Đi theo con suối cả buổi mới được can nước
Xã Đất Bằng - xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Pa (Gia Lai) có 4 buôn gồm: Ia Rnho, Ia Rpua, Ia Prong, Ma Giai, với gần 2.000 hộ và gần 5.000 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cách đây chưa lâu, cứ vào mùa khô, người dân luôn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến các nguồn nước ở xã Đất Bằng cạn kiệt. Cùng với đó, các giếng nước cũng bị nhiễm phèn nên không sử dụng để ăn uống được. Hàng trăm hộ dân phải mua nước đóng bình hoặc xin nước ở nơi khác về dùng tạm trong thời gian chờ mưa.
Tại buôn Ma Giai, hiện chỉ còn một hố giếng tự đào là còn nước, nhưng cũng rất ít. Người dân phải đến rất sớm, chắt chiu từng giọt nước. Chị Kpă Phiếu cho hay, chỉ cần vài ngày không có mưa, ruộng đồng, sông suối sẽ cạn nước. Hàng ngày, dân làng thay phiên ra đây lấy nước, nhà chị cũng phải đi lấy nước từ sáng sớm. Để lấy đủ can nước 20 lít, phải ngồi chờ bên hố đào gần 5 giờ liền. Người dân nơi đây rất khổ vì thiếu nước.
Còn chị La O Hin (sinh năm 1982) dân tộc Chăm H’roi kể, khi không có nước sạch, chị và đa số bà con trong buôn phải dùng nước suối hoặc hứng nước mưa để sinh hoạt. Có những thời điểm mùa khô, không có nước dùng nên càng mong nước sạch lắm. Theo chị La O Hin, lấy nước ở suối, lúc không mưa còn đỡ vì lúc mưa thì nước suối cũng đục ngầu. Người dân không có máy lọc nước mà thường gánh nước về là dùng luôn. Hơn nữa, nước suối cũng không sạch vì người dân tắm, giặt đều ở suối cả…
Tương tự, theo chị Rơ Lan H'Mloa, vào mùa khô, muốn có nước sạch để uống và nấu ăn phải đi lấy ở các khe suối xa. Người dân phải ra giữa lòng sông để đào hố chờ nước mạch. Để lấy được can khoảng 20 lít nước về sinh hoạt có khi phải chờ mất cả buổi. Đi làm trên rẫy cũng phải tranh thủ tắm giặt.
Tháng 8/2021, hơn 300 hộ dân buôn Ma Giai, Ia Rpua (xã Đất Bằng) với 98% đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn về nước sinh hoạt đã được dùng nước sạch khi công trình nước sạch được đầu tư 4 tỷ đồng đưa vào hoạt động. Sau một thời gian gián đoạn, nay nước sạch đã được cung cấp trở lại… Có nguồn nước sạch sinh hoạt là niềm vui lớn của đồng bào ở các buôn vùng sâu thuộc xã Đất Bằng - tâm điểm của chảo lửa Krông Pa. Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, Đảng và Nhà nước, xã Đất Bằng đã có gần 2.000 hộ với trên 5.000 nhân khẩu được tiếp cận với nước sạch.
Bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống
Được biết, khi có nước sạch thì những nhà có nước giếng thường sẽ phải nộp 10.000 đồng/tháng. Nhà nào không có giếng thì tầm 100.000 đồng/tháng. Chị La O Hin cho biết, sau khi thu hồi hết nợ tiền nước cũ các hộ dân chưa nộp, đầu tháng 11/2022, nước sạch đã được cung cấp trở lại cho bà con buôn Ma Giai. Vì nhà chị vẫn sử dụng nước giếng để tắm giặt nên trung bình một tháng hộ 3 khẩu cũng chỉ dùng 20.000 - 30.000 đồng tiền nước sạch/tháng. Hộ nào dùng nhiều sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Trước đây, cứ vào mùa khô, người dân luôn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, bởi trong buôn chỉ có vài hộ đào được giếng, còn lại sử dụng nguồn nước ít ỏi từ các con suối nhỏ. Hàng năm, UBND xã phải hỗ trợ người dân đào các hố dưới lòng suối để tìm nguồn nước cho gia súc uống và phải dùng xe chở nước sinh hoạt cung cấp cho bà con. Vì thế, việc có nước đến tận nhà giúp người dân tộc thiểu số ở buôn Ma Giai có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Bà Rah Lan Bông, buôn Ma Giai hào hứng nói, có nước sạch cấp đến tận cửa nhà bà con yên tâm sử dụng. Vì dùng nhiều phải trả tiền nhiều nên ai cũng có ý thức tiết kiệm, không để lãng phí nguồn nước sạch.
Chủ tịch UBND xã Đất Bằng Rô Krik cho biết, thôn Ma Giai đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống (Chăm H’roi, Gia Rai…), có số hộ nghèo cao nhất trong xã, với 92 hộ nghèo/tổng số 170 hộ. Trước thực tế người dân thiếu nước sinh hoạt (dùng để nấu nướng, tắm, giặt…), Dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại buôn Ma Giai được triển khai từ tháng 2/2021 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Trong đó, vốn tài trợ là 350 triệu đồng, vốn hợp tác xã là 500 triệu đồng. Đầu tháng 8/2021, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình gồm các hạng mục: 3 giếng khoan, hệ thống điện, bể lọc, khu xử lý nước có công suất xử lý 10m3/h, 2 bể chứa có dung tích 40m3 và đường ống dẫn nước đến tận nhà dân với chiều dài hơn 5km. Chất lượng nước đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Ở buôn Ma Giai, hệ thống đường ống đã đấu nối cho các hộ dân và 2 trường học. Ngoài ra công trình còn xây dựng thêm một đài nước 20m3 cao 16m ở buôn Ia Rpua để dự trữ nước và mở rộng mạng đường ống cấp cho các hộ dân ở Ia Rpua ở giai đoạn 2. Ông Rô Krik cho biết: “Có công trình nước sạch đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt, người dân rất phấn khởi. Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường, giảm bệnh tật và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hồi đầu mới đưa vào sử dụng, mỗi m3 nước được thu giá 5.000 đồng. Nhưng chi phí này chưa đủ để trả tiền điện, phí bảo trì nên sau đó đã tạm ngưng cấp nước sạch để làm công tác truyền thông với bà con về việc sẽ điều chỉnh giá lên 10.000 đồng/m3”.
Có nguồn nước sạch sinh hoạt là niềm vui lớn của đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn vùng sâu thuộc xã Đất Bằng, tâm điểm của “chảo lửa” Krông Pa. Vì vậy, từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ, chia sẻ của các đơn vị tài trợ, một số công trình nước sạch đã được xây dựng như: công trình nước sinh hoạt xã Đất Bằng lấy nước từ công trình thủy lợi Ia Mlah về cho người dân buôn Ia Prong, Ia Rnho; Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung tại buôn Ma Giai phục vụ nước cho người dân buôn Ma Giai và Ia Rpua; Dự án “Nước sạch vùng cao” tại buôn Ia Rnho. Qua đó, giúp người dân đã được tiếp cận với nước sạch.
Dù hiện nay, các công trình nước sạch mới cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt của bà con nhưng bà con không còn chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô, không phải sử dụng những nguồn nước bị ô nhiễm. Các công trình nước sạch đã góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, góp phần vào việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch. Theo lãnh đạo địa phương, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành hệ thống công trình nước sạch tại xã Đất Bằng và đạt mục tiêu 95% người dân tộc thiểu số tại huyện Krông Pa được sử dụng nước hợp vệ sinh…