Những tội ác khó dung tha của hoạn quan cung đình Trung Hoa

(PLO) -Không chỉ bức hại vợ vua, giết con vua, nhiều thái giám còn cả gan đầu độc hai đời hoàng đế nhằm tranh quyền đoạt vị. Nhưng luật đời, làm việc ác thường bị quả báo. Những thái giám này dù nghĩ đủ mọi mưu đồ để hại người thì cuối cùng cũng bị lụy thân đến mất mạng.

Tông Ái giết hại hai đời hoàng đế

Thái Vũ Đế Thác Bạt Đào (408-452) là hoàng đế thứ 3 của nhà Bắc Ngụy thời kỳ Nam Bắc Triều, con cả của Minh Nguyên Đế Thác Bạt Tự, lên ngôi năm 423 khi cha qua đời vì bệnh, ở ngôi được 29 năm. 

Chinh chiến khắp Nam Bắc, tài năng quân sự của ông được cho là hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc, được nhìn nhận là một người cai trị tài giỏi; trong thời gian ông trị vì, Bắc Ngụy đã tăng gần gấp đôi diện tích lãnh thổ và thống nhất được toàn bộ miền bắc Trung Quốc, do đó đã chấm dứt thời Ngũ Hồ thập lục quốc và cùng với triều Lưu Tống ở phía Nam tạo nên thời Nam-Bắc triều. Ông được các sử gia Trung Quốc đánh giá là một vị vua “hùng tài đại lược, thông minh quả đoán” đáng được tôn kính.

Đại sử gia Tư Mã Quang đã viết bình luận về Thái Vũ Đế trong tác phẩm “Tư trị thông giám” của ông: “Ngụy Đế là người mạnh mẽ và can đảm, bình tĩnh và chắc chắn. Bất kể đó là việc thủ thành hay chiến đấu trên sa trường, ông luôn ở trên tuyến đầu, do đó các tướng lĩnh và quân của ông đều sợ và cảm kích ông, sẵn sàng chiến đấu hết mình cho đến khi chết.

Thác Bạt Dư
Thác Bạt Dư

Ông cũng là người thanh đạm và hài lòng với trang phục và thực phẩm của mình miễn là chúng đủ dùng. Khi các quan của ông yêu cầu tăng cường phòng thủ của kinh đô và sửa sang lại hoàng cung, luận rằng Kinh Dịch có viết: “Các vương công củng cố phòng thủ để bảo vệ gia đình và đất nước của họ” và rằng Tiêu Hà đã nói: “Một hoàng đế có thể ở nhà trong khắp đế chế của mình, song nếu nhà của ông ta không đủ lớn và sang trọng, ông ta không thể cho thấy sức mạnh của mình”; ông trả lời rằng: “Hách Liên Bột đã sử dụng gạch đất nung để xây thành và trẫm đã tiêu diệt đất nước của ông ta; đó không phải bởi vì nó không đủ vững chắc.

Ngay bây giờ, vùng đất này không phải đang thái bình và chúng ta cần sức mạnh của con người và trẫm ghét các dự án xây dựng. Điều mà Tiêu Hà đã nói là không chính xác”. Ông cũng ban thưởng tiền bạc cho các gia đình đã có những người chết vì đất nước hay những người đã có đóng góp lớn, nhưng không bao giờ ban thưởng người thân của mình.

Khi cử tướng đi giao chiến, ông luôn đích thân khuyên bảo họ và những ai không tuân theo lời khuyên của ông thường kết thúc trong thất bại. Ông cũng là một người tài giỏi trong việc xét đoán các nhân vật, và có thể chọn tướng trong những binh sĩ và ông chỉ ủy thác cho những người có khả năng, không phải cho những người giỏi giao du với quan to.

Ông là người sắc bén trong quan sát và có thể nhìn thấy những điều bị che đậy, và các thần dân không thể lừa dối ông. Ông đã ban thưởng cho những người có địa vị thấp nếu như họ xứng đáng và trừng phạt những người có địa vị cao nếu như họ đáng bị như vậy.

Ông cũng không bảo vệ cho những người mà ông sủng ái và thường nói: “Trẫm, cùng với thần dân, tuân theo luật pháp, làm sao trẫm có thể dám xem nhẹ?”. Tuy nhiên, ông là người độc ác và thường trừng phạt bằng cách xử tử”.

