Những văn tự đặc biệt khắc trên đá núi Ngũ Hành Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ma nhai (văn tự khắc trên đá) bằng chữ Hán và chữ Nôm tại Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) từ lâu đã nổi tiếng. Hệ thống 78 văn bản của các vị vua, quan triều Nguyễn, trí thức, cao tăng có niên đại trải dài từ đầu thế kỷ 17 đến thế kỷ 20; vừa được Chương trình kí ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) công nhận là di sản kí ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cận cảnh một ma nhai.
Cận cảnh một ma nhai.

Nguồn tư liệu lịch sử giá trị vượt thời gian

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng BQL danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, hệ thống văn tự 78 văn bản khắc trên đá tại đây vô cùng quý giá, là câu chuyện lịch sử thú vị đối với những người tìm hiểu truyền thống văn hóa.

Một trong những ma nhai sớm nhất tại đây là bản Phổ Đà sơn Linh trung Phật của thiền sư Huệ Đạo Minh. Muộn nhất là bản Phụng tạo Quán Thế Âm Bồ Tát tôn tượng, viết năm 1955.

Qua nhận định của các chuyên gia, nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo của ma nhai là không thể thay thế, có giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.

Đơn cử như ma nhai “Phổ Đà sơn linh trung Phật” lưu giữ những “ký ức” về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực, cũng như chuyện về một số phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân với người nước ngoài vào thế kỷ XVII.

Du khách nước ngoài chiêm ngưỡng ma nhai tại Ngũ Hành Sơn.

Du khách nước ngoài chiêm ngưỡng ma nhai tại Ngũ Hành Sơn.

Tính quý hiếm của hệ thống ma nhai còn thể hiện về mặt số lượng nhiều văn khắc, nhiều ma nhai là tài liệu gốc duy nhất được Vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Mỗi văn bản ma nhai chỉ có một bản duy nhất. Việc sáng tác, khắc ghi được cụ thể từ ngữ cảnh, thân thế con người, niên hiệu cụ thể đều được ghi chép lại.

Ma nhai tập trung chủ yếu ở động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham và rải rác ở một vài nơi khác. Hiện tại ở động Hoa Nghiêm có khoảng 21 ma nhai, trong đó 16 ma nhai còn đọc được nội dung. Động Huyền Không đang lưu giữ 30 ma nhai với các nội dung đa phần thơ tả cảnh ngụ tình. Hầu như trong các ma nhai dạng thơ vịnh cảnh tại Ngũ Hành Sơn đều nhắc đến vẻ đẹp sông nước của danh thắng; từ sông Cổ Cò (hay còn gọi Lộ Cảnh Giang) nằm uốn quanh cụm núi Ngũ Hành Sơn, nối từ Cửa Đại (Hội An - Quảng Nam), đến cửa Hàn (Đà Nẵng)…

Trên vách đá động Tàng Chơn hiện có 20 ma nhai, trong đó có 15 bia có chữ khắc rõ, còn đọc được nội dung. Hang Vân Cân Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc còn lưu lại 3 Ma nhai ngự bút của Vua Minh Mạng ngự chế vào năm 183…

Nội dung các văn bản còn thể hiện sự hội nhập mang tính quốc tế của Phật giáo thế kỷ XVII, phản ánh hiện diện rõ mối quan hệ giao lưu văn hóa, xã hội, kinh tế từ rất sớm của các nước châu Á với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng; mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải.

Vì những giá trị trên, ma nhai Ngũ Hành Sơn trở thành nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý hiếm, có giá trị vượt thời gian. Toàn bộ văn bản ma nhai hiện đã được dịch ra tiếng Việt, được xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng.

Kỳ vọng góp phần nâng cao vị thế du lịch Đà Nẵng

Bà Phan Thị Xuân Mai, Phòng Di sản Văn hóa, Bảo tàng Đà Nẵng nhận định, ma nhai có các ý nghĩa giá trị vượt ra ngoài ranh giới một quốc gia. Đây là loại hình di sản tư liệu quan trọng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, đặc trưng cho giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa các nước Đông Nam Á, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam từ thời trung đại được kế thừa cho tới hôm nay.

Muốn câu chuyện lịch sử lưu truyền dài và xa hơn, đẩy mạnh du lịch giới thiệu về di sản văn hóa như ma nhai được xem là giải pháp tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện một số văn bản ma nhai ở Ngũ Hành Sơn đã bị bào mòn theo thời gian, không còn đọc được hoặc khó đọc. Việc chuyển thể nội dung ma nhai thành văn bản tiếng Việt để mọi người cùng biết cũng chưa thật sự phổ biến.

Cận cảnh một ma nhai.

Cận cảnh một ma nhai.

Cuối tháng 11/2022, Hội nghị toàn thể lần thứ 9 tại Hàn Quốc của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), đã công nhận “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, Việt Nam” là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện này là cơ sở để Đà Nẵng trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa thế giới. Từ đó sẽ có lợi thế lớn để Đà Nẵng khai thác, nâng cao vị thế và phát huy các giá trị di sản nhằm giới thiệu đến du khách khi đến tham quan TP biển miền Trung và góp phần phát triển kinh tế, nâng cao giá trị bề dày văn hóa, lịch sử của TP.

Đại diện Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tham mưu UBND TP lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Xây dựng các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng, trong đó có hệ thống ma nhai. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, học giả, công chúng tiếp cận với di sản tài liệu này theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Một góc Ngũ Hành Sơn.

Một góc Ngũ Hành Sơn.

Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng thông tin thêm, thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ đẩy mạnh loại hình du lịch văn hóa, du lịch di sản để nâng cao giá trị di sản trên địa bàn. Về lâu dài sẽ xem xét, tuyển chọn và đề nghị đưa vào trường học các tác phẩm tiêu biểu trong hệ thống ma nhai nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Hiện nay trên thế giới, ma nhai thường có trong hệ thống hang động ở một số quốc gia châu Á. Tuy nhiên, không phải tại địa điểm nào cũng lưu lại một số lượng ma nhai lớn, vừa phong phú nội dung, đa dạng về thể loại với các loại hình văn học cổ gồm cả chữ Hán và chữ Nôm như ở Ngũ Hành Sơn.