Ít ai biết ở bờ Nam ngay đầu cầu sông Gianh, nơi in dấu Trịnh – Nguyễn phân tranh, nơi từng là “túi bom” giặc Mỹ trút xuống, vùng đất nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông -Tây dải đất hình chữ S của Việt Nam còn từng gánh chịu một sự kiện tang thương hiếm thấy trong lịch sử. Ngày 23/8/1951, giặc Pháp và quân đội Bảo Đại ập tới bắn giết hòng xóa sổ một ngôi làng.
Tội ác dã man của giặc Pháp
Manh mối sự việc đến từ quá trình nghiên cứu tài liệu, chúng tôi tìm thấy một bộ hồ sơ viết về vụ việc có tên “Về việc điều tra vụ thảm sát dân làng Đặng Đề, Quảng Khê, Quảng Bình của quân đội Pháp năm 1951, số kí hiệu hồ sơ 1270, Phòng lưu trữ Phủ Thủ hiến Trung Việt”, hồ sơ này được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Sự việc được miêu tả qua báo cáo của Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Bình gửi Thủ hiến Trung Việt tại Huế năm 1951.
Theo Mật thư số 5796/VP/M ngày 30/8/1951: Ngày 22/8/1951, có bốn binh sĩ quân đội Bảo Đại thuộc đồn Quảng Khê đi tuần, đến làng Đặng Đề bị du kích địa phương vây đánh. Ngày hôm sau, 23/8/1951, quân Pháp và quân Bảo Đại huy động lực lượng đến tàn sát dân làng, “giết chết 154 người, làm sáu người bị thương và bắt 30 con bò về đồn Quảng Khê khiến dân chúng hoang mang sợ hãi, dư luận rất xôn xao”.
Sau vụ thảm sát này, chính quyền thuộc địa đã thành lập một đoàn điều tra về vụ việc. Mật thư viết tiếp: “Theo tấu trình của ông Nguyễn Tối, Lý trưởng làng Đặng Đề, tổng Quảng Khê, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình: “Ngày 23/8/1951, vào lúc 12h trưa, một toán lính thuộc đồn Quảng Khê, gồm lính Pháp, một số lính Ma rốc và lính thân binh Việt Nam (quân đội Bảo Đại – NV) đã đổ bộ vào làng Đặng Đề bằng hai con đường. Một mặt bằng xuồng máy, một mặt bằng đường bộ.
Lúc đó bọn chúng gặp trong làng có hai nhà đang cúng đám chay (đám tang – NV), người dân lại tụ họp đông đúc, liền bắt họ ra xếp hàng và bắn chết rất nhiều người, chỉ còn lại một ông thầy cúng và một người chủ hiếu. Sau khi bắn xong người trong hai đám chay đó, lính Pháp lại bắn chết một số người đang lợp nhà. Họ cũng bị gọi xuống xếp hàng và bị bắn. Chưa dừng lại ở đó, lính Pháp đi vào làng gặp ai bắn nấy, nhất là thanh niên. Tổng số người chết lên đến gần 200 người, bị thương trên 20 người. Chúng còn cướp đi của dân làng 28 con bò nữa.
Vụ việc này lại tái diễn khi ngày 26/8/1951, lính Pháp quay lại làng Đặng Đề giết chết hai dân làng nữa.
Theo Lý trưởng Nguyễn Tối thì “nguyên nhân của vụ thảm sát này là do ngày 22/8/1951, vào khoảng 4h chiều có một toán thân binh Việt Nam tuần tiễu ở vùng này, khi đi qua Đặng Đề bị du kích địa phương chặn đánh, cướp một khẩu súng và làm bị thương một người”. Như vậy nguyên nhân sự việc thì trùng khớp, riêng về số nạn nhân bị bắn chết thì có số liệu vênh nhau tới 50 người.
Quân Pháp trong một trận càn. |
Lời khai của một số lính Pháp và thân binh
Báo cáo của đoàn điều tra về sự việc cũng đã ghi lại lời khai của một số lính Pháp và thân binh tham gia vụ tàn sát.
Theo lời khai của Thiếu úy Pháp, Đồn trưởng Đồn Quảng Khê, ngày 22/8/1951, bốn thân binh đi tuần tiễu, lúc về qua địa phận làng Đặng Đề, bị dân quân du kích phục đánh, một thân binh bị thương, phải điều trị tại Đồng Hới. Qua ngày hôm sau, lực lượng ba thành phần gồm thân binh, lính Ma rốc và Pháp dưới sự chỉ huy của Thiếu úy Đồn trưởng đã quay lại Đặng Đề. Viên Thiếu úy dừng ở đầu làng với một số binh lính, còn một số khác tiến sâu vào làng, sau đó súng nổ vang trời. “Tôi vào trong làng đã thấy 20 người bị bắn chết, hai người đàn bà bị thương tại một ngôi nhà. Nguyên do dẫn đến vụ việc trên, là khi đến ngôi nhà này, binh sĩ dưới quyền thấy có đông người, trong số ấy có nhận diện được hai du kích đã tham dự vào trận phục kích ngày hôm trước”, lời khai của viên Thiếu úy.
Lời khai của Trung sĩ Bey Net cũng có cùng nội dung nêu trên, không rõ có phải vì đã được thông cung với cấp trên: “Khi tôi vào làng cùng với Đồn trưởng, đã thấy 20 người bị bắn chết và hai người bị thương”.
