Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông góp phần đưa ĐBSCL “cất cánh”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đánh giá, hiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn yếu kém đã tạo “nút thắt” cản trở sự phát triển và quá trình thông thương giữa các địa phương trong khu vực và giữa khu vực với TP HCM và các địa phương khác trong cả nước.
Bên cạnh phát triển giao thông đường bộ, đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về song ngòi nên cũng có tiềm năng phát triển giao thông thủy.
Bên cạnh phát triển giao thông đường bộ, đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về song ngòi nên cũng có tiềm năng phát triển giao thông thủy.

Hạ tầng giao thông phát triển chưa ngang tầm

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông yếu kém đã tạo nên “nút thắt” cản trở sự phát triển và quá trình thông thương giữa các địa phương trong khu vực và giữa khu vực với TP HCM và các địa phương khác trong cả nước.

Từ nhiều năm qua, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đều rất quan ngại vấn đề hạ tầng của khu vực, đây được xem là “vùng trũng” trong cả nước. Hạ tầng yếu kém đã cản trở quá trình phát triển và thông thương của đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM và cả nước. Việc vận chuyển, đi lại đều trở nên khó khăn, gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của nông sản đồng bằng.

Nhiều công trình mang tính liên kết vùng giúp thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Cửu Long (trong ảnh là cầu Cần Thơ)Nhiều công trình mang tính liên kết vùng giúp thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Cửu Long (trong ảnh là cầu Cần Thơ)

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đồng bằng sông Cửu Long rất được sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước. Hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai nhiều hạng mục công trình mang tầm chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Những tuyến đường huyết mạch được “thay áo mới”; nhiều dự án, công trình lớn đang dần hoàn thiện.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai và chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án đường bộ. Dự kiến trong 5 năm tới, hệ thống đường bộ đồng bằng sông Cửu Long sẽ được bổ sung những tuyến quan trọng, tạo động lực phát triển của vùng.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 2021-2030, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước.

Đồng thời, ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án như: Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cà Mau; Cao tốc An Hữu – TP Cao Lãnh - Cầu Vàm Cống - Rạch Giá; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề (Sóc Trăng)...Về hàng hải, Bộ đã bố trí 937 tỷ đồng năm 2022 để thực hiện Giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ toàn dự án.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giải ngân khoảng 100.000 tỷ đồng cho đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng. Trong đó có dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, công trình cầu Rạch Miễu 2, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau)… Cùng với tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đến năm 2025, đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu sẽ có khoảng 500 km đường cao tốc.

Cảnh quan và đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển, sầm uất (trong ảnh là một góc TP Cần Thơ).Cảnh quan và đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển, sầm uất (trong ảnh là một góc TP Cần Thơ).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025) cho biết, đồng bằng sông Cửu Long muốn phát triển thì việc đầu tiên cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng. Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch nêu rõ sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.

Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển.

Mới đây, tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hạ tầng đang là nút thắt của đồng bằng sông Cửu Long. Vùng có lợi thế về giao thông thủy, giao thông biển nhưng chưa khai thác được; cần tiếp tục phát triển hệ thống cao tốc và khai thác lợi thế giao thông đường thủy; phát triển hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục), hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh vùng có tiềm năng lớn về nắng và gió… Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã có nhiều công trình giao thông liên tỉnh đưa vào hoạt động đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã có nhiều công trình giao thông liên tỉnh đưa vào hoạt động đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Lãnh đạo các địa phương nói gì?

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Với sự quan tâm của Trung ương trong việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng thời gian tới, giao thông khu vực cải thiện tích cực hơn. Riêng tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành để sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm đi qua địa bàn, trước mắt là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Hiện tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị phân bổ nguồn vốn từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để ưu tiên đầu tư đoạn Sóc Trăng - Cần Thơ. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đang tích cực triển khai lập quy hoạch đối với cảng biển Trần Đề nhằm sớm hoàn thành thủ tục để kêu gọi đầu tư. Việc hình thành cảng biển này sẽ góp phần giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh chú trọng triển khai thực hiện tốt nhóm giải pháp về nguồn vốn đầu tư. Trong đó, tranh thủ nguồn vốn để đầu tư phát triển công trình giao thông, cảng, bến. Ngoài ra, vận dụng có hiệu quả các nguồn lực trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới để nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn.

Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa địa phương với các địa phương để tạo bước đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng - giao thông theo định hướng; ưu tiên các công trình có tính đột phá, tạo được sự liên kết vùng và giữa các phương thức vận tải nhằm phát huy hiệu quả của cả hệ thống và giữa các phương thức vận tải...

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, sẽ bám sát yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, đồng thời kết nối với các địa phương trong khu vực. Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó cần rà soát triển khai một số dự án trọng điểm để tạo nền tảng, sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logictics.

Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Việc thông xe dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Dự án có vai trò kết nối 2 đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Cao tốc Bắc - Nam là trục chính, nhưng các trục nhánh cũng cần sớm được đầu tư. Để giải quyết về nguồn vốn thì các địa phương, mà cụ thể là An Giang sẵn sàng kêu gọi xã hội hóa với hình thức BOT. Cơ chế chưa khuyến khích, chưa hấp dẫn nhà đầu tư rót vốn… thì chúng ta sẽ kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Đây là vấn đề quan trọng trong việc đẩy nhanh đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng, cấp thiết như: Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền); đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến tỉnh Long An; đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50; đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười; đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định; các đường tỉnh 861, 863, 869 (kết nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Đồng Tháp); đường tỉnh 877C và cầu qua kinh Chợ Gạo; cầu Vàm Cái Thia; đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông…

Đồng thời, thực hiện trách nhiệm để tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành đúng kế hoạch. Trong các dự án tỉnh sắp triển khai, Dự án đường tỉnh 864 là một trong những dự án trọng điểm, với tổng chiều dài tuyến hơn 111 km. Dự án được đầu tư với mục tiêu nhằm thúc đẩy liên kết giữa Tiền Giang và các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đọc thêm