Những trò bi hài của “ma men“

(PLO) - Mới đây, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã đồng loạt triển khai thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Thế nhưng, khi chạm mặt Cảnh sát giao thông, ngoài gọi điện cầu cứu thường thấy, không ít đối tượng sẵn hơi men trong người còn nhiều chiêu trò bi hài khác…
Thỏa sức say vì đã có “canh me”
“Hà Nội nhìn đâu cũng thấy quán bia, quán rượu!” - một cô bạn sau 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản đã phải thốt lên như vậy với tôi trong một lần dạo phố. Có cung thì ắt có cầu, cũng dễ hiểu vì sao dạo gần đây khi lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tiến hành đẩy mạnh xử phạt những người uống rượu, bia khi tham gia giao thông lại khiến những người kinh doanh mặt hàng này lâm vào cảnh lao đao. 
Và, để đối phó với CSGT, những quán bia ở Hà Nội đã “sáng kiến” theo kiểu thường xuyên cắt cử nhân viên ra trước cửa quán để “canh me”. Câu chuyện nghe qua tưởng như đùa này lại hoàn toàn có thực với bao nỗi bi hài. 
Trong vai một thực khách, luôn nơm nớp lo sẽ bị “sờ gáy” bởi lực lượng CSGT sẽ đo nồng độ cồn, PV được chủ quán bia lớn như Z.Z (đường Nguyễn Xiển), M.H (đường Hoàng Hoa Thám), H.X (đường Giải Phóng)… khuyên “uống thả ga”. Đơn giản vì họ đã cho “quân” đi dò đường CSGT trước. 
Theo những chủ quán này lý luận, CSGT mật phục để đo nồng độ cồn khách uống rượu, bia gần quán chẳng khác nào thẳng tay đánh vào túi tiền của họ. Và để hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng, chủ cửa hàng ngoài việc cử người đi dò đường, trông chừng lực lượng CSGT, nếu khách trong quán trót “mặt đỏ tía tai”, họ sẵn sàng gọi taxi đưa về. 
Nói là vậy, nhưng thực tế đa phần khách hàng sau khi đã chuếnh choáng men say thì đều tự mò mẫm về. 
Ở những quán bia, nhà hàng khác khi người viết hỏi về vấn đề này cũng nhận được hàng chục ý kiến tương tự như vậy. Xét cho cùng, chính cái máu “anh hùng” khi có thêm chút men lại càng được đà phát tiết. Nó khiến không ít những “ma men” dù đã ngà ngà hơi men trên bàn nhậu vẫn khẳng định việc uống rượu, bia trước khi lái xe là đúng.
Cũng dễ hiểu vì sao có không ít đối tượng, như trường hợp một chuyên viên Bộ Nội vụ say rượu, lái xe gây tai nạn tối 11/12 vừa qua còn lớn tiếng nạt nộ,  rút thẻ ngành “dọa” lực lượng CSGT.
Khoe chức vụ, “cù nhầy”, sửng cồ, gọi điện cầu cứu
Trên thực tế, hầu hết những người trong tình trạng say xỉn đều rơi vào tình trạng mất kiểm soát trong hành vi, lời nói. Ngoài ra, những hành động của họ khi ấy cũng thuộc dạng “cù nhầy” độc nhất vô nhị. Trưa 25/12, PV có dịp theo chân một tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) đi làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên đường Hoàng Hoa Thám - Ngọc Hà (quận Ba Đình). Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn đứng quan sát, PV đã ghi nhận được không ít tình huống bi hài khi các “ma men” tung ra nhằm đối phó với việc đo nồng độ cồn. 
Đơn cử như trường hợp một người đàn ông trung niên chở vợ trên đường bị ra hiệu dừng xe. Gương mặt đỏ ngầu, ông này thừa nhận có nhâm nhi “chút chút” nhưng chắc… không say. “Tôi tỉnh táo như vậy cần gì đo nồng độ cồn” - người này quả quyết. Tuy nhiên, khi tổ CSGT tiến hành đo nồng độ thì kết quả cho thấy trong hơi thở người đàn ông này vi phạm tới 0,277 miligam/lít khí thở. 
Hoặc một trường hợp khác tên T., điều khiển xe máy BKS 29M1-247… Thay vì xuất trình giấy tờ xe như yêu cầu của tổ công tác thì vị này lại “khoe” bản thân đang làm việc cho một đơn vị trực thuộc một bộ và cũng tự giải thích rằng vừa rời nhà hàng dự tiệc cưới. T. tỏ ra “cù nhầy” không hợp tác, rồi quay ra hí hoáy bấm điện thoại cầu cứu.
Theo tìm hiểu riêng của người viết, để công tác kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe cho kết quả cao nhất, đa số các tổ CSGT đều phải cử cán bộ bí mật theo dõi tại các khu vực có những quán bia, rượu. Khi phát hiện trường hợp nào rời quán có biểu hiện uống nhiều bia, rượu, trinh sát sẽ báo tin về chốt kiểm tra để các cán bộ tại đây nhận dạng, dừng xe kiểm tra.
Hay nói cách khác, việc bố trí lực lượng chốt chặn đều không quá xa quán nhằm không cho những trường hợp điều khiển phương tiện trên đi một quãng đường dài vì họ rất có thể gây ra nguy hiểm cho người và phương tiện khác. 
Dĩ nhiên tất cả các hành vi nạt nộ, xin xỏ mà các “ma men” áp dụng đều không có tác dụng với lực lượng CSGT. “Người tham gia giao thông bước đầu đã có những động thái tốt hơn, ví dụ như những người đi ô tô có thể họ đi taxi về hoặc có lái xe riêng” - Thượng úy Đỗ Thanh Tùng (Đội CSGT số 2, Công an Hà Nội) khẳng định những kết quả bước đầu mà chiến dịch trấn áp “ma men” mang lại.
Lực lượng CSGT kiểm tra người vi phạm 
Theo một thống kê nhanh của Bệnh viện Việt Đức, có tới 90% các vụ tai nạn giao thông vào cấp cứu ở bệnh viện đều có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu, bia. Trong đó, đối tượng chủ yếu là người lái xe ô tô, xe máy sử dụng rượu, bia gây tai nạn hoặc nạn nhân bị người sử dụng rượu, bia đâm phải... 
Nói như vậy để thấy rằng việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy hiểm rất lớn. Muốn hạn chế được những hậu quả nguy hiểm đó, trước hết mỗi người dân cần nhận thức rõ tác hại của rượu, bia, nhất là khi điều khiển phương tiện giao thông.
10 năm tăng 230% lượng bia tiêu thụ
Theo thống kê, nếu như 10 năm trước Việt Nam chỉ tiêu thụ 1,29 tỉ lít bia/năm thì chỉ sau một thập niên, con số này đã tăng hơn 230%. Theo dự đoán của Bộ Công Thương, đến năm 2015 sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam có thể đạt ngưỡng 4,2 – 4,5 tỉ lít. Ước tính hiện nay nước ta có khoảng 30 thương hiệu bia với hơn 400 nhà máy sản xuất. Riêng về nhập khẩu, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, nước ta hiện đang nhập khẩu từ 3,6 – 4 triệu lít/năm.

Đọc thêm