Nỗi ám ảnh dai dẳng của người dân ĐBSCL

“Chẳng biết khi nào sẽ sạt lở tới nhà mình?”, đó là câu hỏi mà người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tự hỏi khi vấn đề sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Hình ảnh 16 căn nhà ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang lần lượt đổ ào xuống sông đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân cả đồng bằng. 
Người dân chỉ khu đất bị sạt lở tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp

“Trước đây nhà tôi nằm giữa sông Tiền”

Người dân ở nhiều địa phương cho biết, trong mấy chục năm qua, sạt lở đã cướp đi nhiều đất đai, nhà cửa, tài sản của người dân. Đồng thời, lấn sâu vào đất liền hàng cây số, nhiều nơi họ từng sinh sống đều sạt lở trở thành sông.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Bỉnh Trứ (người dân ấp Long Định, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, khoảng 70 năm trở lại đây, sạt lở đã ăn sâu vào đất liền hơn 1,6 km. Chỉ tay về phía cụm lục bình trôi lềnh bềnh trên giữa sông Tiền, ông Trứ kể: “Khu đó trước đây là chợ Thủ, mua bán rất sung túc, người qua lại tấp nập, náo nhiệt nhưng sau đó do sạt lở phải di dời, dần dần sạt lở mất hút luôn. Trước đây nhà tôi cũng nằm giữ sông Tiền nhưng bây giờ cũng bị cuốn mất phải dọn đến nơi khác cất nhà ở”.

Bước xuống mé sông, lụi cụi dưới những cừ bê tông chống đỡ ngăn lũ, ông Trứ chỉ tay vào một ống bê tông hình trụ trơ ra vì sạt lở và cho biết: “Đây là giếng nước của làng. Trước đây, cách bờ sông Tiền khá xa nhưng do sạt lở hiện tại đã tấn công vào sát giếng nước”.

Mỗi khi có sạt lở người dân lại bỏ tiền mua vật liệu làm kè chống đỡ. “Từ trước đến nay, chẳng biết người dân đã bỏ ra bao nhiều tiền của, công sức để đắp kè ngăn sạt lở nhưng đến nay tình hình này vẫn diễn biến quá phức tạp”, ông Trứ nói.

Mặc dù ở khu vực này chưa có nhà nào bị nhấn chìm hoàn toàn xuống sông như ở xã Mỹ Hội Đông nhưng những nhà bị nứt, rồi sạt lở dần rất nhiều. Do tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đến năm 2010 nhà nước đã có chính sách di dời người dân có nguy cơ bị sạt lở vào khu dân cư. Hiện tại, trong KDC Long Điền A có hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở chuyển vào sinh sống. 

Tương tự, ông Dương Văn Bình (người dân xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, khu này là khu đất chợ nhưng xảy ra sạt lở nghiêm trọng khiến diện tích đất của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Trước đây đất nhà ông có diện tích 600m2 nhưng hiện tại chỉ còn một nửa.

Bà Phạm Thị Ngon (76 tuổi, ngụ ấp Long Hòa, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nhớ lại, “Rạch ông Chưởng này trước đây nhỏ xíu nhưng do sạt lở từ từ bây giờ đã rộng mấy chục thước. Đường xá cũng bị ảnh hưởng, mỗi năm sạt một vài mét, phải di dời 5 - 7 lần mới vô tới con đường hiện tại.” 

Chỉ tay về sông ông Chưởng trước mắt, bà Ngon cho biết, “Nhà tôi trước đây nằm ở giữa sông, sạt lở dần di dời vào khoảng 30 – 40 mét mới xây dựng nhà hiện tại. Sạt lở thiệt hại nhà cửa, tài sản,…dời tới dời lui rất tốn kém, lại còn bị mất trắng khoảng đất sạt lở khá lớn. Đất của tôi trước đây dài lắm nhưng do sạt lở phải dời từ từ, đến nay chỉ còn đủ cất một căn nhà. Nếu sạt lở nữa tôi cũng chẳng biết phải dời vào đâu”. 

“Tôi không ngờ sạt lở lại diễn ra nhanh như vậy!”

