Vì thế, không chỉ tại những địa phương ảnh hưởng bom đạn dày đặc như Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Phước… súng đạn, vật nổ vẫn hiện hữu ngay cả những nơi không ngờ tới.
Cược mạng sống với bom mìn
Gần đây nhất, 4h30 ngày 3/1/2018, sau tiếng nổ đinh tai, một phần diện tích thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) bị san phẳng. Sáu người được đưa tới bệnh viện, trong đó hai em bé tử vong trước khi nhập viện. Sáu căn nhà mái ngói cấp bốn đổ sập và bị khoét thành hố sâu khoảng 10m. Hơn 10 căn nhà kiên cố xung quanh cũng bị giật tung mái, sập tường, đồ đạc bên trong vỡ vụn.
Trước đó đã có nhiều vụ tai nạn do tháo gỡ, cưa xẻ bom, mìn, đạn pháo, như vụ ông Phạm Văn Cường (41 tuổi), trú ở xã Nam Hưng, huyện Nam Trực (Nam Định) đưa quả bom 100kg ra phía trước căn nhà 15-TT19 ở Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông (TP Hà Nội) do ông thuê làm cơ sở mua bán phế liệu để cắt. Trong lúc ông Cường sử dụng đèn khò để cắt quả bom đã bị nổ, khiến ông Cường và 3 người dân đi đường tử nạn, 10 người bị thương, 36 căn hộ gia đình ở gần hiện trường bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ khác nứt tường, bung cửa, vỡ kính.
Và nữa, tại xóm Tân Lập 1, xã Trung Minh, TP Hòa Bình (Hòa Bình) đã xảy ra vụ nổ khiến hai người dân địa phương là ông Nguyễn Văn Khánh (28 tuổi) và Nguyễn Văn Dương (22 tuổi) tử nạn. Khi Công an TP Hòa Bình vào cuộc khám nghiệm, điều tra đã xác định trước đó Khánh và Dương phát hiện, trục vớt quả đạn pháo 105 mm từ dưới sông Đà đưa lên, rồi cưa xẻ để lấy chất nổ, sắt thép nhưng đã bị tử thần cướp mất sinh mệnh…
Các nạn nhân phần lớn là trẻ em và người lao động chính trong gia đình. Nguyên nhân dẫn đến các tai nạn thương tâm chủ yếu là do vướng phải bom mìn, vật nổ, trong khi người dân tự khai hoang, phục hóa để khôi phục sản xuất. Số lượng các vụ tai nạn loại này chiếm 28% trong tổng số các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là do người dân thu nhặt phế liệu bán lấy tiền sinh sống. Do không có kiến thức về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của bom mìn đã tự động cưa cắt để lấy vỏ kim loại và tai nạn loại này chiếm đến 33%...
Hoàn thiện quy định về cấp phép các quy chuẩn quốc gia rà phá bom mìn
Tại cuộc họp báo thông tin khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam và hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4.4 mới đây, nhiều câu hỏi của báo chí đã được đặt ra liên quan tới việc quản lý bom đạn, vật liệu nổ sau thu gom? Có hay không việc các vật liệu nổ do quân đội quản lý bị đưa ra ngoài bán cho các hộ kinh doanh phế liệu?
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tín, những vụ nổ này do nằm trong quản lý của các địa phương, thậm chí là từ việc buôn bán của các hộ cá thể nên không thể loại trừ được các vật liệu nổ sau xử lý còn sót lại và bị lẫn lộn trong quá trình thu gom, buôn bán. Mặc dù về mặt pháp luật thì đã có những quy định nghiêm cấm buôn bán vật liệu liên quan đến bom mìn, vật liệu nổ song hiện công tác quản lý chung của các địa phương còn nhiều vấn đề. Theo Đại tá Tín, sau các vụ việc xảy ra, đặc biệt là vụ nổ ở Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) và Bắc Ninh, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quyết liệt. Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trong toàn ngành về quản lý kho đạn dược và bom mìn thu gom sau rà phá.
Đại diện Cục Tuyên huấn cho hay, từ ngày thành lập quân đội đến nay có một số vụ cháy nổ kho đạn, chủ yếu là kho chứa đạn cấp 5, nhưng tỷ lệ này so với các nước vẫn rất ít. Đạn cấp 5 được thu giữ từ thời chiến tranh, chủ yếu dùng cho công tác huấn luyện, tới nay cũng đã trên 30 năm. Theo đại tá Tín, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến chuyện cháy nổ kho đạn trong thời gian vừa qua như: tự cháy, điều kiện thời tiết, điều kiện cất giữ, bất cẩn trong quá trình vận chuyển và phá hoại của các thế lực. Ngoại trừ những vụ tai nạn bom, mìn, đạn pháo do vô tình vướng vấp khi khai hoang cày xới đất đai, đào đắp công trình xây dựng dân dụng, thủy lợi…trong những năm qua đã có không ít vụ tai nạn bom, mìn, đạn pháo do con người tự ý tháo gỡ, cưa xẻ để lấy chất nổ, sắt thép và do trẻ em đùa nghịch.
Để tiếp tục khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam cho rằng về hành lang pháp lý cần sớm hoàn thiện quy định về cấp phép các quy chuẩn quốc gia rà phá bom mìn, huy động các nguồn lực xã hội để phục vụ cho công tác này. Được biết, không chỉ là thương tích hay những cái chết có thể rình rập bất kể lúc nào nếu người dân bất cẩn mà còn đó là những hy sinh, mất mát của những người lính ngã xuống giữa thời bình. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia Khắc phục hậu quả do bom mìn giai đoạn 2010-2025, từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, để mang lại sự an toàn cho nhân dân, cả nước đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn.