Nhà cổ và nỗi lo không cũ
Các di sản kiến trúc ở đô thị cổ Hội An tỉnh Quảng Nam được xây dựng ở niên đại 19 là những tác phẩm kiến trúc đa quốc gia tuyệt vời. Như nhà cổ Tấn Ký, ngôi nhà cổ nhất ở Hội An với bảy thế hệ sinh sống.Với lối kiến trúc pha trộn Nhật - Trung- Việt, vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà chủ yếu là các loại gỗ quý, được trạm trổ rất tinh xảo; các hình rồng, hoa quả… thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân. Hay như nhà thờ cổ tộc Trần là bản gốc nhà thờ tộc của người Việt từ ngàn xưa còn nguyên vẹn hình thể kiến trúc cổ.
Đặc biệt, các ngôi nhà cổ ở Hội An đều có gắn bộ phận “mắt cửa”, đó là phần chốt gỗ được chạm trổ những hình bát quái; hoa 8 cánh có nhụy là vòng tròn lưỡng nghi... Nó giống như đôi mắt thần giữ nhà giữ cửa để mang lại bình yên cho ngôi nhà. Tuy nhiên, những kiến trúc từ thế kỉ 16, 17 đang phải đối mặt với sự xuống cấp trầm trọng bởi sự tàn phá của thời gian và bởi những đổi thay của con người.
Trước đây, mỗi nhà cổ có 3, 4 thế hệ sống và sinh hoạt, nay cũng với diện tích đấy lại kiêm thêm cả kinh doanh và phát triển du lịch. Với tình trạng quá tải và lạm dụng sự bền vững của kiến trúc cổ thì đây chính là nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự xuống cấp nhanh chóng của những ngôi nhà có kiến trúc cổ.
Theo chị Diệp Ái Phương chủ nhà số 177 Trần Phú xây dựng từ thế kỉ 17, nhà này đã hơn 300 năm, làm hoàn toàn bằng gỗ, dài 30m, rộng 6m, hiện được trưng dụng làm nơi cho du khách tham quan, cũng là nơi 4 thế hệ trong gia đình sinh sống. Trong gian nhà chính, hầu hết cột đã bị mối mọt gặm nhấm, phần máng xối được làm bằng gỗ đã bong tróc, nghiêng hẳn sang một bên.
Gác trên của căn nhà trước đây được gia đình dùng để ở thì nhiều năm nay đành phải để trống vì hầu hết kèo cột đã bị mục ruỗng, không an toàn. Để cầm cự, gia đình phải dùng thanh gỗ mới xen với thanh cũ để chống đỡ tạm bợ. Mái ngói rêu phong hàng trăm năm tuổi cũng đã vỡ nhiều nơi khiến nước thấm xuống sàn gỗ, chảy vào nhà mỗi khi mưa lớn. Những phần phụ như cửa sổ, thềm nhà cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Căn nhà của tộc họ Huỳnh tại số 26 Bạch Đằng vì xuống cấp quá nghiêm trọng, nhiều cấu kiện bằng gỗ mục ruỗng buộc ngành chức năng đến tháo dỡ phần mái ngói xuống. Không thể ở được ở phần nhà phía sau, cả nhà phải kéo nhau ra quầy hàng phía trước để sinh hoạt. Cuối năm 2014, căn nhà cổ của bà Nguyễn Thị Thu (62 tuổi) trên đường Phan Chu Trinh bị sập hết một mái ngói nên cứ mưa đến là nước tuôn ào ạt vào nhà.
Nhiều nhà cổ khác ở TP.Hội An hiện cũng đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” như các nhà số 26, 97 Bạch Đằng; số 7, 27, 77, 79, 177 Trần Phú; 26 Trần Quý Cáp... Người dân sống trong những di tích này luôn cảm thấy bất an, đi không được, ở cũng không xong. Còn nhớ, cuối năm 2013, ngôi nhà cổ ở số 48 Bạch Đằng - Hội An đã bất ngờ sụp đổ và đè lên căn bên cạnh gây ảnh hưởng lâu dài và khiến người dân thêm hoang mang.
Khó từ kinh phí khó đi
Ở Hội An, mối được xem là loài côn trùng nguy hiểm nhất bởi sức tàn phá của nó vô cùng mạnh mẽ. Có hai loài mối: mối sống trong gỗ và mối sống trong đất. Loài mối sống trong gỗ có thể làm hư hại rất nhanh các cấu kiện kiến trúc cùng những hiện vật trong di tích, chúng đục khoét làm mục rỗng các bộ phận bên trong, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc gỗ.
Phần lớn các di tích kiến trúc được dựng lên từ gỗ, nhưng gỗ lại là loại vật liệu rất dễ cháy, vì vậy cần cẩn trọng trong việc đun nấu, sinh hoạt bằng gas, bằng xăng dầu, bằng điện. Thêm vào đó, những mặt hàng kinh doanh như vải, các đồ lưu niệm bằng gỗ, tre trưng bày dày đặc trong di tích là nguy cơ tiềm tàng để “bà hỏa” chực chờ viếng thăm bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, do tác động của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của khu vực như nắng nóng, mưa nhiều, nhất là lũ lụt thường xuyên, tình trạng biến đổi khí hậu, bão kèm theo gió mạnh, lốc xoáy hàng năm nên các kiến trúc cổ luôn đứng trước nguy cơ gặp nguy hiểm bởi sự tàn phá của tự nhiên.
Ngoài ra, nguồn kinh phí trùng tu cũng là một khó khăn đối với chính quyền và người dân. Để trùng tu một di tích kiến trúc theo đúng các quy định hiện hành về bảo tổn di sản, kinh phí bỏ ra phải gấp 3 - 4 lần so với xây dựng một ngôi nhà mới theo kiến trúc hiện đại. Và tu sửa như thế nào cũng là một thách thức đối với lãnh đạo chính quyền nơi đây.
Đã đến lúc chính quyền địa phương cần có phương án nhanh chóng giải quyết các hồ sơ yêu cầu được tu sửa cũng như kịp thời hỗ trợ vốn cho các di tích, kiến trúc cổ cần bảo tồn trước khi quá muộn.