Gần đây, trên địa phận xã Long Điền B, huyện Chợ Mới cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở tiến gần đến nhà dân. Có những nhà tường, kiên cố xây gần 200 triệu, nhưng sạt lở cũng tấn công tới mép nhà, người dân phải bỏ tiền đóng cừ ngăn sạt lở.  

Mới đây, trưa 5/6 tại khu vực giáp ranh ấp Long Phú 1 và Long Phú 2 (xã Long Điền B) sạt lở đã làm xuất hiện một vết nứt rộng khoảng 50cm, dài gần 40m bên lề đường nhựa làm người dân hoang mang lo sợ.

“Đây là giếng nước của làng. Trước đây, cách bờ sông Tiền khá xa nhưng do sạt lở hiện tại giếng nước nằm sát bờ sông”, người dân cho biết

Tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, tình trạng sạt lở cũng đe dọa cuộc sống của người dân. Ông Bùi Thanh Ân, người dân ấp Bình Hòa, cho biết, sạt lở năm nay diễn ra quá nhanh, chỉ khoảng nửa tháng sạt lở đã ăn sâu vào khoảng 20 – 30m đất sau nhà ông.

Phía sau nhà ông là vườn tạp, trồng trái cây, rau củ cũng đều bị sạt lở cuốn mất. “Tôi không ngờ sạt lở lại diễn ra nhanh như vậy, không nghĩ nó lại sạt lở tới nhà mình. Hiện nay, gió mạnh cộng với nước xoáy cuồn cuộn, quặn từng cơn gây sạt lở nghiêm trọng làm người dân lo lắng, bất an”, ông Ân cho biết. Nhiều nhà khác cũng bị sạt lở phải di dời ra phía trước nhà sinh sống, phòng sạt lở. 

Theo nhiều người dân địa phương, thường thì sạt lở chỉ diễn ra khi lũ về hoặc sau lũ nhưng năm nay sạt lở diễn ra quá sớm, chưa tới lũ đã sạt lở, đồng thời diễn ra phức tạp và nghiêm trọng trên diện rộng. 

Theo ghi nhận thực tế của PV PLVN, tại xã Long Điền B (huyện Chợ Mới) có nhiều nơi ở bờ sông bị sạt lở, khu vực sạt lở nằm sát nhà dân, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, cây cối trồng xung quanh bờ sông đều bị trơ gốc. Còn ở xã Long Điền A (huyện Chợ Mới), dọc tuyến đường tạm ở bờ sông Tiền từ phà Chợ Thủ đến miếu Quan Thánh Đế Quân khoảng 300m đều có hiện tượng sạt lở, nhiều chỗ ăn sâu làm thu hẹp con đường tạm qua lại của người dân. Nhiều nơi, bà con đã sử dụng cây tràm đóng cừ dọc bờ sông để ngăn sạt lở.

Tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thì vùng sạt lở dài đến mấy trăm mét và ăn sâu vào hàng chục mét. Ở bờ sông, gió rất mạnh và nước chảy cuồn cuồn. Có những nơi đất lỏm sâu bên trong, sát mí nhà dân, cũng có những khoảnh đất nằm thôi lôi ở mé sông do sạt lở. Những hiện tượng này tạo nên sự lo lắng bất an cho nhiều người dân sinh sống xung quanh

Trao đổi với PLVN, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trên địa bàn xã Bình Thành có 2 địa điểm sạt lở ở ấp Bình Định và ấp Bình Hòa. Trong đó gần đây nhất và nghiêm trọng nhất là ấp Bình Hòa, ăn sâu vào đất liền từ 10 – 20m và kéo dài khoảng 600m làm 36 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện chính quyền địa phương đã có chính sách di dời khẩn cấp 20 hộ lên khu cụm dân cư.

Trong đó, có 4 hộ đã được di dời, những hộ còn lại vì nền trên khu cụm dân cư không có sẵn nên phải chờ bơm cát. Ước tính khoảng cuối tháng 6 sẽ hoàn thành. Riêng ở ấp Bình Định, sạt lở tấn công vào sát mé lộ. Xã sẽ xin ý kiến cấp trên làm bờ kè để ngăn sạt lở.

Đọc thêm