Nỗ lực vinh danh di sản

(PLVN) - UBND tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai các thủ tục cần thiết để đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn. Đồng thời, thông qua dự thảo hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới…
Nỗ lực hoàn thiện hồ sơ di sản thế giới đối với di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) . (Ảnh Internet)

Vân Đồn - thương cảng rực rỡ cổ xưa nhất

Thực tế, Vân Đồn không chỉ là di tích, Vân Đồn còn là một cực phát triển rất quan trọng trên dải đất Đông Bắc của nước ta.

Theo các chuyên gia văn hóa, nếu như coi Đại Việt là quốc gia giữ vai trò hội giao giữa hai thế giới Đông Bắc Á và Đông Nam Á thì vùng biển đảo Đông Bắc là một trong những tâm điểm của các hoạt động kinh tế, văn hoá mang tính liên vùng. Trong nhiều thế kỷ, cùng với Thăng Long, hoạt động kinh tế, bang giao của Vân Đồn không ngừng được củng cố và đạt được sự phát triển vững chắc. Do nằm ở vị trí chiến lược, kinh tế quan trọng, Vân Đồn từng hội tụ đầy đủ những điều kiện tự nhiên, xã hội thiết yếu cho sự hưng khởi của một thương cảng quốc tế - đa chức năng.

Vân Đồn từng là một trung tâm kinh tế lớn. Vị trí của Vân Đồn trong con đường giao lưu văn hoá Đông - Tây từ vùng Hoa Nam Trung Quốc - Vịnh Bắc Bộ - Thái Lan - Ấn Độ có từ hơn 2.000 năm. Khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh bằng những di tích và di vật đào được trong lòng đất về một con đường giao lưu văn hoá mạnh mẽ suốt dọc bờ Biển Đông và Biển Tây của nước ta. Con đường này được mở rộng về phía Bắc cho đến cửa sông Dương Tử, về phía Nam đến vùng ven biển phía Đông của đất nước Ấn Độ. Con đường đó được gọi là con đường giao lưu văn hoá Đông - Tây.

Căn cứ vào thư tịch và di vật, có thể thấy các mối giao thương ở thương cảng này gồm thương nhân các nước Đại Việt, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Tây Ban Nha, Philippines, Singapore… Hàng hoá ở đây gồm gỗ lim, vàng, quế, ngọc trai, ngà voi, lụa là, gấm vóc và nhất là đồ gốm.

Sử sách chép rằng, Thương cảng Vân Đồn được thành lập từ thời nhà Lý. Vào năm 1149 đời Vua Lý Anh Tông, thương cảng Vân Đồn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của lịch sử dân tộc Đại Việt. Tuy nhiên, phải đến dưới thời Trần, Vân Đồn mới thực sự phát triển mạnh mẽ, trở thành thương cảng lớn và có vị trí quan trọng nhất của Đại Việt. Thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ 13 - 16. Theo các chuyên gia, giá trị lịch sử, văn hóa của Thương cảng Vân Đồn là rất quan trọng. Đặt trong mối liên hệ lịch sử với Thăng Long - Kẻ Chợ, Phố Hiến, xa hơn là Hội An... giúp chúng ta có sự hình dung về lịch sử giao thương khá phong phú, sôi động của cha ông trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, khoảng cuối thế kỷ XVII, Thăng Long - Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An được mở cửa cho thuyền buôn các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp… vào sâu trong nội địa buôn bán đã làm cho Thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại.

GS.TS Nguyễn Văn Kim, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, là thương cảng chính yếu của quốc gia Đại Việt và là một trong những đầu mối giao thương quan trọng của khu vực Đông Á, Vân Đồn đã duy trì hoạt động liên tục trong suốt 7 thế kỷ. Vân Đồn là một thương cảng lớn, có vai trò kinh tế, chính trị quan trọng, đồng thời có quá trình phát triển liên tục, lâu dài nhất trong lịch sử các thương cảng của Việt Nam. Cùng với các hoạt động bang giao, giao lưu kinh tế, sự hiện diện của hệ thống các thương cảng trải dọc theo vùng duyên hải Việt Nam và một trữ lượng lớn di sản văn hóa biển cho thấy truyền thống biển, tư duy hướng biển, năng lực khai thác, làm chủ biển khơi của người Việt.