Về cuối đời Thác Bạt Đào tính tình nóng nảy, mặc sức giết chóc thế nhưng sau khi say máu giết người, ông lại ân hận. Do hình phạt quá tàn khốc nên trong nước đã mấy lần xảy ra hỗn loạn chính trị.

Về sau, do bị hoạn quan Tông Ái kích động, Thác Bạt Đào đã bức hại con đẻ là thái tử Thác Bạt Hoảng. Năm 452, ông bị hoạn quan Tông Ái lập mưu hại chết khi mới 44 tuổi rồi giết hại con trai ông là Thác Bạt Hàn, phế bỏ Thác Bạt Tuấn (con Thái tử Hoảng) và đưa con trai Thác Bạt Dư của ông lên ngai vàng.

Được Tông Ái, kẻ giết cha mình đưa lên ngôi, Thác Bạt Dư đã tri ân bằng cách trao cho y các chức tước quan trọng như Đại tư mã, Đại tướng quân, Thái sư…để Tông Ái trở thành kẻ kiểm soát triều đình trong thực tế. Tuy vậy, Thác Bạt Dư chỉ ở ngôi vỏn vẹn 8 tháng rồi cũng bị chết bởi tay gã hoạn quan này.

Ngồi trên ngôi hoàng đế nhưng Thác Bạt Dư chẳng thiết tha gì chuyện triều chính, suốt ngày ăn uống, vui chơi ca hát, chỉ sau 1 tháng quốc khố đã trống rỗng. Ông rất thích đi săn, chơi bời vô hạn độ; biên cương cáo cấp, ông cũng chẳng phái binh đi cứu, trăm họ oán thán, ông vẫn mặc kệ.

Sau khi nắm đại quyền trong tay, Tông Ái tùy ý sai khiến công khanh đại thần, ngày càng lạm dụng quyền lực, trong ngoài triều đình đều rất khiếp sợ. Thác Bạt Dư sau nghi ngờ Tông Ái phản biến nên lập kế hoạch tước đoạt quyền lực, chuyện đến tai Tông Ái, y rất tức giận. Tháng 10 năm Chính Bình thứ 2 (452), thừa lúc Thác Bạt Dư vào tông miếu tế lễ cụ nội Đạo Vũ Đế, Tông Ái đã sai Giả Chu lẻn vào giết chết ông trong đêm.

Sau khi Thác Bạt Dư chết, người cháu (con Thái tử Hoảng) Thác Bạt Tuấn lên ngôi (là Văn Thành Đế) đã bắt giết Tông Ái và Giả Chu, nhưng an táng chú với nghi lễ vương hầu chứ không phải hoàng đế, đặt thụy hiệu là Nam An Ẩn Vương. 

Lý Tư Trung dâng rượu độc

Kim Vệ Thiệu Vương Hoàn Nhan Vĩnh Tế là hoàng đế thứ 7 của triều nhà Kim, là con thứ 7 của Kim Thế Tông Hoàn Nhan Ung. Tháng 11/1208, hoàng đế Kim Chương Tông bị bệnh chết, không có con trai. Hai bà Giả phi và Phạm phi còn đang mang thai.

Lý Hoàng thái hậu bàn với các quan đưa người chú vua là Hoàn Nhan Vĩnh Tế lên ngôi, cải niên hiệu là Đại An, tại vị được 5 năm. Thời gian ông nắm quyền chính trị hủ bại, Mông Cổ đang hồi lớn mạnh, nhiều lần mang quân đánh bại quân Kim.

Tượng Vệ Thiệu Vương Hoàn Nhan Vĩnh Tế
Tượng Vệ Thiệu Vương Hoàn Nhan Vĩnh Tế

Hoàn Nhan Vĩnh Tế từ nhỏ đã nhu nhược, bất tài kém cỏi, không có chính kiến, nhưng trước mặt vua cha, anh trai, hoàng hậu và triều thần lại luôn tỏ ra khiêm nhường, kính trọng cha mẹ và các lão thần nên được lòng mọi người.

