Thầy thương binh, trò khuyết tật
Hơn 3 năm nay, lớp học của Hội cựu giáo chức (những thầy cô giáo về hưu - PV) được xem là nơi “cứu cánh”, là nơi mang lại niềm vui, tiếng cười cho những trẻ em khuyết tật. Từ rất sớm, trên khắp mọi ngả đường, những phụ huynh có con em học ở lớp học khuyết tật đã ngược xuôi đưa con em mình đến để kịp giờ lên lớp của các thầy. Trên những khuôn mặt của cả phụ huynh lẫn học sinh đều hiện lên một niềm vui khôn xiết. Bởi, với họ đây giống như một giấc mơ giữa đời thực.
Hôm tôi đến, đúng lúc lớp học vừa mời bắt đầu, thấy khách lạ những em học sinh không ai bảo ai đều tự động đứng dậy vòng tay chào khách. Xong xuôi, các em ngồi ngay ngắn vào vị trí để lắng nghe thầy giáo giảng bài.
Không muốn các em mất tập trung, thầy Trần Đình Vương (63 tuổi) là người đứng ra mở lớp học kéo tay tôi ra khoảnh sân trước mặt ngồi nói chuyện. “Hơn 3 năm, kể từ ngày mở lớp này ra bây giờ các em đã khác xưa nhiều rồi.
Lúc mới đến với lớp học, các em còn ngờ nghệch ai nói gì cũng cứ ngớ người ra nhìn rồi cười. Bây giờ thì khác, cứ hễ có người lạ đến là các em tự động đứng dậy chào, đọc và viết cũng đã ổn hơn xưa” - thầy Vương bộc bạch.
Khi mới nghe về lớp học này, nhiều người bảo rằng: “Cái lớp học này lạ lắm”. Nghe vậy, tôi đem chuyện “cái lớp này lạ lắm” mà nhiều người vẫn hay nói để hỏi thì được thầy Vương cho biết, vốn dĩ lớp này lạ là do ở đây cả thầy và trò đều có những khiếm khuyết trên cơ thể. Trò khiếm khuyết khi vừa mới chào đời thì thầy khiếm khuyết do thương tật từ chiến tranh để lại.
Theo thầy Vương, đứng lớp dạy cho những em học sinh ở đây có 18 thầy cô giáo, trong những thầy cô giáo đó có những thầy giáo từng một thời chinh chiến trong khói lửa chiến tranh, một phần cơ thể đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Hết chiến tranh họ trở về với đời sống thường nhật, rồi gắn đời với nghiệp “gõ đầu trẻ”.
Thầy giáo Nguyễn Hương (63 tuổi), là một trong những thầy bị thương tật trong chiến tranh. Bản thân thầy trước đây là một người lính từng tham chiến ở chiến trường trong tỉnh, chiến tranh đã lấy đi của thầy một cánh tay phải.
Sau khi hòa bình lập lại thầy về làm nghề giáo và sau này về hưu, tưởng chừng như nghiệp làm thầy của mình đã hết thì khi nghe tin lớp học này được mở ra thầy đã đăng ký để đứng lớp dạy cho các em. Mải đứng lớp và đi từng bàn uốn nắn từng con chữ cho các em nên khi hết giờ tôi mới có dịp chuyện trò cùng thầy.
Sau hơn 2 tiếng đứng lớp, khá mệt mỏi nhưng khi được hỏi về lớp học này, về các em thì thầy lấy làm vui: “Thú thật, cả cuộc đời từng dạy cho nhiều em nhưng dạy cho những em khuyết tật ở đây là một điều gì đó rất khác.
Không phải chỉ đơn thuần là các em bị bệnh tật, mà nó giống như có một sự đồng cảm giữa thầy và trò, bởi ở đây nhiều thầy cũng là thương binh, cơ thể cũng có phần khiếm khuyết. Nhiều lúc mệt, muốn nghỉ nhưng thấy các em chăm lo học rồi cứ thế chúng tôi lại lao vào giảng dạy cho các em nên mọi mệt mỏi cũng tan biến”.
