Nỗi đau tột cùng của người phụ nữ chăm con nuôi, thờ chồng

(PLO) - Chịu bao tủi nhục vì không sinh được con, bỗng một ngày người đàn bà hiếm muộn ấy tình cờ nhặt được một cậu bé mang về nuôi. Nhưng chẳng bao lâu thì chồng mất, rồi cậu con nuôi đặt hết niềm tin hy vọng cũng ra đi, cuộc đời bà trở về con số 0 tròn trĩnh.
Nỗi đau tột cùng của người phụ nữ chăm con nuôi, thờ chồng
Kiếp hồng nhan
Những ngày cuối tháng 6 vừa rồi, ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) xảy ra một chuyện thương tâm. Trong ngày giỗ ông bác, tiết trời nóng bức khó chịu, đứa cháu H.K.M (SN 1997) chạy ra sông tắm cùng chúng bạn, chẳng may trượt chân chết đuối. Chứng kiến cảnh người ta vớt xác con lên, bà N.T.M (60 tuổi) bất tỉnh nhân sự. Chồng bà đã mất, chỉ còn lại hai mẹ con rau cháo nuôi nhau. Nay đứa con cũng bỏ bà ra đi…
Người làng kể lại, hồi còn trẻ bà M. xinh đẹp với khuôn mặt ưa nhìn, nước da trắng, dáng người cao ráo, tính tình thùy mị, nết na, cách nói chuyện nhẹ nhàng, dễ gây cảm tình với người đối diện. Tuy gia đình nghèo khó nhưng cô con gái duy nhất trong gia đình có ba anh em vẫn được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng. Năm 16 tuổi, bà M. lấy một thanh niên ở ngay trong xã. Hai người quen biết và yêu nhau từ thuở bà còn đi học. Hạnh phúc lớn nhất của một người đàn bà là được làm mẹ. Nhưng mấy chục năm trời đằng đẵng đứng ngóng, nằm trông nhưng bụng bà vẫn chẳng thấy lùm lùm. 
Gia đình nhà chồng cũng vì chuyện này mà bắt đầu lạnh nhạt, hắt hủi con dâu. Họ nói gần, nói xa đại ý rằng nếu bà không sinh được con thì tốt nhất là lấy cho chồng một người vợ lẽ, hoặc giải thoát cho chồng đi lấy vợ mới. Nghe những lời ấy, bà M. đau xót lắm. Bị thúc ép quá, bà đành cắn răng chấp nhận xa chồng, dọn về nhà ngoại sống một mình. Người chồng thương vợ, không đành lòng nhìn vợ sống một mình nên dọn sang ở cùng. 
Hai vợ chồng cứ sống như vậy cho đến hơn chục năm trời. Khi bà M. ngoài 40 tuổi, trong một lần đi làm đồng, bà nhặt được một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở đống rơm ngay cổng trạm y tế xã. Bà sung sướng ôm đứa bé về khoe với chồng. Hai vợ chồng nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Thôi thì con cái là lộc trời cho, đứa trẻ này được coi như món quà dành cho cặp vợ chồng hiếm muộn. 
Bất hạnh không buông tha
Có đứa con, hai vợ chồng càng cố gắng chăm chỉ làm lụng. Thấy vậy, gia đình nhà chồng thương tình gọi về cho một mảnh đất. Có đất, hai vợ chồng cất lên ba gian nhà ngói, nhưng cay đắng thay, nhà vừa mới cất nóc thì người chồng bị cảm rồi qua đời. Sau tang lễ, sợ rằng tài sản phải giao cho người con dâu và đứa con nuôi không cùng dòng máu nên ông bố chồng đã đuổi bà ra khỏi nhà. Bế con ra đi với bao tủi nhục, nhiều lúc bà muốn quyên sinh nhưng lại thương đứa con còn nhỏ. Một lần nữa, bà trở về nhà bố mẹ đẻ, đi làm thuê làm mướn lấy tiền nuôi con và trả số nợ vay xây nhà trước kia.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đứa bé dặt dẹo hay ốm đã trở thành chàng trai 17 tuổi cao to, khỏe mạnh. Là con nuôi, nhưng không hiểu sao nó giống chồng bà như đúc. Cũng dáng người ấy, cũng khuôn mặt điển trai ấy, cũng cái lưng hơi gồ lên, cũng cái kiểu mỗi lần đong gạo thổi cơm, trước khi đặt lon gạo xuống lại dúm một dúm bỏ lên đáy lon… Vì thế mà bà M. yêu thương đứa con này lắm. Nó là niềm hy vọng sưởi ấm cuộc đời đắng cay của bà. Nó cũng là tương lai, là hạnh phúc cả quãng đời còn lại sau này của bà.
Trước khi xảy ra sự việc đau lòng vài ngày, trong lúc ngồi ăn cơm, đứa con thủ thỉ với mẹ rằng: “Mẹ ơi, chỗ con làm bên Đông Anh có một cô gái dễ thương lắm mẹ ạ. Cô ấy cười xinh lắm, tính cách lại hiền nữa. Để con… “tán” cô ấy rồi dắt về cho mẹ xem mặt nhé”. Nghe con nói vậy, bà M. rất sung sướng. Bà chợt nhận ra đứa con trai bé bỏng của mình đã lớn rồi. Bà định bụng phải cố gắng làm lụng hơn nữa để thêm tiền cưới vợ cho con. Rồi bà sẽ có cháu bế, tuổi già của bà sẽ được sống trong an nhàn, hạnh phúc. Thế mà đứa con trai của bà lại bỏ bà lại mà đi như thế.
Đứa con là khối tài sản lớn nhất và duy nhất đã không còn, bà đau đớn đến vật vã. Cuộc đời của bà giờ trở thành vô nghĩa. Sợ bà buồn chán rồi nghĩ quẩn làm liều, hàng xóm thay nhau đến nhà động viên, thăm hỏi. Họ khuyên bà sau 49 ngày của con thì vào chùa sống cho thanh thản. Bà chẳng nói gì, chỉ có đôi mắt rưng rưng…

Đọc thêm