Tuy nhiên theo lời khai của một số thân binh Việt Nam, lại cho thấy sự lệch số liệu chứng tỏ sự thật đã được bóp méo, cũng như thấy được sự dã man của những đối tượng này. Theo lời khai của thân binh Phạm Luân, đối tượng tham dự sự kiện từ ngày 22/8/1951: “Chiều ngày 22/8/1951, tôi cùng hai binh sĩ nữa dưới sự chỉ huy của một trung sĩ đi tuần tiễu, khi qua làng Đặng Đề cách đồn khoảng 2km tất cả đều vô sự. Tuy nhiên lúc trở về qua địa phận làng Đặng Đề bị dân quân du kích chặn đánh, một thân binh bị thương và mất một khẩu súng tiểu liên, ngoài ra tất cả đều vô sự”.
Vẫn lời khai Phạm Luân: “Qua ngày 23/8/1951, tôi lại tham gia vào cuộc hành quân dưới sự chỉ huy của Thiếu úy Đồn trưởng. Trong cuộc hành quân này tôi vào lùng sục chín nhà bắn chết 1 thanh niên và làm bị thương 1 người đàn bà. Tôi thấy trong cuộc hành quân này chúng tôi đã bắn chết cả thảy 5 quân dân, 15 du kích, 2 người đàn bà bị thương và bắt 25 con bò”.
Lời khai của viên thân binh Trần Bôi về trận phục kích của du kích trong ngày 22 cũng giống như lời khai của Phạm Luân. Còn riêng về ngày 23 Bôi cho rằng: “Tiểu đội của tôi đi vây làng Đặng Đề ngả ở ngoài ruộng, phát hiện ra một nhóm du kích nên bọn tôi đã bắn, ước chừng chết 5 người, tuy nhiên khi kiểm tra thấy chết 2 người. Sau đó tôi vào làng thấy 15 người bị bắn chết. Ba ngày sau tôi cùng một số binh lính lên làng để vây bắt tiếp, và tôi đã bắn chết 3 người”.
Làng Đặng Đề nay là làng nào?
Ngay cả chính quyền thuộc địa thời đó cũng thấy rằng lời khai của các binh sĩ gây ra vụ thảm sát “có vấn đề”, nên một đoàn điều tra tiếp theo được thành lập. Theo Công vụ lệnh số 2422-VP/VCB ngày 9/5/1951 của Phủ Thủ hiến, tiếp tục lập Ủy ban điều tra gồm có các Tỉnh trưởng, Ty trưởng Công an tỉnh Quảng Bình, Huyện trưởng huyện Bố Trạch và Trung tá đại diện Thiếu tướng Ủy viên Cộng hòa Trung Việt, Trung tá chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đến tại nơi xảy ra vụ thảm sát điều tra.
Ủy ban này lấy lời khai của Ban Lý hương làng Đặng Đề là Phan Phương (Hội trưởng), Nguyễn Tuân (Phó hội trưởng), Nguyễn Khoái (hương kiểm), Phan Kiên (hương kiểm) đều xác nhận như lời khai của Lý trưởng Nguyễn Tối, chỉ khác là số người bị bắn chết 78-79 người, trong đó hai người đàn bà, số bị thương từ 11 đến 12 người.
Tuy nhiên, ông Phan Uyên (người đã làm lễ cúng chay) cho rằng thấy lính Pháp đến đông và lùa thanh niên ra bắn chết tại chỗ đã hơn 30 người. Ông Uyên cho rằng tổng số người trong làng bị chết 197 người.
Còn theo một số ý kiến khác trong làng thời đó, đã thống kê danh sách 80 người chết và khám được 40 cái mộ mới chôn rải rác trong làng.
Nói cách khác, trong sự việc này, lời khai của các nhân chứng, số liệu người dân làng Đặng Đề bị giết đều không giống nhau, thậm chí lệch nhau rất nhiều. Chỉ có điểm chung duy nhất thì trùng khớp, là nguyên nhân sự việc xuất phát từ sự trả thù hèn hạ của lính Pháp với những người dân thường vô tội.
Theo Công văn số 1528/CM.NH.V của Trần Trọng Sanh, Giám đốc địa phương Cảnh sát và Công an Quốc gia tại Trung Việt gửi Thủ hiến Trung Việt ở Huế cho biết: Viên Trung tá chỉ huy binh lính Pháp ở Đồng Hới đã cùng viên Đồn trưởng Đồn Quảng Khê về làng Đặng Đề phân phát cho gia đình mỗi nạn nhân bị bắn chết một số tiền và các gia đình bị mất bò một số gạo để chia nhau. Sau đó nhà chức trách quân sự Pháp bắt Ban hội đồng và Lý trưởng làng Đặng Đề ký giấy chứng nhận trong vụ thảm sát đó chỉ có 38 người bị bắn chết, và viên Đồn trưởng Quảng Khê giao lại 15 con bò cho đương chủ.
Vậy là vụ việc đã bị bưng bít qua cái cách mà nhà chức trách Pháp đã làm là việc phát gạo và cách xử lý không minh bạch. Các con số trong các văn bản không thống nhất về số người bị giết và cách khắc phục cũng không được công minh.
Có lẽ chính vì sự bưng bít một cách chuyên nghiệp như trên của giặc Pháp, mà sự kiện bi thảm này suốt 67 năm dần bị lãng quên. Địa danh Đặng Đề nay cũng không còn. Nhóm PV đã hỏi rất nhiều người ở Quảng Bình, nhưng đều nhận được cái lắc đầu quầy quậy không rõ nơi nào.
Vậy “thảm sát Đặng Đề” có thật hay không, hay tài liệu nêu trên có lẽ nào là một tài liệu giả? Sự việc dần được mở đầu mối, khi tìm đến đầu cầu sông Gianh, chúng tôi được biết ở một ngôi làng gần đó, tới nay vào một ngày mùa thu vẫn có những nhà làm đám “giỗ làng”....
(Còn tiếp)