Những việc nên làm và cần tránh trong ngày lễ ông Táo năm 2021

(PLVN) - Ngày 23 tháng Chạp năm nay trùng ngày 4/2/2021 (Dương lịch) - ngày Lập Xuân, do vậy mọi người tránh không làm và nên làm những việc dưới đây để mang lại vận khí may mắn cho năm mới.
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo (ảnh minh họa).

Không nên rút tỉa chân nhang

Ngày ông Công, ông Táo năm 2021 hiếm gặp khi ngày 23 tháng Chạp trùng với ngày Lập Xuân 4/2/2021. Theo văn hóa Á Đông, vào ngày Lập Xuân - ngày đầu tiên của tiết Lập Xuân, mở đầu 24 tiết khí trong năm là ngày rất quan trọng.

Vào ngày này, vạn vật tại nội gia phải an yên, con người tâm thái bình tĩnh, tích cực đón chào vận khí mới. Theo tập tục, sau khi cúng ông Công, ông Táo, các gia đình sẽ tiến hành rút tỉa chân nhang, bao sái đồ thờ, tổng vệ sinh phòng thờ hay nơi thờ cúng và nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên vào những năm đặc biệt thì thủ tục sẽ khác hơn.

Dù chúng ta cúng ông Công, ông Táo ngày nào, trước 23/12 âm lịch hay đúng ngày 23/12 âm lịch thì vẫn phải tiến hành lau dọn bàn thờ, tổng vệ sinh nhà cửa trước khi bắt đầu bước vào tiết Lập Xuân, tiết khí đầu năm mới. Năm 2021 Lập Xuân bắt đầu từ 21h59 phút ngày 3/2/2021 dương lịch tức đêm 22/12/2020 âm lịch. Chính vì vậy, chúng ta phải tiến hành bao sái đồ thờ, dọn dẹp nhà cửa như dựng giường lau dọn phòng ngủ, chuyển két sắt lau dọn khu tài vị, tháo bếp lau dọn bếp nấu, di chuyển bàn ghế lau dọn phòng khách... trước 21h ngày 3/2/2021.

Nếu gia đình nào cúng ông Công, ông Táo sớm vào các ngày 19, 20, 21, 22 tháng Chạp (ngày 22/12 âm lịch phải cúng sáng hoặc cúng chiều không cúng tối) thì nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh ngay sau khi cúng.

Nếu gia đình cúng ông Công, ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp thì cúng xong để an yên, sang sáng ngày 24 hay 25 mới được rút tỉa chân nhang. Vì ngày 23 tháng Chạp trùng ngày 4/2 dương lịch - ngày Lập Xuân, không thể rút tỉa chân nhang được, sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới.

Đặc biệt lưu ý, khi làm nghi thức rút tỉa chân nhang không được làm xê dịch bát hương, không xê dịch bàn thờ. Nếu gia đình có bàn thờ bị mối mọt, cong vênh, nứt vỡ hay bát hương nứt, bát hương đồng gỉ cần phải đánh bóng hay đơn giản là muốn thay bát hương, chuyển bàn thờ sang vị trí tốt hơn... thì sau khi chuyển phải làm lễ an vị bát hương, an vị ban thờ ngay.

Bộ vàng mã cúng ông Táo.  

Trong các di chỉ cổ về tập tục văn hóa đã ghi rất kĩ việc bát hương an yên trong một ngôi nhà là điều quan trọng.

Khi rút tỉa chân nhang, gia chủ phải một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút dần chân nhang. Lau dọn bàn thờ phải lau mặt nhật nguyệt của bát hương đầu tiên, lau bát hương trước rồi mới lau đến các đồ thờ khác.

Nếu nam nhân làm chủ khí trong nhà, để lại 17, 27, 37 chân nhang. Nếu nữ nhân làm chủ khí trong nhà (trường hợp mẹ góa con côi hay bà mẹ đơn thân) để lại 19, 29, 39 chân nhang. Khi lau dọn tổng vệ sinh bàn thờ, tối kị mở toang các cửa phòng thờ khiến ánh nắng chiếu rọi vào bàn thờ gây tổn hại linh khí...

Phòng thờ quanh năm nên được buông rèm tối, phía trong bật 2 cây đèn đỏ hoặc đèn vàng. Đề phòng hỏa hoạn, nếu dùng bàn thờ gỗ nên đặt kính trên bàn thờ tránh tàn rụng gây cháy, tuy nhiên phải dán đề can mờ để không phản chiếu hình ảnh đồ thờ đổ xuống kính...

Một số chuyên gia phong thủy cũng chỉ ra những điều không nên và nên làm trong ngày Lập Xuân đầu tiên của năm. Không được tổng vệ sinh, quét dọn nhà cửa vào ngày Lập Xuân đầu tiên của năm. Không đổ rác ngày Lập Xuân đầu tiên của năm. Không cho nước vào ngày Lập Xuân đầu tiên. Người Việt quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi “tiền vào như nước”. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, mát lành.

