Ông Lê Xuân Đức – Trưởng phòng Hướng dẫn công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an) cho biết, sau 20 ngày tiến hành thí điểm kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tại Quảng Ninh, đã tiến hành kiểm tra hơn 3.500 trường hợp, phát hiện 170 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, tước giấy phép lái xe 107 trường hợp, tạm giữ 170 phương tiện.
Quy trình kiểm tra trên, ngoài việc phát hiện những trường hợp vi phạm, còn tác động sâu sắc tới ý thức của người tham gia giao thông vì diện kiểm tra rộng.
Kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình mới
Cũng theo ông Đức, hình thức kiểm soát xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế được thực hiện như sau: tại vị trí triển khai đội hình, đặt biển báo “Chốt kiểm tra nồng độ cồn”. Phương tiện được ra hiệu đi chậm lại. Cảnh sát Giao thông sẽ phân loại, nếu phương tiện không có dấu hiệu vi phạm sẽ được hướng dẫn đi thẳng.
Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm cần kiểm tra thì hướng dẫn xe đi vào làn kiểm tra tới vị trí kiểm tra. Ở đây, lái xe được yêu cầu dừng xe an toàn, và tùy loại phương tiện mà ra hiệu cho lái xe ngồi yên vị trí (đối với xe mô tô, xe ô tô từ 12 chỗ trở xuống, xe tải dưới 3,5 tấn) hoặc ra ngoài cho phù hợp.
Khác quy trình cũ là người điều khiển phương tiện được yêu cầu dùng ống thổi để xác định nồng độ cồn ngay, phương pháp này được bắt đầu bằng việc sử dụng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo thụ động (định tính). Nếu không phát hiện vi phạm thì lái xe được hướng dẫn tiếp tục hành trình, nhưng nếu phát hiện có vi phạm quy định về nồng độ cồn thì lái xe được yêu cầu đưa xe về bãi kiểm tra giấy tờ xe, sử dụng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo chủ động (định lượng) cắm ống thổi vào máy đo, kiểm tra xác định mức độ vi phạm, lập biên bản xử lý theo quy định.
Ai cũng có thể bị kiểm tra
Theo quy trình cũ, lực lượng chức năng phải đi điều tra cơ bản, nắm tình hình, khảo sát địa bàn, tuyến giao thông và các tụ điểm, quán ăn uống, nhà hàng, và những trường hợp bị yêu cầu đo nồng độ cồn đều xác định có vi phạm, khiến người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, thì quy trình theo kinh nghiệm quốc tế lại thực hiện phương thức khác. Bất cứ ai điều khiển phương tiện cũng có thể bị kiểm tra và khi xác định có cồn thì mới được xác định nồng độ. Vì thế, số người và phương tiện được dừng kiểm tra là không nhỏ, cũng rất dễ gây nên ùn tắc, mất trật tự.
“Chính vì thế, chúng tôi đã phải rút kinh nghiệm từ quốc tế, điều chỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, tập huấn kỹ càng cho cán bộ, chiến sĩ rồi mới đưa ra thí điểm trước khi quyết định triển khai rộng hơn - ông Lê Xuân Đức nói - Khi thực hiện công tác xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định nồng độ cồn, lực lượng làm nhiệm vụ phải tiếp cận với những người đã sử dụng rượu, bia nên tinh thần rất dễ bị kích động dẫn đến lời nói, hành động manh động, do đó lực lượng chức năng cũng phải có thái độ nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, linh hoạt để tránh xung đột và xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ”.
Từ kết quả thí điểm ở Quảng Ninh, mô hình này sẽ được triển khai rộng hơn ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa… là những nơi có điều kiện hạ tầng giao thông đáp ứng được vị trí triển khai đội hình kiểm tra. “Nơi nào hạ tầng giao thông đáp ứng được thì áp dụng quy trình này, nơi nào hạ tầng không đáp ứng được thì vẫn áp dụng quy trình cũ” - đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) nhận định./.