Những “viên ngọc ẩn” giữa lòng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội được coi là điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước khi khám phá du lịch Việt Nam. Nhưng giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến vẫn còn những “viên ngọc ẩn” mang giá trị văn hóa du lịch độc đáo chưa được biết đến rộng rãi.
Làng rối nước Đào Thục. (Ảnh: Danviet.vn)
Làng rối nước Đào Thục. (Ảnh: Danviet.vn)

Nhiều điểm đến vắng du khách

Hà Nội hiện có số lượng di tích nhiều nhất cả nước với 5.922 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, có di tích đã được UNESCO vinh danh. Đây là nguồn lực đặc biệt giúp Hà Nội hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những “biểu tượng” Thủ đô như phố cổ, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn,Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long..., Hà Nội vẫn còn nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị với cảnh quan tự nhiên độc đáo còn chưa được nhiều người biết tới. Có thể điểm danh một số “viên ngọc ẩn” như quần thể di tích núi Hoàng Xá, làng cổ Đường Lâm… hay các làng nghề thủ công truyền thống.

Hà Nội có tới gần 1.400 làng nghề thủ công truyền thống, song chỉ có số ít được đưa vào các tour tham quan Thủ đô, nổi tiếng có làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc. Nhiều điểm đến làng nghề đã được Nhà nước và các cấp chính quyền tạo điều kiện phát triển du lịch nhưng vẫn trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”.

Lý giải điều này, một số công ty lữ hành cho rằng nguyên nhân không phải do các làng nghề không có sức hút. Ngược lại, những làng nghề như làng nón Chuông, làng mây tre đan Phú Vinh, làng hương Quảng Phú Cầu, làng rối nước Đào Thục… qua biết bao năm vẫn giữ được nét đẹp riêng ấn tượng. Nguyên nhân chính là việc người dân các làng nghề này chưa được trang bị kiến thức về tiếp thị du lịch, chưa được hướng dẫn bài bản để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút. Khách du lịch đến đây nhưng không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của địa chỉ tham quan, do đó họ không thấy thú vị. Chính vì thế, các làng nghề dù mang đậm giá trị văn hóa nhưng khó hấp dẫn du khách.

Nhà thủy đình 8 mái trong quần thể di tích núi Hoàng Xá. (Ảnh: Báo Xây dựng)
Nhà thủy đình 8 mái trong quần thể di tích núi Hoàng Xá.

(Ảnh: Báo Xây dựng)

Các bảo tàng cũng được đánh giá là những điểm đến ưa thích của nhiều du khách. Nhưng tại Hà Nội, vẫn có những bảo tàng đìu hiu dù được đầu tư kinh phí lớn. Theo các chuyên gia văn hóa, lịch sử, cách trưng bày tại nhiều bảo tàng cho thấy các cơ sở này chưa thực sự tìm ra một ý tưởng, một phong cách trưng bày riêng, thiếu sức sống. Đồng thời, nhiều bảo tàng chưa tổ chức nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm, các hoạt động văn hóa hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt, từ đó thu hút khách tham quan. Nếu chỉ dựa vào thiết kế hoành tráng hay giao diện đẹp thì du khách có nhiều lựa chọn khác hơn là đến tham quan bảo tàng.

Phát huy giá trị tiềm ẩn

Hiện nay, Hà Nội đang sở hữu rất nhiều “viên ngọc quý” là tài nguyên du lịch. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những “viên ngọc” đó có thể tỏa sáng?

Những năm qua, Hà Nội luôn tập trung đầu tư phát triển vào các địa điểm du lịch nổi tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần quan tâm thêm những nơi có tiềm năng nhưng chưa được du khách chú ý đến. Cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng thế giới. Dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương để phát huy thế mạnh sẵn có, ngành Du lịch cũng cần nhìn nhận lại những hạn chế để khắc phục trong thời gian tới.

Nhiều bảo tàng gặp tình trạng chung vắng khách. (Ảnh: Traveloka)
Nhiều bảo tàng gặp tình trạng chung vắng khách.

(Ảnh: Traveloka)

Ngoài ra, trong thời đại 4.0 hiện nay, mạng xã hội là một kênh quảng bá hiệu quả, dễ tiếp cận nhiều đối tượng du khách toàn cầu. Một trong những nơi thành công với hình thức quảng bá này có thể kể đến là Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Nhờ tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, tận dụng sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội để truyền thông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thành công đưa lịch sử và di tích đến gần hơn với công chúng.

Hay như làng múa rối Đào Thục, sau nhiều năm vắng khách vì dịch COVID-19, giờ đây múa rối Đào Thục đang dần thay đổi cách quảng bá. Trang mạng xã hội Facebook của phường múa rối Đào Thục thường xuyên cập nhật thông báo chương trình biểu diễn và các thông tin cần thiết phục vụ du khách xa gần.

Có thể thấy, cần một kế hoạch “dài hơi” và sự đồng lòng từ cơ quan chức năng đến các tổ chức xã hội, nhân dân để khai phá các giá trị văn hóa, du lịch tiềm ẩn tại Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhưng tin rằng, khi các giá trị này tỏa sáng sẽ giúp Hà Nội phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.

Đọc thêm