Nỗi buồn tuổi trẻ và sự vô định trong thơ Nguyễn Thiên Ngân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn học Việt Nam từ phong trào Thơ Mới trở lại đây đã diễn ra nhiều kỳ phân chia. Và sự phân chia thường hay được nói đến là sau năm 1975. Từ năm 1975, đất nước thống nhất, theo đó, những người sinh sau 1975 cũng có cái nhìn khác hơn về đất nước, xã hội, con người. Ở quãng này, đặc biệt đã diễn ra thời kỳ văn học sau 1986, từ đó, xuất hiện những cây bút với nhiều lối viết độc đáo, đáng kể.

Nội tâm sâu sắc

Nguyễn Thiên Ngân không chỉ là cây bút văn xuôi, chị còn là một nhà thơ được nhiều người yêu thích. Thiên Ngân sinh năm 1988, tại Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Chị theo ngành văn học và ngôn ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, Thiên Ngân đã chủ động theo đuổi con đường chữ nghĩa, chứ không phải “bị động”, văn chương bất chợt đến.

Cũng như nhiều người viết văn thế hệ 8X trở lại đây, được thừa hưởng, tiếp thu từ dòng văn học sau năm 1975, nhất là sau 1986, cũng như được tiếp xúc nhiều tác phẩm văn chương nước ngoài, và các dòng triết học khác nhau, Thiên Ngân đã cùng những cây viết ở thế hệ mình đang cố gắng giãi bày nội tâm, thể hiện bản ngã của mình trước thời cuộc - thời 4.0, thời của công nghệ thông tin, khoa học phát triển mạnh như vũ bão.

Được biết, Thiên Ngân sáng tác văn học khi còn khá trẻ. Đến nay, chị đã có trong tay nhiều tập sách, cả thơ và văn xuôi. Trong bài viết này, chúng ta đến với Thiên Ngân qua những vần thơ, mà ở đó toát lên nỗi buồn của tuổi trẻ và sự hoang hoải, mê man, vô định.

“Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt/ Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu/ Đời luân chuyển, ta làm gì khác được/ Chẳng thể nào dừng mãi để chờ nhau”. Đây là những câu thơ đầu của bài Biệt ca. Ngay tên bài thơ cũng cho thấy cái buồn bã, chia ly.

Thiên Ngân cảm thấy nắng xuống là chia biệt. Có lẽ là chia biệt đi bóng đêm. Mai lên thì bắt đầu. Có lẽ là sự bắt đầu của một ngày mới, của một đời người. Giữa chia biệt và bắt đầu không được phân biệt rạch ròi. Cái quá khứ sẽ lùi lại, cho sự tiếp theo diễn ra. Chính cái lùi lại và cái sắp diễn ra đó đã làm cho người với người không thể đợi chờ nhau mãi được. Bởi đời như vòng xoay, luân chuyển bất tận. Còn kiếp người thì có hạn.

Trong bài Biệt ca, ở khổ cuối, có thể là khổ thơ hay nhất trong bài: “Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt/ Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu/ Người sẽ bước một mình qua bóng tối/ Dưới trời này/ Sao sáng cũng vì nhau”. Thiên Ngân đã lặp lại sự chia biệt khi nắng xuống, sự bắt đầu khi mai lên.

Từ đây, chị thấy rằng, sự cô đơn lầm lũi một mình đi qua bóng tối. Đi từ quá khứ đến tương lai. Chẳng có ai đi cùng mình để mà hiểu mà nâng đỡ mình. Chỉ có một mình mình. Mình phải bước đi. Mình phải bước tiếp. Tuy thế, sự cô đơn đó không phải là ích kỷ. Mà chúng ta luôn làm điểm tựa cho nhau. Như những vì sao, sáng là vì nhau. Cùng nhau tồn tại trong bóng tối bất tận.

Nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân

Nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân

Trong bài Cảm khái, Nguyễn Thiên Ngân tiếp tục cho thấy một nội tâm sâu sắc của mình. Chị có vẻ hay nghĩ đến thời gian, đến sự vô thường của kiếp người. Chị cảm rằng: “Này buồng tim trống rỗng/ Này mắt cạn bao la/ Này ngón tay hờ hững/ Trên môi đời đang qua”; “Ngươi xót người trong gương/ Đám tàn sao sắp rã/ Giữa bóng tối trược phiền/ Và bình minh băng giá”.

Ở đây, ta thấy Thiên Ngân có ý giống với ý trong Đạo Phật, đó là sự buồn phiền, đau khổ của kiếp người. Và thời gian, cứ trôi nhanh, mặc cho mắt cạn, mặc cho sự hờ hững của những ngón tay. Thời gian vẫn không dừng lại, cứ thế, “trên môi đời đang qua”. Một sự tiếc nuối chăng cho tuổi trẻ, cho thanh xuân, cho kiếp người?

