừa là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn, vừa là một di tích độc đáo thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Cái tên rất ấn tượng - Voi Ré, tương truyền bắt nguồn từ một truyền thuyết về lòng trung thành, tính mến chủ của một con vật nô bộc có nghĩa đã được nhân dân tôn sùng như vị thần linh, trong điện thờ có bài vị của 4 con voi dũng cảm nhất với những công trạng hiển hách dưới triều đại nhà Nguyễn đã được phong tước Đô Đốc.
Tương truyền, vào thời Trịnh - Nguyễn, trong một trận giao tranh với quân đội Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền. Đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của vị dũng tướng đã chạy từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân, đến phía Đông của đồi Thọ Cương rống lên một tiếng vang trời long đất rồi phủ phục xuống trút hơi thở cuối cùng.
|
Hình ảnh 3D về Hai Bà Trưng cưỡi voi lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi giặc thù |
Trước sự trung thành của một con vật có nghĩa, dân địa phương đã làm lễ an táng và xây cho nó một nơi an nghỉ, về sau người ta gọi đó là mộ Voi Ré. Khi lên ngôi, Vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh ngôi mộ voi một điện thờ gọi là Long Châu Miếu để thờ các vị thần bảo vệ và thờ linh tượng.
Voi được coi là biểu tượng của sức mạnh vương triều là một thế lực bất khả chiến bại. Hai bên miếu Long Châu là Đông Phối Điện và Tây Phối Điện. Trước hai ngôi nhà này, còn có hai tòa miếu phụ thờ thần vị voi, còn được gọi là miếu Tượng với bốn bài vị đề tên tước hiệu được phong cho bốn con voi lập nhiều công trạng gồm: Đô Đốc Hùng Tượng Ré, Đô Đốc Hùng Tượng Bích, Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ và Đô Đốc Hùng Tượng Bôn.
Từng là xứ sở của loài voi?
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, số lượng đàn voi ở Việt Nam nói chung, voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã còn khoảng 1500-2000 cá thể. Thế nhưng, hiện chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể voi sinh sống trong tự nhiên, phân bố rải rác ở 8 tỉnh: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.
Càng đáng buồn hơn khi chúng ta biết rằng, cùng với các quốc gia nhiệt đới gió mùa vùng Đông Nam Á khác (Thái Lan, Lào…), đất Việt đã từng là xứ sở của loài voi. Nếu như voi được coi là biểu tượng quốc gia, linh vật (quốc thú) của Lào. Lào còn có tên gọi là Vạn Tượng hay đất nước Triệu Voi thì vùng đất Việt cũng từng mang một cái tên gắn bó chặt chẽ với loài vật này là Tượng Quận.
Tượng Quận là tên gọi có từ thời Tần Thủy Hoàng được xác định là vùng đất phía Nam Ngũ Lĩnh (Bách Việt). Tượng Quận chính xác ở đâu? Cho đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng việc nó gắn với loài voi là điều đã được nhiều tác giả thừa nhận. Ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ trước, khi bàn về danh xưng Tượng Quận và cương vực của quận này, L.Auroseau đã gọi đó là quận của những con voi.
|
Tượng voi ở đền Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội) |
Sau này, các học giả như Ngô Tấn Tài, Quách Đình Dĩ, Chu Văn Ánh, đây đó trong các khảo cứu của mình đều có ghi nhận Tượng Quận là do sản sinh voi mà có tên: “Tượng Quận là do sản sinh ra voi mà có tên. Trung Quốc từ thời có sử, không kể là lưu vực sông Hoàng Hà hoặc Hoài Hà, đều không có chứng cứ xác thực về sản sinh ra voi”.
Học giả Trần Kính Hòa, căn cứ vào hai đoạn ghi chép về voi trong Toàn thư, cùng một số ghi nhận về voi ở Giao Chỉ trong nhiều thư tịch của Trung Hoa, đã đi tới nhận định rằng: “…đất này đặt tên là Tượng Quận (Quận Voi) càng chứng thực rằng, tên gọi đó bắt nguồn từ đặc sản của loài voi”.
Càng đặc biệt hơn khi trong nền nghệ thuật văn hóa Đông Sơn chói lọi của nước ta, người ta đã bắt gặp từ rất sớm hình tượng của voi. Đó là chiếc chuông voi, là cây đèn đồng phát hiện được ở di chỉ Làng Vạc (Nghệ An). Cả một cây đèn nhiều nhánh, nhiều tầng, nhiều đĩa đèn được đặt trên một bệ đỡ hình voi đứng. Dáng vẻ tả thực của con voi/bệ đỡ, uy nghi và hùng dũng đã tạo nên một cây đèn – cây vũ trụ.
