Nơi hồi phục những nụ cười con trẻ

(PLO) - Tìm về Trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ em khuyết tật tại khối 10 thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một ngày mưa, ngôi trường nằm biệt lập sâu bên trong, cách xa tuyến đường cao tốc ồn ào tấp nập. Ở đây hàng ngày vẫn có những học sinh đặc biệt chăm chỉ đến trường.
Học sinh của mình sẽ sớm hòa nhập cuộc đời, đó là mơ ước của hết thảy giáo viên ở Trung tâm.
Học sinh của mình sẽ sớm hòa nhập cuộc đời, đó là mơ ước của hết thảy giáo viên ở Trung tâm.

Chăm chỉ tập đi, tập gọi tên bố mẹ, tập viết những nét chữ đơn giản, dù rất vất vả và khó khăn nhưng chẳng em nào nản lòng. Bởi ở đây các em được yêu thương, nhận được cảm thông, chia sẻ từ những con người bình dị mà bao dung.

Trung tâm giáo dục khuyết tật Can Lộc được thành lập vào ngày 21/5/2012. Đây là cơ sở giáo dục, tư vấn và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật do các nữ tu dòng Thánh Phao Lô, Can Lộc quản lý. Không đông đúc, ồn ào như những ngôi trường khác nhưng từ lâu Trung tâm đã trở thành mái nhà đầy ắp tình yêu thương của nhiều trẻ em có mảnh đời bất hạnh, khao khát chiến thắng số phận, vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình chúng tôi mừng lắm

Nhận thấy việc phát hiện sớm các trẻ em bị khuyết tật và đưa đến Trung tâm để được tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục là điều hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Trung tâm giáo dục khuyết tật Can Lộc đã ra đời mang trên mình sứ mệnh sẽ can thiệp phục hồi chức năng, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tật, phát triển khả năng tiềm ẩn ở các em.

Trung tâm đang nuôi dưỡng và giáo dục cho 38 trẻ em trong toàn tỉnh Can Lộc. Trong đó có 6 trẻ thiểu năng vận động, 10 trẻ thiểu năng trí tuệ và 22 trẻ khiếm thính. Dù mang trong mình những khiếm khuyết nhưng các gia đình và các em không hề nản lòng và nuôi trong mình ước mơ sẽ khắc phục được cho mình dù không phải là tất cả nhưng sẽ một phần nào đó để biết đâu các em sẽ có cơ hội được hòa nhập với cuộc sống xã hội ngoài kia như những người bình thường.

Khi Trung tâm mở ra, không có nhiều phụ huynh tin tưởng rằng sẽ làm được điều gì đấy để cải thiện tình trạng của các em. Nhưng mọi sự cố gắng bền bỉ bao giờ cũng làm nên những điều kì diệu. Và phép màu đã đến với các em ở Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật ở Can Lộc. Cô Thủy, phụ huynh của em Trần Thị Thương (11 tuổi) ở lớp thiểu năng vận động vui mừng khi nói về con mình: “Cháu thích đến trường lắm. Trước cháu chỉ biết ngồi im hoặc nằm im thôi, nhưng từ ngày được học ở đây cháu nói được nhiều từ hơn, cười nhiều hơn, làm được nhiều động tác tay chân hơn, đặc biệt là biết viết chữ rồi. Gia đình chúng tôi mừng lắm!”.

Ở Trung tâm, các em đều được học tập, vui chơi như những bạn bè cùng trang lứa, được nhận sự quan tâm, chăm sóc của các giáo viên ở đây. Sơ Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm không chỉ dạy văn hóa mà còn nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi những kỹ năng cơ bản cho trẻ. Các trẻ được tâp nói, tập nghe, tập hiểu, tập đi lại và vận động. Bên cạnh đó, các em còn được Trung tâm hỗ trợ các thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp như: xe lăn, khung tập đi, dụng cụ trị liệu, máy trợ thính...”.

Các giáo viên chăm sóc các em nhỏ.
Các giáo viên chăm sóc các em nhỏ.

Lòng trắc ẩn của người thầy

Có lẽ chẳng có gì đo đếm được niềm hạnh phúc khi những bậc cha mẹ chứng kiến sự thay đổi của con em mình. Và thành công ấy có được một phần nhờ sự tận tụy của các giáo viên tại Trung tâm. Dạy dỗ những học sinh bình thường đã vô cùng vất vả, huống gì phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật. Không chỉ đòi hỏi kỹ năng, những giáo viên cần có cả sự kiên trì, nhẫn nại và sâu xa hơn là tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ đối với những mảnh đời bất hạnh.

“Có những giáo viên đã khóc, xin được nghỉ công tác vì quá vất vả và không nhận được sự hợp tác từ các em. Nhưng khi được thuyết phục, tạo dựng sự kiên nhẫn gắn bó thêm thì dần dần những giáo viên ở đây đã quen với cuộc sống gắn bó cùng các em và chăm sóc các em không chỉ bằng kiến thức chuyên môn mà là bằng cả tấm lòng, sự cảm thông, yêu thương, sâu sắc” - cô Nguyễn Thị Hạnh, người truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp chia sẻ. 

Và đối với cô, bí quyết để giữa giáo viên và học sinh khuyết tật có sự phối hợp với nhau thì trước tiên phải chạm vào lòng trắc ẩn của người dạy. “Giây phút các em tự bước đi mà không cần các cô dìu dắt dù chỉ một vài bước chân nhỏ thôi, hay khi các em bật ra những tiếng gọi đầu tiên, không phải bố ơi, mẹ ơi... mà là cô ơi, dẫu biết vẫn còn ngọng nghịu nhưng có lẽ là giây phút thiêng liêng và ý nghĩa đối với những con người đang cặm cụi lao động ở đây.”.

“Em Thương (11 tuổi) bị bệnh u não úng thủy, vì đầu em quá nặng nên nhiều khi đang ngồi nắn nót từng nét chữ, tự nhiên em gục đầu xuống bàn hoặc ngã ngửa ra sau. Cô giáo hỏi thì em hồn nhiên trả lời: “Thưa cô, tại đầu em nặng quá nên em mới như vậy. Lúc đó giáo viên đứng lặng vì xúc động và thương em vô cùng.” – cô Hạnh chia sẻ.

Hai năm kể từ khi thành lập, năm 2014 Trung tâm đã gửi được 2 em ra các trường hòa nhập để các em tiếp xúc với môi trường rộng lớn và nhiều cơ hội hơn. Và những người gắn bó với Trung tâm chưa bao giờ ngừng hi vọng sẽ còn có nhiều học sinh hơn nữa được học nghề và làm nên những điều kì diệu...

Đọc thêm