Theo đó, Thông tư bổ sung đối tượng để được vay vốn mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng là: “Chưa có nhà ở nhưng có đất ở và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh”.
Đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm.
Trường hợp đối tượng làm việc tại chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương, nơi có dự án mà việc đóng bảo hiểm thực hiện tại địa phương nơi công ty có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thì cũng được áp dụng quy định tại điểm này nhưng phải có giấy xác nhận của công ty về việc đóng bảo hiểm...
Đồng thời, đối tượng được vay vốn khi đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định.
Về xác định điều kiện được vay vốn, Thông tư 18 nêu rõ: Người đứng tên vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc các đối tượng theo quy định, phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở và chỉ xác nhận một lần; đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập. Hoặc người đứng tên vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc các đối tượng quy định phải có xác nhận của UBND phường (xã), nơi hộ gia đình đang sinh sống và đăng ký thường trú hoặc tạm trú về thực trạng nhà ở và phải chịu trách nhiệm việc khai báo của mình.
Mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần hỗ trợ nhà ở theo quy định của Thông tư này. Trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có giấy chứng nhận kết hôn) và trường hợp ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ thì được coi là hộ gia đình độc lập và thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này.