Chiếc nón “khổng lồ” trong liên tưởng của người phương Tây
Nửa cuối thế kỷ 19, nguồn dữ liệu của người Pháp về phong tục ăn mặc của Việt Nam rất phong phú. Trang phục của phụ nữ thôn quê ở thời đại này bị nhiều hạn chế: phải mặc những bộ áo năm vạt đơn điệu, thẳng đuột từ vai xuống chân để che đi đường cong, không được sử dụng các chất liệu gấm, vóc, sa, đoạn; và phải búi tóc “củ hành” như đàn ông. Điểm khác biệt duy nhất giữa nam và nữ là chiếc nón đội. Chiếc nón hình chóp nhọn khỏe khoắn, dành cho người đàn ông, tương phản với chiếc nón hình thúng tròn và bộ quai tơ điệu đàng của chị em phụ nữ. Chiếc nón thúng đã “trả lại sự nữ tính” cho những cô gái thôn quê thời bấy giờ.
Người phương Tây đến Việt Nam ấn tượng nhất hình ảnh chiếc nón khổng lồ ngất ngưởng trên đầu một người phụ nữ Việt nhỏ bé. Một chiếc nón thúng có thể có đường kính từ 60 – 100 cm. Nói về những chiếc nón thúng, người Pháp đã dùng những ví von rất bất ngờ và thú vị: “như cái giỏ khổng lồ úp lên đầu”, “như cái thớt cối xay”, “như một bàn uống trà có điểm xung quanh”, “như cái thớt pho-mát”, “có thể đạt tới kích cỡ của một cái bánh xe ô tô nhỏ”. Những điều này được mô tả trong nhiều cuốn sách của những học giả người Anh, Pháp như: “Tonkin” (1886) của Charles Hocquard, “Kỹ thuật của người An Nam” (1909) của Henri Oger, Con người An Nam (1913) của Langer, “Huyền thoại người chiến sĩ” (1907) của Goerge Manington.
Khác với bộ quần áo đơn điệu, chiếc nón thúng trở thành một vật làm điệu cho các cô gái. Mặt trong nón thúng được gia công kỹ lưỡng, thêu thùa những hình phượng, lân, sư, rồng. “Trong đáy nón có một tấm kính nhỏ để những kiều nữ có thể ngắm đôi mắt dài, chiếc mũi nhỏ nhắn và hàm răng được nhuộm đen bởi trầu cau”, học giả người Pháp Brossard de Corbigny mô tả. Tuy mang nhiều tên gọi khác nhau như nón Hạ, nón Nghệ quai thao, nón Thượng quai tua, nón cụ quai tơ, nhưng nón thúng trên khắp mọi miền vẫn giữ được hình dạng đồng nhất, về cơ bản, đều có hình dạng tựa như chiếc thúng đựng thóc gạo ngày xưa. Vành tròn và rộng, mặt nón phẳng như cái mâm, thành nón thẳng đứng, bẻ vuông góc với mặt nón, nên còn được gọi là nón bằng, nón bẻ, nón ba tầm, nón mười, nón năm,…
Những vành nón hình thúng tròn giản dị ấy đã từng là một dạng mã văn hóa độc đáo để khẳng định bản sắc văn hóa Việt, để cho hình ảnh người Việt không thể bị lẫn vào người Trung Hoa (đủ loại nón chóp nhọn) hay người Nhật Bản (nón khum vành).
Thăng trầm một làng nghề thủ công hàng trăm năm
Khi đi tìm về cội nguồn của chiếc nón thúng, ông Bùi Quang Thắng, tác giả cuốn “Nét cũ duyên xưa”, tìm thấy những tài liệu lịch sử. Khái niệm nón thúng tròn được nhắc tới lần đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ 18, trong “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ, viết: “Khi ta lên tám, chín tuổi (khoảng 1776 -1777)… người trong Thanh, Nghệ thường đội nón viên cơ (chỉ nón thúng tròn), tục gọi là nón Nghệ”. Các văn bản lịch sử khác như “Yên Hội thôn chí” của Bùi Dương Lịch (khoảng 1812), “Đại Nam nhất thống chí” (1875) cũng nhắc tới nguồn gốc của chiếc nón ở xã Yên Đồng, huyện La Sơn, còn mô tả “nón may tinh xảo, phụ nữ cả nước đều dùng”. Đến năm 1954, hai giáo sư người Pháp ở Đông Dương là Maurice Durand và Pierre Huard, trong cuốn “Connaissance du Việt-Nam”, cũng viết: “Nón Nghệ, nón Nghệ-an, phụ nữ đội, bên trong được trang trí bằng các sợi đan chéo. Được sản xuất ở Nghệ An”.
Chiếc nón thúng đỉnh bằng mà ngày nay vẫn được cho là “nón quan họ Bắc Ninh” đã từng là một sản vật nức tiếng một thời ở thôn Yên Hội, xã Yên Đồng, thuộc Tổng Yên Việt Hạ (tên nôm là Kẻ Hạ), huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (cũ), nay là địa bàn xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sang đầu thế kỷ 20, phụ nữ chuyển sang đội nón chóp nhọn, nghề chằm nón thúng ở Kẻ Hạ dần dần mất đi. Nay, khi tác giả Bùi Quang Thắng tìm đến quê hương Kẻ Hạ khi xưa, hầu hết người dân nơi đây không còn biết về nghề làm nón truyền thống, chỉ còn hiếm hoi một số cụ ông cụ bà biết về nghề chằm nón thúng từng ở xứ Nghệ, như cụ Kỷ (93 tuổi, ở thôn Chi Nội), cụ Giang, (74 tuổi). Qua hàng trăm năm gắn bó, nón Nghệ giờ chỉ còn ẩn tàng trong những giá trị phi vật chất, vốn ca dao, dân ca mộc mạc của mảnh đất xứ Nghệ: “Em đừng bứt niệt mỏi tay / Về đây làm nón đợi ngày du xuân /…/Thờ ơ bó vọt đóng sườn/ Đã nhàm bẹ móc lại hờn đống giang”.
Quả thực, câu chuyện nghề chằm nón thúng xứ Nghệ không phải là câu chuyện duy nhất về thực trạng những làng nghề thủ công hàng trăm tuổi ở Việt Nam ngày càng ít đi. Khi tham chiếu trên những đất nước phát triển, việc bảo tồn giá trị văn hóa lâu đời luôn nhận được sự quan tâm rất lớn, là chất liệu đáng giá để giới nghệ thuật khai thác. Chúng ta biết đến những thương hiệu sang trọng trong giới thời trang quốc tế như Gucci, LV, Channel, Patek Philippe, Rolex, Valentino… đều gắn liền với những tinh hoa văn hóa hàng trăm năm của một đất nước, một dân tộc: nghề làm giày của Ý, sản xuất nước hoa của Pháp, lắp ráp đồng hồ Thụy Sĩ, nghề may mặc ở Anh…
Trong làng thời trang Việt, ngày càng có nhiều nhà thiết kế đã chú trọng nhiều hơn vào sử dụng chất liệu tự nhiên và văn hóa bản địa như Vũ Thảo, Nguyễn Công Trí, Minh Hạnh... Tuy vậy, đối với những chất liệu văn hóa đã thất truyền, việc phục hồi và phát huy là một điều không dễ dàng, đặc biệt trong một cuộc sống hiện đại, sôi động, và luôn đổi mới ngày nay.