Vân Đồn ngày nay đã không còn là xứ xa xôi biên viễn. Sân bay, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và rồi Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn thông xe đã kéo Vân Đồn gần lại rất nhiều, giờ đây là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái giúp cho cả một dải đất miền Đông Bắc, mới hôm nào còn khó khăn, cách trở, nay đã thênh thang phát triển.

Tuy nhiên, theo PGS TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các phương án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn phải được đặt trong tầm nhìn và chủ trương phát huy giá trị di tích. Để từ đó xây dựng luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn văn hóa. Đồng thời rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển. Đặc biệt là chủ trương phát triển kinh tế biển xanh mà Quảng Ninh đang thực hiện và định hướng phát triển cảng biển Vân Đồn trong giai đoạn tới.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần có cơ chế mô hình hợp tác công - tư trong bảo tồn văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn nói riêng.

Đồng thời đưa Khu kinh tế Vân Đồn - một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh - sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao. Một đô thị biển thông minh, xanh, sạch. Một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc…

Trước 31/12 hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO

Mới đây, tại TP Hạ Long, UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã tổ chức buổi làm việc chung, nghe báo cáo xây dựng hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới và tiến độ thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về Yên Tử.

Bức tranh của họa sĩ Tây Ban Nha phác họa bến Cái Làng thuộc thương cảng Vân Đồn, hiện được lưu giữ tại đình Quan Lạn. (Ảnh: Website huyện Vân Đồn)

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Hải Dương).

Theo đó, chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc Lâm. UNESCO đã trao Bằng công nhận 3.000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới.

Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tại Hải Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn (một trong những trung tâm của thiền phái Trúc Lâm được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII), đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Nguyễn Trãi…

Đây là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước xây dựng trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn ba tỉnh, trải dài hàng trăm km2. Vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19, từ năm 2020 đến nay, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã quyết liệt triển khai các công việc liên quan.

Ba địa phương đã mời các chuyên gia quốc tế, chuyên gia UNESCO sang Việt Nam để khảo sát, tư vấn. Riêng tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong tháng 3/2023 đã liên tục chủ trì làm việc với Bộ Ngoại giao, đại diện UNESCO tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới để tham vấn, góp ý để hồ sơ đạt chất lượng cao nhất.

Đến nay hồ sơ đề cử với 17 cụm di tích, 32 di tích đã cơ bản hoàn thiện, được xây dựng với khoảng 2.000 trang bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, hàng trăm bản đồ, bản vẽ mô phỏng, hệ thống ảnh, clip tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.

Các đơn vị cũng đã phối hợp thực hiện ba đề tài khoa học nghiên cứu về giá trị văn hóa, lịch sử; hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan; các đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Trong thời gian tới, ba Sở tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ đề cử bản thảo, kế hoạch quản lý di sản đề cử và các thành phần phụ lục theo đúng hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới 1972 trước 31/12 hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp của UBND ba tỉnh và đơn vị tư vấn trong thời gian qua đã xây dựng bộ hồ sơ bảo đảm chất lượng. Thứ trưởng cũng lưu ý một số mốc thời gian cần thực hiện bảo đảm theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra, cụ thể là trình Bộ VH,TT&DL trước 30/7, để Bộ xin ý kiến các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ gửi hồ sơ đề cử tới UNESCO trước ngày 30/9, hoàn thiện hồ sơ kết thúc ngày 30/12/2023, nộp hồ sơ ngày 1/2/2024.

GS Sử học Lê Văn Lan nhận định, từ cuối thế kỷ XX sang đến đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là từ năm 1994, khi có quyết định thành lập huyện Vân Đồn. Và từ năm 2006, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh” được phê duyệt với các chức năng được xác định là: Trung tâm du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao, Trung tâm hàng không quốc tế, Trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thông quốc tế. Tiếp đó, từ năm 2018, khu di tích Thương cảng Vân Đồn được xác định là một trong bốn khu di tích trọng điểm, nổi bật và tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh (gồm: Bạch Đằng, Yên Tử, Đông Triều và Vân Đồn) - một tương lai tươi sáng và đẹp đẽ, đã và đang trở lại đến với vùng Thương cảng Vân Đồn xưa…