Thầy giáo Nguyễn Hương tuy bị mất một tay nhưng vẫn thường xuyên lên lớp dạy học cho các em. |
Niềm hi vọng của trẻ khuyết tật
Lớp học của trẻ em khuyết tật có tất cả 13 học sinh, mỗi em mỗi hoàn cảnh và chịu sự giày vò của mỗi căn bệnh khác nhau. Trong lớp, nhỏ nhất là 10 tuổi và lớn nhất là 43 tuổi. Lớp được duy trì hơn 3 năm nay, mỗi tuần các thầy cô dạy cho các em 3 buổi. Lớp học nằm ở xã Tịnh Thọ, thế nhưng mỗi học sinh trong lớp là tập hợp các em từ nhiều xã khác trong huyện và kể cả các em ở những huyện khác.
Để có được lớp học này, ngay từ đầu đó là cả một sự nỗ lực không biết mệt mỏi của những thầy cô giáo nơi đây. Sau khi về hưu, những thầy cô giáo được chính quyền địa phương thành lập ra một hội có tên; Hội cựu giáo chức. Hội được thành lập chỉ là nơi sinh hoạt cho những thầy cô giáo về hưu, thấy hội ra đời và hoạt động quá vô bổ nên thầy Trần Đình Vương (Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã Tịnh Thọ) đã đứng ra mở lớp học để dạy cho các em khuyết tật.
Để có được lớp học, ngay từ khi có ý định mở lớp, các thầy cô giáo đã lên danh sách để điều tra xem ở xã, thôn nào có trẻ khuyết tật để đến vận động.
“Lớp học này được dựng lên, chúng tôi đã mất đến tận 6 tháng để lên danh sách, đi diều tra và động viên các bậc cha mẹ để họ có thể đưa con đến với lớp. Ban ngày ai cũng bận với công việc, khó để chúng tôi gặp nên khi đêm xuống chúng tôi mới có cơ hội để gặp họ mà động viên.
Lớp học cho trẻ em khuyết tật, nhưng không phải trẻ nào khuyết tật nào cũng đều được chúng tôi nhận, chỉ những trẻ tự làm vệ sinh, ngồi được thì chúng tôi mới nhận, chứ những em nằm một chỗ và không tự vệ sinh được khi nhận vào lớp thì sẽ ảnh hưởng đến các em khác” - thầy Vương cho biết.
3 năm, dạy cho 13 em học sinh, và chỉ dạy Toán, Tiếng Việt, những kỹ năng sống. Hôm tôi đến, các em đang chăm chú nghe thầy giáo giảng bài, những tiếng đọc đôi lúc chưa tròn vành rõ chữ, những nét chữ đôi lúc còn nguệch ngoạc nhưng đó là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ của cả thầy và trò nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Hương, một phụ huynh có con học ở đây xúc động: “Nhờ những thầy ở đây mà con tôi biết được con chữ, biết đọc sách. Nó sinh ra đã bị bệnh tật hành hạ, nhà nghèo không có tiền chữa trị, mặc dù nó đã 43 tuổi rồi mà vẫn ngờ nghệch như con nít.
Từ hồi đến đây học, được thầy cô tận tình chỉ dạy nên thấy nó khác hẳn so với trước đây. Đưa nó đến đây, một phần nó được học chữ, một phần tôi cũng yên tâm để đi làm đồng. Gia đình tôi biết ơn thầy cô nhiều lắm”.
Dẫu biết rằng các thầy cô ai cũng già cả, cần được nghỉ ngơi. Thế nhưng vì tình yêu dành cho con trẻ, vì lòng nhiệt huyết của nghề giáo mà các thầy, các cô luôn đến lớp để uốn nắn, dạy từng con chữ cho các em, để những em ở đây vơi bớt đi sự mất mát lớn về thể chất và tinh thần./.