Nhà nghiên cứu Phạm Quốc Quân trong một bài viết đã cung cấp một thông tin rất thú vị, trong một sưu tập tư nhân Hà Nội có một chiếc trống đồng Đông Sơn vô cùng đặc biệt, trên thân trống có hình ảnh hai người phụ nữ cưỡi voi, cùng với những chiến binh đánh bộ, cầm vũ khí hò reo xung trận và nhận xét “hình ảnh trên dường như có liên quan tới truyền thuyết lịch sử về Hai Bà Trưng với niên đại tương đối trùng khớp với cuộc khởi nghĩa ấy ở thế kỷ I sau Công nguyên”.
Tự hào tượng binh
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, kinh đô Thăng Long xưa và đồng bằng Bắc Bộ từng nuôi nhiều voi để phục vụ cuộc sống con người. Nội thành Hà Nội có núi Voi, ngoại thành có đền Voi Phục nằm ở phía Tây thành Hà Nội là một trong Tứ Trấn của thành Thăng Long hay Đồng Cầu Voi thuộc quận Hai Bà Trưng.
Đặc biệt, trong văn bia Dương Võ bi ký đặt ở chùa Phổ Giác (phố Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) dựng tháng 8 năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi mốt (1770) có ghi lại lịch sử ngành tượng binh.
Trong phần đầu, bài ký có đoạn viết: “Trời Nam ta, thế nước vững chắc, đất đai gồm cả Tượng Quận. Trong nước có nhiều loài vật nhưng hùng mạnh nhất trong các loài thú, chỉ có voi đực là cực quý, thật là nanh vuốt để bảo vệ quốc gia. Song phép nuôi dạy, tập luyện, điều khiển phải có bậc tiền bối mở đầu. Đó là nhờ ba vị tiên sư tinh thông mọi việc, mưu sâu, trí cả, nắm dược phép dạy voi đực- là loại khó thuần hóa ở phương nam- bí truyền. Nhờ vậy voi được dùng vào viêc binh, giữ vững nước nhà, võ yên muôn vật”.
Thời Lê - Trịnh, nước ta có binh chủng voi hùng mạnh với gần 300 voi chiến và 147 tướng lĩnh, quản tượng được tổ chức chặt chẽ. Nhiều họa sĩ phương Tây đến nước ta vào thế kỷ 16, 17, 18 đã vẽ lại cảnh sinh hoạt Thăng Long (Kẻ Chợ, Đông Kinh). Chẳng hạn như tranh của 4 họa sĩ Bỉ, Hà Lan, Italia và Manili, voi và ngựa luôn xuất hiện trong các bức tranh của họ. Đặc biệt trong bức tranh miêu tả đám tang của vua Lê, tác giả của bức tranh ấy đã thể hiện một đoàn voi hùng dũng dẫn đầu đoàn người đưa tiễn vị hoàng đế.
Theo tác giả Tấn Vịnh, voi là loài vật đã để lại nhiều dấu ấn trong nghệ thuật trang trí, điêu khắc của dân gian xứ Bắc Hà và chốn cung đình xưa. Đình Tây Đằng, đình Chẩy, đình Quang Húc, đình Diềm... đều có các bức phù điêu đặc sắc: người cưỡi voi đuổi hổ, cưỡi voi đánh giặc, người cưỡi voi trẩy hội, voi chầu, voi lồng... Đó thực sự là những tác phẩm mỹ thuật có giá trị mà các nghệ nhân dân gian để lại.
"Voi được sử dụng trong nhiều hoạt động của con người, chủ yếu là: vận chuyển các loại vật liệu nặng như chở gỗ, đá; hay phương tiện đi lại, nhất là trên địa hình núi rừng; diễu hành trong các nghi lễ quan trọng, như lễ tế Nam Giao, lễ tuần hành của vua chúa; trong hành hình tội phạm (voi giày); và đặc biệt là trong chiến đấu. Tượng binh đã ra đời rất sớm trong lịch sử quân sự Việt Nam và hình tượng cưỡi voi ra trận đã đi vào văn hoá dân gian như ca dao, tranh dân gian (Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc…). Riêng trong trận Ngọc Hồi đầu năm 1789, Quang Trung Nguyễn Huệ đã dùng 100 voi chiến, trên lưng đặt hoả pháo, để tấn công đồn quân Thanh". (PGS.TS Phan Hải Linh – Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia)