“Tôi có tiền mua thuốc cho con rồi”
Nếu như sáu tháng trước, bà Võ Thị Đi (72 tuổi, ngụ 206A, tổ 5, khu 2, ấp 1, xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang lo lắng vì không có tiền mua thuốc cho con trai là anh Trần Văn Nhân (42 tuổi) bị tâm thần. Thì nay bà đã được nhiều “Mạnh thường quân” giúp đỡ. Gặp lại PV, nhân vật trong bài viết “Xót xa cảnh người mẹ xích con tâm thần hơn 20 năm” không khỏi xúc động, gửi lời cảm ơn tới những người đã giúp đỡ mẹ con bà.
Câu chuyện chạm đến tấm lòng độc giả khi người mẹ già không có tiền mua thuốc chữa bệnh cho con. Hơn chục năm nay, khi không còn đủ sức để giữ đứa con tâm thần thường xuyên bỏ đi; lo sợ con gây họa; bà phải cắn răng nhờ người mua khóa, xích con vào góc nhà. Bà sống cùng nỗi đau đớn mỗi ngày khi nghe tiếng kêu loảng xoảng, thấy cảnh con trai loay hoay bên sợi xích. Mỗi khi thấy người lạ đến, anh Trần Văn Nhân (42 tuổi) thò đầu ngước ra cửa sổ, đứng dậy ngơ ngác cười ngây ngô rồi nhoẻn miệng ê a, đôi mắt ngây dại như một đứa trẻ. Trong nhà xộc lên mùi nước bẩn vì anh Nhân không nhận thức được sinh hoạt cá nhân.
Bà Đi gửi lời cảm ơn đến các bạn đọc của Báo PLVN |
Trong căn nhà nhỏ, từ ngày con bị bệnh, chưa một ngày nào bà ngủ yên giấc. Có những đêm con la khóc, ôm đầu đập vào tường vì đau, bà chỉ biết ôm con ngồi khóc. Hai mẹ con khóc đến sáng rồi lại thôi. Nhiều lúc muốn đưa con đi bệnh viện chữa trị nhưng không có tiền.
Sau khi PLVN đăng tải bài viết về sự việc, đã có rất nhiều người đến trực tiếp trao tặng quà, tiền, có bạn đọc từ nước ngoài cũng hỗ trợ. Gặp lại bà trong một ngày đầu tháng 7/2019, bà Đi rất xúc động, gửi lời cảm ơn đến tất cả các tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ. Bà kể, đợt Tết Nguyên đán 2019 vừa qua, sau khi Báo đăng tải, nhiều người đã đến nhà tìm gặp bà, những thùng mì tôm, sữa được nhiều độc giả mang đến hỗ trợ. “Người mang cho chiếc chăn, người cho chai dầu, lọ nước mắm… Tất cả những món quà đó khiến tôi ăn Tết vui vẻ hơn”, bà Đi nói.
Bà Đi rưng rưng nước mắt: “Tôi cảm ơn mọi người nhiều lắm. Có đoàn từ thiện hứa phụ cấp cho tôi hàng tháng tới lúc chết, tôi đã bớt phần nào nỗi lo”.
Nụ cười trong căn nhà mới
Còn có phần vui hơn bà Đi, là tâm sự của vợ chồng bà Trần Thị Hồng Khánh và ông Bùi Văn Tâm (60 tuổi) ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Cuộc sống của họ có lúc tưởng chừng như rơi vào bế tắc vì vướng kiện tụng mất nhà, đuổi ông bà ra đường, buộc phải ở trong căn nhà sắp sập của đứa con đi làm ăn xa. Nguồn cơn vụ việc bắt đầu từ lòng xót thương những người em ngoài quê miền Trung nghèo khó. Vợ chồng ông bà đưa các em vào Xuân Lộc sinh sống và cho ở nhờ trên đất của mình. Hơn 20 năm sau, những người em bị cho là trở mặt, bày mưu tính kế chiếm luôn đất của anh chị, đẩy gia đình anh chị vào một cuộc chiến tìm công lý, vất vưởng nhiều năm.
Vào mùa mưa, căn nhà xiêu vẹo càng tăng thêm nguy cơ có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Tuổi đã cao không còn đủ sức khỏe để lao động, nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng là chở rau củ quả ngoài chợ. Ông Tâm mắc bệnh hiểm nghèo không thể làm việc nặng, không có tiền chữa bệnh, chỉ quanh quẩn ở nhà. Khi gặp chúng tôi, bà Tâm sụt sùi: “Mong ước lớn nhất là có căn nhà không dột nát để ở, tiếp tục hành trình kêu oan”.
Loạt bài trên báo về sự việc đã khiến nhiều trái tim bạn đọc lay động. Ngay sau bài viết, nhiều nhà hảo tâm đã gửi tiền hỗ trợ mua cho bà chiếc xe gắn máy mới, hỗ trợ hơn 400 triệu để ông bà xây căn nhà mới khang trang.
Trở lại thăm vợ chồng bà Khánh, chúng tôi đã thực sự cảm nhận được niềm vui từ trên khuôn mặt từng khổ sở của hai vợ chồng. Nỗi buồn về sự oan ức dường như phần nào đã vơi đi, cuộc sống cơ cực, khó khăn chồng chất đang dần thay đổi.
“Giờ sức khỏe của tôi cũng dần hồi phục rồi, được các nhà hảo tâm giúp đỡ, được độc giả Báo PLVN hỗ trợ, tôi vui lắm, chia sẻ nỗi oan ức của gia đình, còn được một ngôi nhà khang trang để thay thế ngôi nhà đã xuống cấp. Tôi xin được cảm ơn quý báo, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ cho vợ chồng chúng tôi có một cuộc sống tốt hơn”, ông Tâm nói.