Nỗi buồn vô định

Cũng ở bài Cảm khái, Thiên Ngân không chỉ buồn ở thế giới thực tại, chị còn buồn vu vơ, buồn vô định. “Ngươi buồn bao thế kỷ/ Trong vòng lặp miên man/ Bao kiếp rồi cô quạnh/ Trong bao lần dung nhan?”; “Ngươi chắt chiu hơi ấm/ Từ những bụi sao quen/ Thương những ai còn nhớ/ Giận những hồn đã quên”.

Nhà thơ cảm thấy sự buồn bã của kiếp người, đã bao kiếp như vậy rồi. Ở đây, “Ngươi” có thể được coi là đại diện cho tác giả. Tác giả tự tâm sự với chính mình. Tác giả thấy chính mình đang cố chắt chiu từng hơi ấm từ bụi sao quen. Tác giả thấy chính mình cũng thương, cũng giận. Nhưng cái thương, cái giận này mới mênh mang làm sao, không rõ ràng.

Ở hồn thơ Thiên Ngân, ta thấy chị chất chứa quá nhiều nỗi buồn. Và nhiều khi, sự buồn đó vừa mang đến một Thiên Ngân có vẻ mới hơn so với những nữ nhà thơ cùng thế hệ, nhưng cũng vừa mang đến một Thiên Ngân cũ kỹ hơn so với nhiều nhà thơ cùng thế hệ.

Ta bắt gặp nỗi buồn của Thiên Ngân gần giống với nỗi buồn của các nhà thơ thời phong trào Thơ Mới. Và như là một sự kéo dài của nỗi buồn ở thời này đến tận hôm nay. Nỗi buồn của Thiên Ngân cũng khác nỗi buồn của Xuân Quỳnh. Nỗi buồn của Thiên Ngân dường như gắn chặt với nỗi buồn chơi vơi, chứ không đời thường, nhỏ lẻ như Xuân Quỳnh.

Trong bài Cánh rừng, Thiên Ngân đã cho thấy nỗi buồn “không biết đâu mà lần” của mình. Đó là: “Một trái tim yếu đuối/ Một tấc lòng âm u/ Sớm mùa đông cóng lạnh/ Ra đi trong sương mù”. Những hình ảnh buồn gộp lại, tạo tác thành một nỗi buồn lớn.

Người có trái tim yếu đuối ấy, lại mang tấc lòng âm u, lại đi trong sớm mùa đông cóng lạnh, sương mù; phân trần ra, thì người ra đi này có lẽ sẽ không biết phương hướng nào mà tìm được đến ánh mặt trời, và có lẽ là không thể ra được khỏi cánh rừng.

Thơ Thiên Ngân cũng hay tỏ ra triết lý, có chút gì đó giống với Chế Lan Viên trong di cảo. Lối thơ triết lý này càng được phát huy và nở rộ hơn ở mươi năm trở lại đây, nó vừa là điểm mạnh, nhưng cũng là điểm yếu của người làm thơ vậy.

“Chúng ta ngày tuổi trẻ/ Đều phải băng qua rừng/ Có kẻ đi thật chậm/ Có người như thiêu thân”; “Ngươi vài năm khó nhọc/ Ta vài thập kỷ buồn/ Chưa ai từng đi trọn/ Một học trình yêu thương”. Những câu thơ này, ta cũng thấy đâu đó phảng phất của Nguyễn Phong Việt. Nếu Thiên Ngân cứ tiếp tục “lý sự” trong thơ theo trường phái này, có lẽ chị sẽ không đi được xa thêm.

Những triết lý được đưa vào thơ khi không được nhào nặn qua bộ óc tinh tế, qua trái tim nóng bỏng, qua đôi mắt tinh anh, có lẽ sẽ rất khó trở thành những câu thơ hay. Có khi nó lại trở nên sáo mòn, mà ai cũng có thế viết ra được, chỉ cần bẻ câu, chế vần.

Nguyễn Thiên Ngân có nhiều bài thơ hay, phù hợp với tâm trạng nhiều độc giả hiện nay. Có thể chị chưa phải là nhà thơ mới nhất, xuất sắc nhất ở thế hệ chị; nhưng ít ra, Thiên Ngân đã thể hiện nỗi lòng của mình trước thời cuộc, khi mà người với người không còn được như xưa, thì những câu thơ của Thiên Ngân giúp cho người đọc lắng lại mình, đi qua nhau thật chậm, để thấy mình, và để thấy nhau.

Đọc thêm