Những 'vùng cấm' đang được mở

(PLO) - Dù chủ trương “không có vùng cấm” nào đối với các hành vi vi phạm pháp luật và cũng không loại trừ bất cứ ai, tuy nhiên, trên thực tế lại xuất hiện “vùng nhạy cảm” để yêu cầu người ta không nói đến, nhắc đến, từ chối cung cấp thông tin hay không phản ảnh trên báo chí. Giờ đây, các “vùng cấm” đó đang dần mở ra trước dư luận xã hội, hay còn gọi là công khai.
Dự án sân bay Long Thành.

Điển hình nhất là khi Quốc hội bàn về sân bay Long Thành thì thực trạng sân bay Tân Sơn Nhất bị phơi bày từ chính những phản ảnh, đánh giá của các đại biểu. Vì thế, báo chí mới có cơ hội vào cuộc và dư luận mới tỏ tường chuyện “trong một thành phố có một sân bay, trong một sân bay có một sân gôn” và trong một sân gôn có nhà hàng, khách sạn và một số thứ khác mà được coi là “bí mật quân sự”. Duy chỉ còn lại một thắc mắc: Thu hồi đất đó để mở rộng sân bay là việc làm chính đáng, cần kíp sao mà lại khó thế? Đằng sau câu chuyện này là gì, thế lực của “lợi ích nhóm” đã dựng lên một “vùng cấm” hay sao?.

Hoặc, ngoài 9 địa phương bị Chính phủ “điểm danh” sai trái trong bổ nhiệm cán bộ còn một số địa phương khác, trong đó có tỉnh Yên Bái. “Vùng cấm” đã mở và báo chí vào cuộc. Bên cạnh việc bổ nhiệm một Giám đốc “người nhà” trẻ tuổi nhưng “đúng quy trình” theo giải trình của người ký bổ nhiệm ở địa phương này là khối tài sản của ông ta cũng “thăng tiến” rất nhanh. Không chỉ biệt thự, hồ nước, cầu treo, nhà sàn trị giá nhiều tỷ đồng mà việc biến đất rừng, trồng cây,... hàng chục ngàn mét vuông thành đất ở cũng thuộc loại “thần tốc”, chỉ trong một ngày!

Tất nhiên, cũng như việc bổ nhiệm “đúng quy trình” đối với ông thì việc sở hữu tài sản này cũng sẽ được giải thích do thu nhập chính đáng mà có. Cái đáng chú ý nhất trong câu chuyện này là sự việc đã được phơi bày và mọi người đều biết!

Nếu như trước kia, một ông Chủ tịch tỉnh có hành vi vi phạm pháp luật thì việc đó là “nhạy cảm” và hạn chế đưa tin, chỉ trừ những trường hợp đã quá rõ ràng như phạt tiền người “nói xấu” mình trên Facebook. Nay thì khác, ông Chủ tịch tỉnh “trót” để lộ danh tính người tố cáo trên văn bản trả lời việc giải quyết tố cáo do ông ký. Thế là có sự phản ánh ngay lập tức của báo chí, luật sư cũng vào cuộc và phân tích hành vi vi phạm pháp luật này, thậm chí còn mạnh miệng là có thể “khởi tố vụ án hình sự” trong trường hợp này.

Lùi xa một chút, dư luận từng xôn xao trước việc một nhân viên Hải quan tại TP Hồ Chí Minh, không chức tước gì mà trong vòng 5 ngày, “thu nhập” từ các chủ hàng công ten nơ tại nơi anh ta phục vụ gần 1 tỷ đồng. Vụ việc tưởng như đã chìm xuồng bởi chắc chắn phải có người “đứng đằng sau” nhưng sau gần hai năm im lặng, mới đây đã có cáo trạng để đưa nhân viên công vụ “thoái hóa” này ra tòa!

Không có “vùng cấm” trong hoạt động tư pháp, thực thi pháp luật, quản lý cán bộ,... là một chủ trương đúng, thể hiện việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền và rất hợp lòng dân. Trên thực tế, từng tồn tại các “vùng cấm” và hiện tại, các “vùng cấm” đó đang được mở ra!