Mọi người cũng tránh không tranh cãi, bất hòa vào ngày Lập Xuân đầu tiên của năm. Vào ngày này, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.

 Kiêng quan hệ nam nữ, sinh hoạt vợ chồng vào ngày Lập Xuân đầu tiên của năm. Không vay tiền, mượn tiền, trả tiền vào đêm 22/12 Âm lịch đến hết ngày Lập Xuân đầu tiên 23/12 Âm lịch.

Ngày này tư gia đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt. Tuy nhiên, riêng khối ngân hàng, tài chính thì khác, càng cho vay được nhiều thì lại càng tốt.

Kiêng nói những điều xui xẻo vào ngày Lập Xuân đầu tiên. Những phát ngôn trong ngày Lập Xuân sẽ ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo. Thay vào đó, bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.

Kiêng mặc quần áo đóng bộ gồm cả 2 màu trắng, đen trong ngày Lập Xuân đầu tiên. Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen kết hợp cùng lúc là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy vào ngày Lập Xuân đầu tiên nên mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ như: màu hồng, đỏ, vàng, xanh… để tạo nên sự hưng phấn và vui vẻ, tăng cường may mắn. Nếu vì công việc hay đó là gu thời trang thì nam mặc vest có thể dùng cà vạt hay cài áo màu đỏ, xanh lá, xanh lam nữ dùng khăn quàng cổ hoặc cài áo màu sắc tươi tắn…

Những điều nên làm trong ngày Lập Xuân đầu tiên:

Tham gia các bữa tiệc hỷ, họp mặt vui vẻ để tinh thần lạc quan, sảng khoái (nhưng năm nay dịch Covid-19 nên ta không đến chỗ đông người). Trong ngày Lập Xuân đầu tiên nên dậy sớm để hít thở không khí trong lành, tập luyện thể dục thể thao tăng cường sức khỏe. Nên làm nhiều việc thiện, xuất phát từ cái tâm của mình chứ không phải chỉ để mong chờ phúc báo. Trồng hoặc mua thêm cây xanh đặt quanh nhà để tăng thêm sắc xanh, thay đổi vận khí, giúp phong thủy luân chuyển theo hướng tích cực hơn. Nếu trong nhà có thờ cúng nên sắm chút hoa quả mùa xuân để thắp hương ngày Lập Xuân đầu tiên.

Văn khấn, đồ lễ cúng ông Công ông Táo

Hàng năm, đến ngày 23 tháng Chạp, người người nhà nhà lại cúng ông Táo. Theo quan niệm dân gian thì ngày này là ngày ông Táo về chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng trên thiên đình những chuyện vừa xảy ra trong một năm vừa qua dưới hạ giới. Để tiễn ông Táo về trời sau một năm ở cùng con dân dưới hạ giới. Người ta bày mâm cúng với cá chép làm phương tiện cho ông Táo bay về trời cùng nhiều món ăn và đồ vật khác.

Lễ vật cúng Táo quân (hai ông, một bà) tùy mỗi gia đình chủ yếu là thành tâm nhưng thông thường cần chuẩn bị những lễ vật như sau: Một bình bông, đĩa trái cây ngũ quả (thanh long, mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài). Ba chén chè trôi nước, ba đĩa mứt, ba đĩa trà khô, nhang, đèn, rượu, kẹo, cốm, bánh. Giấy cúng gồm tiền, vàng, bộ đồ, con ngựa…

Ngoài ra cũng tùy mỗi gia đình có thể cúng mâm cơm thường dùng hằng ngày gồm: Cơm, canh, cá, rau, củ kiệu, đĩa thịt luộc hoặc gà luộc, mắm, đĩa bánh chưng hay bánh tét... để dâng cúng. Bên cạnh đó, tín ngưỡng dân gian còn dâng cúng cá chép sống - vật để Táo quân cưỡi về trời. Khi làm lễ cúng xong người dân phóng sinh cá chép.

Đặc biệt ngày 30 Tết phải làm lễ rước ông Táo về ngự ở gia đình để cầu xin ngài phù hộ cho đất nước được thanh bình, nhân dân an lạc. Tất cả dân chúng đều cơm no áo ấm. Mọi người đều sống thoải mái qua đầu năm cho đến những cuối năm...

Khi cúng ông Công ông Táo chủ nhà thắp 3 nén hương (hoặc 5, 7, 9 nén tùy ý, nhưng nhìn chung là số lẻ), sau đó, gia chủ vái ba vái và khấn bài cúng. Sau khi hương tàn 2/3 thì chủ nhà xin phép hạ lễ hoá vàng. Sở dĩ cần đợi hương tàn hết 2/3 là bởi có quan niệm cho rằng nếu hương còn thì hoá vàng mới giúp các ông Táo nhận được.

Đọc thêm