Kim Chương Tông sau khi lên ngôi rất thân thiết với Hoàn Nhan Vĩnh Tế và yên tâm vì biết chú là kẻ bất tài, nên lần lượt phong Hoàn Nhan Vĩnh Tế làm Hàn Vương và Vệ Vương. Về sau vốn tính đa nghi lo các vương hầu làm phản nên Kim Chương Tông giao Hoàn Nhan Vĩnh Tế kiêm thêm chức Võ Định quân Tiết độ sứ, cho nắm binh quyền. Ít lâu sau, lại triệu Hoàn Nhan Vĩnh Tế về triều phong làm Vương Phụ Phủ Úy để kiểm soát tôn thất. 

Kim Chương Tông coi Hoàn Nhan Vĩnh Tế là người thân tín nhất nên khi tính chuyện tìm người kế vị đã triệu chú vào giao mật chiếu: “Nếu ta mất ngươi hãy lên ngôi. Giả Phi và Phạm Phi đang mang thai rồng, nếu sinh 1 hoàng nam thì lập người đó làm thái tử, nếu cả hai đều là trai thì chọn một người để lập để đảm bảo con cháu ta giữ được ngôi báu”.

Năm 1208 khi Kim Chương Tông chết bệnh, hai bà phi vẫn chưa sinh. Sau khi được Thái hậu và các quan đưa lên ngôi, để củng cố và giữ được ngai vàng, trừ bỏ hậu hoạn Vĩnh Tế lập tức bắt Giả Phi uống thuốc độc, bắt Phạm Phi phá thai rồi xuống tóc đi tu. 2 năm sau, tháng 8/1210, Hoàn Nhan Vĩnh Tế lập con trai mình là Tạc Vương Hoàn Nhan Lạc làm Hoàng thái tử, 

Tháng 8/1213, Thành Cát Tư Hãn dẫn quân áp sát miền Trung. Khi đó người giữ trọng trách trấn thủ miền Trung là Phó nguyên soái Hồ Sa Hổ, người 2 năm trước khi quân Mông Cổ Nam hạ, chưa đánh đã tháo chạy, bỏ lại Tây Kinh (Đại Đồng, Sơn Tây ngày nay) trốn về miền Trung, nhưng Hoàn Nhan Vĩnh Tế không những không trị tội mà vẫn trọng dụng làm tướng. Lần này khi quân Mông Cổ áp sát, Hồ Sa Hổ vẫn bỏ đi săn, không lo phòng thủ.

Hoàn Nhan Vĩnh Tế sai sứ thần đến nhắc nhở, đốc thúc, Hồ Sa Hổ hổ thẹn thành nộ lôi sứ giả ra chém, rồi sáng 25/8 liên kết với đám Hoàn Nhan Sửu Nô, Bồ Sát Lục Cân, Ô Cổ Luận Bột phản biến, đem quân vào đánh giết từ cửa Thông Huyền sang Đông Hoa môn, chiếm lấy hoàng cung, Ngày hôm sau lại cưỡng bức ép Hoàn Nhan Vĩnh Tế ra ngoài cung. Mấy hôm sau, Hồ Sa Hổ sai hoạn quan Lý Tư Trung dâng rượu độc hại chết Hoàn Nhan Vĩnh Tế khi ông tròn 60 tuổi.

Tháng 9, Hồ Sa Hổ và các quan đưa một người anh của Hoàn Nhan Vĩnh Tế là Dực Vương Hoàn Nhan Tuấn lên ngôi, tức Kim Tuyên Tông. Hồ Sa Hổ dù đã cho người hạ độc chết Vĩnh Tế nhưng vẫn rất căm hận, muốn vua phế bỏ mọi tước hiệu, cho triệu 300 người vào triều gây sự chính sách ép.

Trong số các quan một số người ngả theo Hồ Sa Hổ, một số không đồng ý. Do sức ép của Hồ Sa Hổ, Kim Tuyên Tông bất đắc dĩ phải giáng Vĩnh Tế làm Đông Hải Quận Hầu. Nhưng 1 tháng sau, Nguyên Soái Hữu Giám quân là Thuật Hổ Cao Kỳ đã ra tay giết chết Hồ Sa Hổ.

Đến năm Trinh Hựu thứ 4 (1216), Kim Tuyên Tông đã hạ chiếu truy phục Hoàn Nhan Vĩnh Tế làm Vệ Vương, đặt tên thụy là Thiệu, người đời sau gọi ông là Vệ Thiệu Vương...

Đọc thêm